Quy định phải mở sổ kế toán: Có làm giảm hoạt động từ thiện?
VOV.VN - Thông tư 41 là một quy định rất kịp thời, hạn chế việc thất thoát, gian lận, tăng tính minh bạch tránh những lùm xùm không đáng có liên quan tới hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, nếu không khéo sẽ làm nản lòng những người có tấm lòng hảo tâm.
Nhiều năm qua ở nước ta, hoạt động từ thiện đã trở thành một hoạt động được lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt với sự tham gia tích cực của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng đã góp phần quan trọng tạo nên những hiệu ứng tích cực trong hoạt động thiện nguyện.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện Nghiên cứu thanh niên, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng, từ thiện về bản chất đều có giá trị rất tốt đẹp, dù trong bất kỳ xã hội nào. Nó là sự chia sẻ của những người có tâm, các mạnh thường quân với những người nghèo khó. Đặc biệt với truyền thống văn hóa của người Việt, luôn luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành, đùm lá rách, nên theo thời gian việc thể hiện trách nhiệm xã hội, tinh thần sẻ chia càng được lan tỏa rộng rãi, hiệu quả hơn.
“Chúng ta huy động được những nguồn lực trong xã hội để giúp đỡ người nghèo khó cũng có nghĩa chúng ta giảm tải được gánh nặng cho Nhà nước, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực này, TS Linh cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay hoạt động từ thiện ở nước ta còn mang tính tự phát, tự vận động, chưa được quản lý chặt chẽ nên bị không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, làm biến tướng gây ảnh hưởng xấu với dư luận...
Đặc biệt vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện, thời gian quan nhận được quan tâm rất lớn của xã hội. Thực tế việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động tương thân tương ái thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế.
“Tôi cho rằng với quan niệm của nhiều người đang tạo ra một sự tràn lan trong việc tổ chức quyên góp cũng như thành lập các quỹ từ thiện. Như vậy chúng ta rất khó kiểm soát, đó là chưa kể tính thật giả trong các hoạt động thiện nguyện luôn luôn lẫn lộn với nhau”, TS Linh bày tỏ quan điểm.
Trước những bất cập đặt ra, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện, có hiệu lực từ 1/9 tới được nhiều người cho rằng là một bước tiến mới về quy định pháp lý giúp hoạt động từ thiện chuyên nghiệp, minh bạch hơn.
Theo thông tư 41, tất cả tổ chức, cơ quan, đơn vị có hoạt động liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện thì đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán và minh bạch thông tin. Đối với cá nhân có hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn từ thiện.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng: Đây là một quy định rất kịp thời, hạn chế việc thất thoát, gian lận trong quá trình thực hiện từ thiện, tránh lùm xùm không đáng có liên quan tới hoạt động từ thiện.
“Trước những yêu cầu của thực tiễn trong thời gian qua về hoạt động xã hội, từ thiện cần phải có thông tư hướng dẫn chế độ kế toán để các tổ chức, đơn vị, cá nhân áp dụng. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, giải trình được một cách rõ ràng các khoản thu, chi”, TS Linh khẳng định. Tuy nhiên qua xem xét cụ thể Thông tư 41, ông Linh cho rằng tương đối phức tạp, nhiều sổ sách, biểu mẫu, báo cáo sẽ gây khó cho người thực hiện
“Nếu tính cả phụ lục lên tới 163 trang. Tôi nghĩ rằng là để người dân hiểu và làm đúng những yêu cầu này đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao”. Theo ông Linh, những yêu cầu này với các tổ chức của Nhà nước thì khả thi nhưng nếu áp dụng với cá nhân hoặc các nguồn quỹ ngoài nhà nước thì sẽ rất khó đáp ứng. Và nếu triển khai, không có sự hướng dẫn cụ thể, tuyên truyền mạnh mẽ thì rất có thể sẽ làm nản lòng những người có tấm lòng hảo tâm, những người muốn làm việc thiện nguyện.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện Nghiên cứu Thanh niên
Trong câu chuyện với PV VOV2, TS Đặng Vũ Cảnh Linh cũng dẫn dụ cách làm của nhiều nước trên thế giới. Trong đó một kinh nghiệm mà TS Linh cho là vô cùng văn minh và hiệu quả đó là hãy xem mỗi mạnh thường quân hay các tổ chức quyên góp từ thiện là những điểm trung chuyển nguồn tài trợ. Khi cá nhân hoặc tổ chức đứng ra vận động nên lập danh sách của những người cần cứu trợ rồi chuyển một cách công khai số tiền quyên góp đến trực tiếp những người nhận. Điều này hoàn toàn có thể chứng minh được tính minh bạch mà lại đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn.
Ông Linh cũng hy vọng rằng với Thông tư 41, sau một thời gian triển khai sẽ có đánh giá và điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Thông tư số 41 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2022. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện, có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được tiếp tục thực hiện chế độ kế toán đang áp dụng đến hết năm tài chính 2022. Từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp áp dụng Thông tư số 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính đến hết năm tài chính 2022, từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân khác có tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện thực hiện theo quy định của Thông tư này kể từ ngày 01/09/2022./.