Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về dịch bạch hầu

VOV.VN - Ngày 9/7, đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại tỉnh Gia Lai để bàn các biện pháp khẩn cấp dập tắt dịch bệnh bạch hầu tại đây.

Ngày 9/7, PGS TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế đã chủ trì buổi làm việc đoàn công tác của  Bộ Y tế với tỉnh Gia Lai để bàn các biện pháp khẩn cấp dập tắt dịch bệnh bạch hầu tại đây.

Từ tháng 6 đến nay, đã có 72 trường hợp mắc bạch hầu, ở 10 thôn làng thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên. 3 trường hợp đã tử vong. Phổ tuổi mắc bạch hầu là từ 3 đến 60 tuổi. 28 trường hợp có biểu hiện triệu chứng, số dương tính không có biểu hiện triệu chứng chiếm gần 50%. Điều này cho thấy nguy cơ cao về lây lan nhanh bạch hầu ở Tây Nguyên là rất rõ rệt. 

Kiểm soát y tế người ra, vào ổ dịch bạch hầu ở xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Phân tích về nguy cơ dịch bệnh, TS Đặng Quang Tấn Cục trưởng cục y tế dự phòng, cho biết: "Các buôn làng có dịch đều là buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Khi chúng tôi đi thực tế thì thấy điều kiện đi lại rất khó khăn. Các làng không có phương tiện thuận lợi để đi lại. Khi cán bộ y tế đến thì bà con thường xuyên không có nhà, khó cho công tác tiêm chủng. Bên cạnh đó thì việc các làng thường tập trung cầu kinh, ở các nhà liền kề, cũng là môi trường rất dễ để các ca có trùng bạch hầu lây lan trong cộng đồng".

Trong số các tỉnh Tây Nguyên, Đăk Nông có số ca bạch hầu nhiều nhất, với 28 trường hợp, tiếp đó là Kon Tum, 24 trường hợp.

Để ngăn chặn bệnh bạch hầu các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp, như cách ly các ổ dịch, truy dấu vết các trường hợp dương tính, điều trị tích cực các trường hợp đã mắc, tổ chức cho uống kháng sinh, tiêm phòng cho hơn 10.000 người dân ở các thôn làng có phát sinh bạch hầu.

Riêng tỉnh Gia Lai, với số ca được phát hiện là 17, ít hơn Đăk Nông và Kon Tum nhưng được nhận định là rất đáng lo ngại, vì có 1 trường hợp tử vong, 1 trường chuyển biến nặng đang được điều trị tích cực.

Để dập dịch bạch hầu, công tác phòng dịch tại tỉnh được triển khai rốt ráo như: cách ly, khử độc tiêu trùng và các hoạt động khác nhằm kiểm soát mầm bệnh lây lan. Tại ổ dịch, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, chính quyền xã Hải Yang đã thành lập đội tình nguyện để trợ giúp người dân Bông Hiot, như tuyên truyền, vận động phòng chống dịch theo khuyến cáo; trợ giúp kịp thời những người dân khi cần mua sắm hoặc có các nhu cầu thiết yếu phát sinh. 

Theo ông Mai Xuân Hải, Giám đốc sở Y tế Gia Lai, ngành y tế tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ngăn chặn dịch: "Ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện thuốc men, hóa chất chuyên dùng để phòng chống dịch. Hiện chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến, kịp thời cách ly, truy dấu, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ, điều trị tích cực các trường hợp mắc, hạn chế thấp nhất lây lan và giảm nguy cơ tử vong".

Tại buổi làm việc GS TS Nguyễn Thanh Long, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, quan điểm của Bộ là phải xử lý bệnh này nhanh nhất và an toàn nhất, đồng thời bền vững cho những năm tiếp theo.

Dù có những diễn biến phức tạp, nhưng các tỉnh Tây Nguyên có triển vọng sớm dập tắt dịch bạch hầu, vì đây không phải là bệnh lạ. Các tỉnh cũng đã cách ly kịp thời, truy dấu hiệu quả, năng lực xét nghiệm đã được nâng cao. Đăk Nông - nơi dịch bệnh phức tạp nhất, đã có thể tự xét nghiệm; các tỉnh khác có thể xét nghiệm kịp thời tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Bộ Y tế đã sẵn sàng 500.000 liều vaccine bạch hầu để Tây Nguyên dập dịch. Chiều 9/7, đoàn công tác của Bộ Y tế dự kiến đi thực tế tại huyện Đăk Đoa (Gia Lai) và phát động tiêm vaccine phòng bạch hầu ở toàn khu vực Tây Nguyên.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, tỉnh Kon Tum đã cấp trên 30.000 liều kháng sinh để điều trị dự phòng cho người dân tại các khu vực có ổ dịch, đồng thời tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Tại tỉnh Kon Tum, hiện ở hai huyện Đăk Tô và Sa Thầy đang có 17 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Trong đó có 8 ca bệnh và 9 trường hợp người lành mang trùng. Là người trực tiếp theo dõi từ đầu, điều trị cho 2 ca bệnh bạch hầu và 3 trường hợp người lành mang trùng ở Khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, bác sỹ Hoàng Thu Thủy, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cho biết: "Triệu chứng của bệnh nhân khi vào nhập viện là sốt, ho và đau họng. Khám thì thấy hai amidan sưng, đỏ và có giả mạc. Khoa truyền nhiễm đã cách ly bệnh nhân ngay từ đầu và điều trị bằng thuốc kháng sinh và những thuốc hỗ trợ khác. Hiện tại thì bệnh nhân đều ổn".

Là tâm điểm đợt bùng phát dịch bệnh bạch hầu lần này, hiện tại huyện Sa Thầy đang có 6 ca bệnh và 6 trường hợp người lành mang trùng.

Theo dõi, điều trị các trường hợp người lành mang trùng ở Khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy.

Cùng với thực hiện cách ly đặc biệt, tích cực điều trị cho các trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu ở Trung tâm Y tế huyện, ông Dương Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, chính quyền và ngành chức năng địa phương đang duy trì 7 chốt kiểm soát dịch bệnh quanh 3 ổ dịch bạch hầu ở làng O, làng Trang xã Ya Xiêr và làng Chốt, thị trấn Sa Thầy: "Lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp vào vùng tâm dịch và triển khai thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế. Cụ thể như cách ly, phát thuốc cho bà con uống. Tiến hành vệ sinh, xử lý môi trường, tổ chức chốt chặn để thực hiện biện pháp cách ly và nhiều biện pháp kết hợp theo khuyến cáo của ngành y tế”.

Cùng với kiểm soát ca bệnh, khoanh vùng cách ly ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã cấp phát trên 30.000 viên kháng sinh và trên 5.500 gói kháng sinh để điều trị dự phòng cho người dân tại các khu vực có ổ dịch. Đồng thời tổ chức 27 đợt khám sàng lọc cho gần 3.000 lượt người; thực hiện 22 đợt phun hóa chất Cloramin B; tổ chức truyền thông trực tiếp về bệnh bạch hầu cho gần 3.200 người dân nhằm nâng cao kiến thức trong cộng đồng về cách phòng, chống bệnh bạch hầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên