Quy định phân loại rác tại nguồn vẫn còn trên giấy?
VOV.VN - Nhiều người dân đang rất băn khoăn khi Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực nhưng quy định phân loại rác tại nguồn vẫn còn trên giấy
Từ 1/1/2022, theo Luật bảo vệ môi trường 2020, các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm. Nhóm một là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng hoặc tái chế; hai là chất thải thực phẩm và ba là chất thải rắn sinh hoạt khác. Dù đã hơn 10 ngày 2 quy định này có hiệu lực, tuy nhiên, tại một số địa điểm vẫn còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi, chưa thực hiện phân loại.
Ghi nhận trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những túi rác thải vẫn còn xuất hiện bên lề đường mà chưa được phân loại tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Không chỉ là rác thải sinh hoạt thông thường, túi nilon, vỏ bánh kẹo, mà thậm chí cả khẩu trang đã qua sử dụng cũng được vứt bừa bãi. Điều này một phần cũng đến từ việc nhiều người chưa nắm rõ quy định phân loại rác thải.
Bên cạnh việc phân loại rác tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định về việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay vì tính phí theo bình quân đầu người như hiện nay. Đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định này còn nhiều bất cập.
Mặc dù Luật bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực hơn 10 ngày nhưng theo ông Nguyễn Công Minh (đang sinh sống tại một chung cư trên đại bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội) người dân mới chỉ nghe nói có luật chứ chưa hề được hướng dẫn hay thông báo cụ thể.
“Hiện chúng tôi đang rất băn khoăn khi luật có hiệu lực rồi nhưng trên thực tế không có bất kỳ thông báo, hướng dẫn cụ thể từ lực lượng chức năng. Chính vì vậy người dân chúng tôi không biết thực hiện theo quy định mới hay cũ và làm thế nào cho đúng”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết, tại khu nhà ông sinh sống, đặc thù là chung cư nên có những thứ rất khó thực hiện theo luật mới như: Các tầng không có thùng rác, không có người thu gom mà chỉ có một lỗ vứt rác chung thông giữa các tầng xuống dưới.
“Nếu có phân loại rác tại từng nhà đi chăng nữa thì vứt chung xuống, lẫn lộn, đơn vị môi trường đến thu gom đến cũng trộn lẫn không mở ra phân loại cũng khó. Thứ 2 là nếu tính tiền theo số lượng, ai giám sát được rác trộn lẫn trong đường rác chung đó của nhà nào?...”, ông Minh chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Huyền (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi cũng từng phân loại rác tại nguồn, nhưng khi đơn vị môi trường đến họ cũng chỉ dùng 1 xe rác để thu gom, rồi trộn lẫn rác nhà không phân loại vào… nên dần dà người dân cũng nản và không phân loại rác nữa. Và tái diễn cảnh người thiếu ý thức xả rác bừa bãi khắp nơi. Tổ dân phố lắp camera góc này thì lại trốn vứt ở góc khác… rất khó xác định vi phạm”.
Theo bà Huyền, mặc dù đã có hiệu lực hơn 10 ngày nhưng cho đến nay, nơi bà đang sinh sống chưa có bất cứ thông báo hay hướng dẫn gì trong việc thực hiện quy định mới này.
“Rõ ràng quy định rất tốt để bảo vệ môi trường nhưng không đốc thúc áp dụng thì luật vẫn chỉ trên giấy. Thực tế, công nhân thu gom rác không thể vừa đẩy xe rác vừa cầm cái cân đi theo để cân theo số lượng. Hay kiểm tra từng túi rác phân loại của người dân… Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện cho đúng tinh thần và làm sao đạt hiệu quả cao nhất”, bà Huyền đề nghị.
Ý thức người dân là cốt lõi trong bảo vệ môi trường
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, anh Trần Thanh Ba – công nhân Công ty môi trường đô thị Vĩnh Yên chuyên thu gom rác trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ: “Mặc dù rất mong muốn cùng với đó là luật mới đã có hiệu lực nhưng hiện nay chúng tôi vẫn rất hiếm khi thấy người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cũng chưa có bất kỳ động thái nào từ các cơ quan quản lý để thúc đẩy việc này. Trong khi đó, thực tế vẫn còn người dân thiếu ý thức, cố tình xả rác bừa bãi ra môi trường”.
Để thực hiện được vấn đề này, anh Trần Thanh Ba cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các cán bộ tổ dân phố, công an khu vực lên tới các cấp và các cơ quan có liên quan để thúc đẩy việc làm này.
“Chúng tôi chỉ mong người dân trước mắt có ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định là chúng tôi đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Về lâu về dài, quy định cần chặt chẽ, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức thì sẽ hạn chế đi việc xả rác bừa bãi và bảo vệ môi trường”, anh Ba chia sẻ thêm./.