“Rác” quảng cáo treo, dán chi chít trên phố
VOV.VN - Tại các khu dân cư, các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, dễ dàng bắt gặp những băng rôn, quảng cáo, rao vặt… Những quảng cáo "rác" này vừa được tháo gỡ thì vài ngày sau lại tiếp tục tái diễn với mức độ nhiều hơn.
Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng tình trạng quảng cáo sai qui định, không xin phép vi phạm Luật Quảng cáo vẫn tồn tại. Giải pháp nào trước thực trạng trên?
Ghi nhận của phóng viên tại các tuyến đường đông đúc người qua lại như Kinh Dương Vương (Quận Bình Tân); Lý Thường Kiệt (Quận 10); Nguyễn Chí Thanh (Quận 5)… nhiều băng rôn, tờ rơi quảng cáo được treo, dán chi chít như mạng nhện trên các cột điện, viễn thông, đèn chiếu sáng…
Các nội dung được quảng cáo trên băng rôn, tờ rơi chủ yếu là rao bán bất động sản, tuyển dụng lao động phổ thông, dịch vụ vệ sinh…
Đáng chú ý, các băng rôn quảng cáo trái phép được in trên giấy hoặc bạt nhựa rồi dán hoặc cột chắc chắn vào cột điện, cột viễn thông đã khiến việc tháo gỡ rất khó khăn. Nhiều người dân không khỏi ‘chướng tai, gai mắt’ trước thực trạng này: "Chỗ em bị dán rất là nhiều, sau khi cạo xong người khác lại dán. Đúng ra mấy cái băng rôn quảng cáo thì phải treo nơi thích hợp, chứ nhiều nơi thấy treo không có hợp lý, mất mĩ quan đô thị".
Trước thực trạng trên, nhiều bạn sinh viên, tổ chức đoàn thanh niên thường tổ chức ra quân tháo gỡ, tẩy xóa các mẫu quảng cáo, rao vặt trái phép để trả lại mỹ quan cho thành phố.
Tuy nhiên, “ Rác” quảng cáo vừa được tháo gỡ trước đó, thì cách vài ngày sau lại tiếp tục tái diễn với mức độ nhiều hơn. Người bốc ra, người lại dán vào, cứ thế các tuyến phố chắc thể nào sạch nỗi ‘rác’ quảng cáo. Sinh viên Phan Thị Thùy Dương ngụ tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ: "Một cái cây cột điện thôi mà rất nhiều bạn phải xúm lại với nhau để cạo. Những người dán vào thì họ dán rất là chặt và rất là nhiều keo. Tụi em đi cả ngày trời mà cũng không thể nào làm sạch được một khu phố nữa".
Tương tự sinh viên Phạm Công Tấn Tài, ngụ tại Quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết: "Với những bản mới dán thì mình chỉ xé bằng tay thôi, còn với những bản đã quá cũ rồi thì khi xé ra vẫn còn 1 phần keo dính ở trên, và theo thời gian thì phần keo đó còn sẽ bị đen đi nữa".
Luật quảng cáo cũng đã có, nhưng vì lợi nhuận mà nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp. Theo Luật sư Phan Văn Linh – Văn phòng luật gia TP.HCM cho rằng một trong những nguyên do là mức xử phạt hiện nay còn khá nhẹ nên tình trạng quảng cáo rác vẫn tràn lan trên phố:
"Theo điều 8 của bộ luật Quảng cáo năm 2012, trong đó có hành vi quảng cáo trái với quy định về thuần phong mĩ tục, trái với truyền thống văn hóa. Thứ 2 là quảng cáo làm mất mĩ quan đô thị, trật tự xã hội và an toàn giao thông. Đối với 2 hành vi này thì cá nhân tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 40 đến 60 triệu đồng. Ngoài ra có thể bị xử phạt bổ sung là đình chỉ quảng cáo và bị thu hồi sản phẩm".
Quảng cáo để cung cấp thông tin, dịch vụ là một nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, với tình trạng quảng cáo gây phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị tràn lan như hiện nay thì ngoài chế tài xử phạt đã có các địa phương cần có những giải pháp quyết liệt hơn để dẹp bỏ hoàn toàn, nhằm mang lại mỹ quan đô thị cũng như sự an toàn tại các khu dân cư.