Rác thải là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
VOV.VN - Có rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong đó có vấn đề rác thải.
Rác thải là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Phát biểu tại hội thảo “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội trong ngày 7/9, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị, đại biểu HĐND TP. Hà Nội cho rằng: “Để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có 3 vấn đề đặt ra cần giải quyết là vấn đề pháp lý, bảo vệ môi trường, tiết kiệm về tài nguyên và nguồn lực. Tôi đồng tình các khuyến nghị về chính sách thuế, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH). Đề nghị sau các luật và Nghị định cần có chính sách cụ thể thì mới đưa luật vào cuộc sống để khuyến khích kinh tế tuần hoàn”.
Theo ông Đức, hiện tại, số rác thải tại Hà Nội là 8.000 tấn/ngày, nếu nhà máy điện rác Thiên Ý phát huy hết 100% công suất thì mới giải quyết khoảng 70% số rác thải. Hiện, cũng có 1 nhà máy rác từ Nhật tài trợ đốt chất thải rác, nhưng chỉ giải quyết từ 1.000 – 2.000 tấn/ngày.
“Rác thải ở Hà Nội là thách thức lớn, nhưng cũng là tài nguyên. Nếu phân loại rác, chúng ta có nhiều nguồn lực để thực hiện tái chế. Chúng ta đã thực hiện Luật BVMT về phân loại rác, một số quận huyện đã thí điểm và kỳ vọng sau 2022-2023 sẽ thực hiện đại trà. Qua hội thảo, chúng ta thấy vấn đề không chỉ là giải quyết rác thải, mà còn là sử dụng các sản phẩm, dụng cụ, dùng các sản phẩm cũ. Các thành phố lớn hình thành trung tâm trao đổi, chợ, sản phẩm cũ. Như thế, thay đổi nhận thức của xã hội là rất quan trọng, chúng tôi cam kết tuyên truyền quảng bá các mô hình kinh tế tuần hoàn. Quan trọng hơn, phải tìm ra các mô hình mà người dân sử dụng được, các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng được; các công ty công nghệ phải cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để áp dụng công nghệ này’, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Doanh nghiệp tái chế rác tiếp cận vốn tín dụng xanh "vô cùng khó khăn"
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn (FiinGroup) nhấn mạnh ba vấn đề cần được quan tâm trong vấn đề xử lý rác thải và tái chế: Một là cần xác định rác thải nhựa là tài nguyên; hai là thách thức doanh nghiệp (DN) tái chế gặp phải và 3 là một số kiến nghị giải pháp hỗ trợ.
Nguồn tài nguyên xác định hàng năm xả thải môi trường khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 25% được tái chế, còn lại 75% chôn lấp hoặc xả ra môi trường. Đây là nguồn tài nguyên bị lãng phí, trong khi mỗi năm Việt Nam nhập 6,6 triệu tấn hạt nhựa nguyên sinh và nhập cả rác thải nhựa để tái chế. Điều này đặt ra tiềm năng thị trường rác thải nhựa trong tương lai.
“Ba khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa hiện nay là nguồn cung rác thải nhựa. Rác thải nhựa thu gom phần lớn qua kênh phi chính thức, các vựa đồng nát, dẫn tới lượng rác thải nhựa giá thành cao, chưa nhiều. Các doanh nghiệp muốn thu gom vô cùng khó khăn. Ví dụ, hiện tại 10 doanh nghiệp tái chế nhựa lớn nhất, thì có tới 9 doanh nghiệp hoạt động dựa vào rác thải nhựa nhập khẩu vì thu gom không đủ.”, ông Lê Xuân Đồng chia sẻ.
Về đầu ra, hiện tại với rác thải nhựa chất lượng cao rất ít thị trường, đa số là hạt tái chế chất lượng thấp, loại hạt tái chế chất lượng cao cũng ít làm được. Hàng năm khoảng 55-58.000 tấn nhựa chất lượng cao dùng để sản xuất bao bì. Nhưng cũng chưa có cơ chế, quy định bắt buộc phải có bao nhiêu nhựa tái chế trong sản phẩm nên đầu ra, giá thành hạt nhựa tái chế chất lượng cao cũng rất bấp bênh.
"Chúng tôi đề xuất 3 vấn đề cần giải quyết, thứ nhất là nguồn cung rác thải nhựa, Bộ TN&MT cần nhanh chóng xây dựng hướng dẫn quy chế về kỹ thuật trong thu gom xử lý rác thải nhựa để phục vụ tái chế. Cần có đào tạo, tuyên truyền để người dân thu gom, phân loại rác thải. Thứ 2 là về đầu ra cần chính sách thuế hỗ trợ DN có sản phẩm nhựa tại chế. Cần có loại thuế VAT riêng cho loại có hàm lượng tái chế hoặc có quy chế bắc buộc 30% nhựa tại chế trong sản phẩm thì mói hỗ trợ được đầu ra. Thứ 3 là hỗ trợ tín dụng xanh cho DN. Qua gặp gỡ DN mới thấy, DN tái chế nhựa chủ yếu là nhỏ và vừa, tiếp cận vốn tín dụng xanh là vô cùng khó khăn. Tín dụng xanh chủ yếu cho dự án lớn, NLTT. Phía NHNN, NHTM cần có sản phẩm tín dụng chuyên nghiệp cho DN tái chế. Ngoài ra, hiện thị trường Việt Nam đã có đơn vị dán nhãn xanh, tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu để cung cấp dịch vụ dán nhãn cho sản phẩm xanh, chủ dự án chỉ cầm chứng nhận đó để tiếp cận vốn", ông Lê Xuân Đồng đề xuất.
Nguồn tài chính cho DN phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, DN đóng vai trò quan trọng trong phát triển của KTTH đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ các mô hình kinh tế sáng tạo và văn minh này. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho DN phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn cần sự đồng hành, nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức và DN với các giải pháp thiết thực hiệu quả.
Về thực trạng huy động nguồn lực tài chính cho KTTH, Việt Nam đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn với Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 về "Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" là bước ngoặt quan trọng góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH, các nguồn lực tài chính đã và đang được huy động một cách tích cực, hiệu quả cho các DN và các hoạt động sản xuất, kinh doanh "xanh" (chủ yếu hiện nay vẫn là các nguồn lực cho tài chính "xanh").
Quy mô trái phiếu xanh Việt Nam còn nhỏ (chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021; thấp hơn 8 lần quy mô trái phiếu xanh của Singapore dù đứng thứ hai về quy mô phát hành trong ASEAN-6 năm 2021); chưa đáp ứng yêu cầu về ESG; chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh.
"Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng và thực thi "văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời phát triển đa dạng các loại hình tài chính bền vững. Cụ thể, xây dựng quy trình thẩm định riêng hoặc sổ tay hướng dẫn về tín dụng đối với KTTH và sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho các ngành kinh tế. Tích cực tham gia đàm phán, thu hút nguồn vốn quốc tế đa dạng, vốn ODA để tài trợ cho các dự án tín dụng "kinh tế tuần hoàn", dự án xanh", TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, cần xây dựng lộ trình hỗ trợ với các DN phát triển KTTH (có thể chọn lọc một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển đang được ưu đãi như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp sạch, công nghệ cao; DN công nghệ thông tin, DN vừa và nhỏ….Đánh giá nhu cầu đầu tư ESG của các quỹ đầu tư ESG khu vực và thế giới vào các DN, lĩnh vực có tiềm năng của Việt Nam. Xây dựng các Quỹ tái cấp vốn, cơ chế liên kết tài trợ KTTH với lãi suất ưu đãi
Đối với DN, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng (nhựa, thủy tinh, bao bì nhựa, bao bì ni lông…); tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ. Các DN niêm yết, công ty đại chúng chú trọng áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); tăng cường các thông tin/báo cáo bằng tiếng Anh; tích hợp các yếu tố ESG, tiêu chí xanh vào hoạt động kinh doanh nhằm nâng giá trị DN khi niêm yết, phát hành trái phiếu, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, được tiếp cận các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng của các tổ chức quốc tế; Xây dựng phương án huy động các nguồn lực tài chính khả thi cho phát triển dự án kinh tế tuần hoàn, (phương thức, quy mô, thời điểm, lãi suất, tiêu chuẩn phát hành, nhà đầu tư trong nước/quốc tế…).
Hoàn thiện hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu về nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là từ các quỹ đầu tư, các thị trường tài chính quốc tế, nguồn vốn tài trợ song và đa phương, cả ưu đãi và thương mại, mới có thể huy động đủ nguồn lực cho 3 mục tiêu chính là: Tăng trưởng xanh, đạt mục tiêu lượng phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu như nêu trên./.