Quyết định kiểm điểm chưa ráo mực, hàng loạt nhà trái phép lại mọc lên
VOV.VN -Khi mà TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch phường Yên Phụ chưa ráo mực thì một loạt các công trình xây dựng không phép khác lại mọc lên.
Một trong những điểm nóng để xây dựng không phép, sai phép có thể kể đến khu đất 16ha tại ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ.
Tại khu vực này nhiều năm qua người dân đua nhau, tự ý “khai hoang”, xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng, mua bán, tranh giành đất, trong khi đó chính quyền gần như vô hiệu trong việc giám sát, xử lý vi phạm của người dân.
Lều lán lấn chiếm bãi đất ven sông Hồng cuối ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Trong đơn gửi đến Báo điện tử VOV, bà Hoàng Chiến Thủy cho biết, cách đây 10 năm gia đình “khai hoang” mảnh ruộng sát mép bờ sông Hồng, trồng hoa màu và làm lều nhỏ để chăn nuôi.
Ngày 16/3/2018, bất ngờ có nhóm người đứng đầu là Kim Sơn Tú và Hoàng Văn Tuyên đến chặt phá cây cối cùng hoa màu, đốt lều, phá giếng khoan, giếng nước ăn.
Bà Thủy cho hay, dù đã nhiều lần có đơn thư đến chính quyền địa phương nhưng đến nay không xử lý.
“Gia đình tôi còn nhiều lần bị đe dọa nếu báo chính quyền, thậm chí công nhân bị đánh”. Ngay sau đó, ông Kim Sơn Tú đã tổ chức xây dựng trên mảnh đất này.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, cho biết nguồn gốc mảnh đất này do người dân lấn chiếm bờ bãi ven sông rồi tự mua bán, làm nhà chứ không một ai có chủ quyền. Phía công an kinh tế quận Tây Hồ đã có kết luận rõ.
Việc xây dựng của ông Kim Sơn Tú, UBND phường đã xử lý cưỡng chế phá dỡ toàn bộ, “lực lượng chính quyền mỏng nên cũng không thể canh giữ ngày đêm. Việc xử lý vi phạm trật tự ở ngoài bãi An Dương này có những công trình chúng tôi phải xử lý hàng chục lần. Một cái lều họ dựng lên dỡ hôm nay thì sau một đêm mai họ dựng lại là bình thường. Do giá trị không cao nên người dân cố tình làm. Việc này rất mất thời gian nhưng họ vi phạm thì chính quyền vẫn phải xử lý. Trước tình trạng này, phường đã báo cáo quận để chỉ đạo công an xử lý hình sự nhưng đang trong quá trình thu thập hồ sơ”.
Theo ông Trung do đất khu vực này chưa rõ ràng vì là đất chưa sử dụng, phường xin văn bản hướng dẫn của quận nhưng cũng vướng trong việc xử phạt vi phạm hành chính.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực 16 ha ngõ 76 An Dương là một trong những điểm nóng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng.
Tại đây vấn đề dựng lều lán, nhà tạm trên đất nông nghiệp, trong hành lang thoát lũ, lấn chiếm đất công, mua bán trái pháp luật và đã được UBND quận Tây Hồ xử lý, giải tỏa, thu hồi vào năm 2013, sau đó giao cho Trung tâm Quỹ đất quận Tây Hồ quản lý, quây tạm bằng hàng rào tôn để chống lấn chiếm. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vẫn tiếp tục diễn ra.
Trước tình trạng này quận Tây Hồ đã báo cáo Thành phố giao Công ty TNHH Xuân Cầu quản lý, sử dụng tạm khu đất làm bãi đỗ xe tạm.
Tuy nhiên, đơn vị này đã sử dụng hơn 1.000 m2 đất không đúng với phương án, mục đích giao đất xây nhà xưởng cho thuê buộc chính quyền tổ chức cưỡng chế.
Tràn lan vi phạm cải tạo xây dựng không phép
Phản ánh của người dân người dân, tại làng Yên Phụ (quận Tây Hồ), các công trình xây dựng, cải tạo không phép đua nhau “nở” rộ, vỡ quy hoạch Hồ Tây.
Theo quy hoạch, mặt tiền đường làng Yên Phụ được cấp phép xây dựng 12m (tương đương 3 tầng), việc hàng loạt các nhà có hiện trạng 4 tầng 1 tum, cải tạo, cơi nới, tự ý chồng thêm nhiều tầng lên nhà ở khiến nhiều nhà ở tuyến đường làng Yên Phụ trở nên nhem nhuốc.
Một căn nhà cải tạo không phép ở làng Yên Phụ. |
Trước hành vi cải tạo không phép, ngày 24/4/2018, UBND phường Yên Phụ đã ra thông báo số 63/TB-UBND về việc yêu cầu đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Trong thời gian đình chỉ thi công, UBND phường Yên Phụ yêu cầu ông Nguyễn Hữu Bàng (chủ nhà) hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép xây dựng.
Dù chủ nhà không hoàn thiện được giấy phép cải tạo sửa chữa, nhưng vẫn cho thợ thi công cơi nới, hoàn thiện căn nhà. Phải chăng việc UBND phường Yên Phụ ban hành thông báo cho có lệ?.
Ông Phạm Thành Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ thừa nhận, công trình cải tạo không phép, vi phạm trật tự xây dựng.
UBND phường muốn xử lý nhưng gặp nhiều khó khăn… “Nhà 91G, hiện trạng gần như 5 tầng phía trước mái tôn, khoảng 70m, người ta cải tạo mở rộng thêm 25m đằng trước, rồi làm cái tum ở trên. Chúng tôi vào cuộc quyết đình chỉ ra thông báo yêu cầu chủ đầu tư đi xin phép… nếu không hiện trạng bây giờ đã khác”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, công trình 109 làng Yên Phụ cũng vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể công trình xây dựng sai phép, lãnh đạo phường đã chỉ đạo cho tháo dỡ phần xây dựng sai phép.
Bất chấp thông báo giữ nguyên hiện trạng xin phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn cải tạo công trình. |
Cách đó không xa là công trình xây dựng 55 làng Yên Phụ. Công trình này cải tạo, sửa chữa cơi nới không phép.
Công trình này có hiện trạng 4 tầng 1 tum, vào thời điểm đầu tháng 6, ông Đỗ Mạnh Quyền đã tổ chức phá dỡ mái tôn tại tầng tum và phá dỡ cầu thang cùng một số bức tường ngăn trong nhà.
Ngày 13/6, UBND phường Yên Phụ ra thông báo yêu cầu gia đình ông Quyền giữ nguyên hiện trạng cũ, không được tự ý phá dỡ, cải tạo xây dựng mới khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Nhưng không hiểu lý do gì công trình này vẫn vô tư hoàn thiện các hạng mục trong nhà, bất chấp văn bản đã ban hành.
Không chỉ vậy, thời gian gần đây công trình này còn dựng cột xây tường, lên tầng 5. Hiện công trình đã hoàn thiện cốp pha chờ đổ mái tầng 5.
Kiểm điểm chủ tịch phường
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký kết luận nội dung công dân tố cáo ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, Tây Hồ thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của ông Lê Quang Hùng, ở số 54 ngách 32/36 An Dương, phường Yên Phụ.
Theo đó, UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận Tây Hồ tổ chức kiểm điểm đối với ông Hoàng Xuân Sáng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, việc không xử lý công trình vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc công dân có đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của ông Lê Quang Hùng. Nội dung tố cáo của công dân là đúng một phần.
UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận Tây Hồ tổ chức kiểm điểm đối với ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, khẩn trương có biện pháp để xử lý dứt điểm công trình vi phạm của ông Lê Quang Hùng theo đúng quy định của pháp luật.
Khi mà TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm ông Sáng chưa ráo mực thì một loạt các công trình xây dựng không phép khác lại mọc lên. Phải chăng lãnh đạo phường này coi thường kỷ cương, coi thường các văn bản mà TP Hà Nội đã ban hành trước đó về vi phạm trật tự xây dựng để các công trình liên tục xây dựng khi chưa được cấp phép.
Việc UBND phường Yên Phụ “buông lỏng” việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng khiến công trình ngày càng vi phạm trách nhiệm thuộc về ai?./. Núp bóng bãi đỗ xe “biến” hàng ngàn mét vuông đất thành nhà xưởng