…Ra đi từ Quán Sứ

Ngày ấy, Tổng Biên tập Đài TNVN Trần Lâm thông báo tin tuyệt mật, là miền Nam đang chuẩn bị lên sóng một đài phát thanh – tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng

Tòa nhà đài Phát thanh Quốc gia hiện đại, đồ sộ, cao vút giữa lòng Hà Nội. Không còn biệt thự cũ thời Tây, không còn nhà cấp 4 xây vội, vá víu. Vẫn còn hai cổng 56 và 58 trên con phố Quán sứ quá đỗi thân quen.

Hoài niệm một chút để nhớ lại, đau đáu trong lòng những cuộc ra đi thầm lặng từ hai cánh cổng ra chiến trường trên con đường Giải phóng, cách đây tròn nửa thế kỷ.

Cựu sinh viên Văn Khoa (ĐHTH HN) trong đó có nhiều người công tác tại Đài TNVN, chụp ảnh lưu niệm bên chiếc loa khổng lồ trước cổng 58 Quán Sứ, Hà Nội (Ảnh KT)

Ngày ấy, ông Trần Lâm, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam triệu tập một số cán bộ cốt cán quê miền Nam thông báo tin tuyệt mật, đặc biệt quan trọng là miền Nam đang chuẩn bị lên sóng một đài phát thanh – tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng. Trung ương chỉ thị, giao nhiệm vụ cho Đài Phát thanh Quốc gia chuẩn bị máy móc gọn nhẹ và cử người vào chiến trường.

Ông Nguyễn Thành, Trưởng Ban biên tập CP90 nhớ lại là lệnh tuyệt mật nên mọi công việc chuẩn bị rất âm thầm, nhưng ai cũng háo hức, như mở cờ trong bụng vì cách mạng đã có bước ngoặt lớn lao và phập phồng chờ đợi, ai sẽ được lên đường đầu tiên?

Tết năm 1961, các ông Vũ Đường (Thanh Nho) Huỳnh Minh Lý (Ba Nhi) và Hồ Vĩnh Thuận bí mật vào Nam. Bộ phận kỹ thuật của Đài chuẩn bị một số đèn công suất, một máy phát sóng 1Kw, tháo rời theo con đường của Ban Thống nhất Trung ương chuyển vào B2. Lặng lẽ ra đi từ cổng Quán sứ từ đầu xuân mà đến giữa hè, nhóm cán bộ đi B đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam mới vào đến chiến khu D – Biên hòa. Tại đây ông Tám Tòng cùng một số thợ kỹ thuật khác đã lắp xong một máy phát 200w và đang thử. Sáu tháng sau, ông Phạm Châu Lập lại lên đường.

Sinh thời, mỗi khi nhớ về những năm tháng ấy, nhà báo Nguyễn Thành không quên kể lại những phút giây xuất hiện làn sóng mới kể chuyện Võ Tòng đả hổ, trích trong tiểu thuyết Thủy Hử bằng giọng miền Nam thứ thiệt. Sóng yếu, nghe không được rõ, nhưng ai cũng xúc động khi biết Đài của Mặt trận Giải phóng đang phát thử.

Được Tổng Biên tập Trần Lâm báo trước, sáng ngày 1/2/1962, anh em kỹ thuật trực canh bên máy chờ thu cho bằng được chương trình đầu tiên của Đài Giải phóng.

Giờ G mong chờ mãi rồi cũng đến. Bản nhạc Giải phóng Miền Nam của Huỳnh Minh Siêng bằng đàn măng đô lin vang lên với lời xướng thật đỉnh đạc: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng. Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.”

Trong thời khắc thiêng liêng ấy, ông Nguyễn Thành lúc ấy là Ủy viên Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam được giao 4 nhiệm vụ quan trọng: Một là khẩn trương chuẩn bị máy phát sóng mạnh để tiếp âm đài phát thanh Giải phóng. Hai là chuẩn bị mọi mặt để bổ sung cho Đài Giải phóng một số chương trình. Ba là xây dựng mạng thông tin liên lạc trực tiếp nhận tin, bài và ý kiến chỉ đạo từ chiến trường. Bốn là chuẩn bị xây dựng trọn vẹn một đài ở miền Bắc, gọi là đài Giải phóng (A) đủ công suất cho cả Mền Nam nghe và làm nhiệm vụ đối ngoại.

Đến tháng 6/1962, công suất phát sóng của Đài Giải phóng tăng gấp 5 lần so với ban đầu, nhờ được tiếp âm từ miền Bắc. Cuối năm, Đài Giải phóng A phát thêm một số chương trình với sức mạnh của làn sóng gấp cả chục lần. Đài Tiếng nói Việt Nam hỗ trợ thêm 2 máy phát sóng 5Kw, xây dựng đài Bá âm ở 6A Yên Phụ và Bà Triệu, bổ sung thêm đội ngũ phóng viên, biên tập.

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ lan rộng ra miền Bắc, cả nước có chiến tranh. Đài Giải phóng A vừa phát sóng vừa di chuyển để bảo toàn lực lượng. Hết Nam Đàn, Nghệ An, qua Sơn Tây, lên Lạng Sơn lại trở về Thủ đô. Đài A thêm lớn mạnh và đảm trách toàn bộ chương trình của Đài Giải phóng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Từ cánh cổng 56 và 58 Quán Sứ, nhiều đoàn, nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ bí mật theo đường dây Ban Thống nhất Trung ương, vượt Trường Sơn vào Nam Bộ, Tây Nguyên, khu Năm, Trị Thiên Huế chiến đấu và làm phát thanh. Nhiều nhà báo – chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp phát thanh giải phóng.

Ngày nay, bên cánh cổng 56 Quán Sứ có biểu trưng kỷ niệm: “Nơi đây từng là trụ sở của Đài Phát thanh Giải phóng A”. Những ngày lễ, Tết, nhất là dịp 30 tháng Tư có nhiều người tuổi đã cao, sức đã yếu vẫn đứng ngay ngắn bên biểu trưng chụp ảnh kỷ niệm.

Họ là những người đã ra đi từ cánh cổng Quán Sứ và may mắn trở về sau chiến thắng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên