Quyết định bất ngờ và mạnh tay
(VOV) -Nhiều người cho rằng đây là cách làm bất ngờ nhằm “khai tử”, “chấm dứt” liên thông.
Trong bài trước “Chấn chỉnh đào tạo liên thông” đã đề cập đến một thực tế tồn tại bấy lâu nay, đó là nhu cầu người học liên thông lên đại học quá lớn, các trường cố tình mở nhiều lớp đào tạo liên thông không đúng quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Liên thông đang ở tình trạng mất kiểm soát. Thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông trình độ đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành nhằm siết chặt đào tạo liên thông đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.
Một lớp học của sinh viên hệ liên thông CĐ lên ĐH |
Chỉ cần gõ cụm từ “liên thông” trên Google, sẽ hiện ra hàng triệu kết quả, trong đó có rất nhiều bài viết liên quan đến Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Điều đó đủ thấy quyết định này tác động lớn đến xã hội thế nào, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà trường và những sinh viên đang có ý định học liên thông. Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng đào tạo, trường Cao đẳng Điện tử - điện lạnh Hà Nội cho rằng: đa số sinh viên của trường học xong sẽ đăng kí thi liên thông ngay với một trường đại học khác như Đại học Điện lực, Đại học Nha Trang... Quy định mới của Bộ yêu cầu sinh viên học xong cao đẳng, trung cấp phải sau 36 tháng mới được học liên thông đại học, cao đẳng, nếu muốn học ngay phải dự thi kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy sẽ khiến cho nguồn tuyển của các trường rất khó khăn: “Bộ ra chủ trương như thế cũng đúng đắn là phải thắt chặt liên thông. Nói gì thì nói đào tạo liên thông mà không thắt chặt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Dù sao ở Việt Nam khi tuyển vào các đơn vị sự nghiệp thì vẫn căn cứ vào bằng cấp, khác vào nước ngoài là căn cứ vào năng lực, do đó có cái khó là những người mới ở trình độ trung cấp, cao đẳng, cơ hội việc làm không nhiều bằng người có bằng đại học. Tuy nhiên với quy định mới ra của Bộ sẽ là rất khó cho các trường về nguồn tuyển để đảm bảo chỉ tiêu”.
Mặc cho các ý kiến trái chiều từ dư luận, Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạo rất đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT nhằm đưa liên thông trở về đúng bản chất của nó, chứ không phải là “nồi cơm” kiếm tiền của các nhà trường: “Lâu nay có một số cơ sở giáo dục làm không đúng, làm tiêu cực sai lệch chủ trương đúng đắn là chủ trương liên thông. Việc làm đó đã làm nên những sản phẩm được hưởng những quyền lợi này hay quyền lợi khác, như người ta nói là đi đường vòng. Bây giờ họ bị ngăn chặn thì họ phản ứng hay nói nặng hơn là phản đối. Tôi nghĩ rằng chiều hướng đúng đắn này phải được xã hội ủng hộ”.
Không ít người hoan nghênh chủ trương của Bộ GD-ĐT, cho rằng lẽ ra công việc này đã phải làm từ lâu. Tuy nhiên, Thông tư 55 có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người, nhưng lại được ban hành một cách đột ngột ngày 25/12/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 7/2/2013. Bởi vậy, nhiều người đã phản đối cho dù ủng hộ chủ trương. Thậm chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người cho rằng đây là cách làm bất ngờ nhằm “khai tử”, “chấm dứt” liên thông. Đây không phải là văn bản duy nhất của các cơ quan chức năng được ban hành một cách bất ngờ mà không có dự báo trước. Ông Khúc Văn Mát, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực Hà Nội, Trưởng Ban biên tập Tạp chí phát triển Hội luật gia Việt Nam nhận định: “Nhiều người cho rằng văn bản này mang tính chất giật cục, không được báo trước, bởi vì làm ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn đang học. Ví dụ như tính 2010, 2011 các bạn sẽ như thế nào, theo quy định mới hay cũ. Vì vậy tôi đề nghị Bộ nên cân nhắc thời gian thực thi. Cò về xu hướng lâu dài thì liên thông là bản chất của giáo dục, không thể có chuyện là người ta không thể học lên cao hơn và không thể đứt đoạn ở đấy được” .
Đồng ý rằng việc siết lại này là có lý, làm theo đúng yêu cầu của xã hội, yêu cầu của Luật Giáo dục đại học là giảm dần chỉ tiêu hệ đào tạo phi chính quy, nâng cao chất lượng đầu vào, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học nhấn mạnh cách làm của Bộ chưa hợp lý ở chỗ đưa ra quy định mới không có lộ trình:
“Tôi ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên là bước đi nên làm thế nào cho uyển chuyển chứ không nên đùng một cái đưa ra ý kiến mùng 7 này chấm dứt. Về luật thì không sai gì cả, nhưng mà lẽ ra phải có dự báo trước cách đây 1-2 năm, mỗi năm giảm bớt chỉ tiêu, tăng cường chất lượng thi đầu vào, phương pháp, hình thức thi, môn thi để người học người ta biết rằng để trở thành sinh viên đại học tương đương với hệ chính quy thì con đường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp... đấy chỉ là một con đường nhưng không phải rất rộng mở mà phải là con đường khó hơn”.
Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải quản lý chặt, kiểm soát được các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo liên thông. Tuy nhiên sau một thời gian dài buông lỏng dẫn đến những hệ lụy rất nghiêm trọng, ngành Giáo dục mới nhanh chóng hạn chế chỉ tiêu, siết chặt đầu vào, đầu ra để chấn chỉnh. Giải pháp này có thể được coi là tình thế trong thời điểm hiện nay, song rõ ràng sẽ tác động lớn đến xã hội, đến dự định của hàng vạn sinh viên đang học cao đẳng, trung cấp. Thiết nghĩ, một chủ trương của cơ quan nhà nước được ban hành cũng cần có dự báo trước, tiến hành từng bước căn cơ hơn, tránh làm dư luận quá bất ngờ bởi những quyết định đột ngột./.