Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân ven biển

VOV.VN - Tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương có xu hướng gia tăng đáng báo động, từng ngày đang dần bóp nghẹt nhiều môi trường sinh thái trên biển.

Việt Nam có hơn 3.260 km đường bờ biển (chưa kể bờ các đảo) trải dài từ Bắc vào Nam. Dọc bờ biển còn có hàng trăm cửa sông và vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, song cũng là nơi làm gia tăng ô nhiễm rác thải đại dương.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương có xu hướng gia tăng đáng báo động. Tại khu vực miền Trung, rác thải nhựa đại dương đang trở thành “gánh nặng”; thậm chí có thể dẫn tới thảm họa cho môi trường, tác động đến đời sống, sức khỏe của người dân và tăng trưởng của các ngành kinh tế liên quan. Đã đến lúc cần thay đổi ứng xử với rác thải đại dương để tránh những điều đáng tiếc.

Tỉnh Bình Định có hơn 6.000 tàu cá, trong đó hơn 2.400 tàu đánh bắt xa bờ và tàu hậu cần nghề cá. Chuyện gom rác thải rồi đem về bờ chưa mấy ai thực hiện. Trung bình mỗi chuyến biển xa bờ, một tàu cá sẽ thải xuống đại dương 10 kg rác thải nhựa. Như vậy, mỗi chuyến biển chừng nửa tháng, 2.400 chiếc tàu vùng khơi của tỉnh Bình Định sẽ thải xuống đại dương 24 tấn rác thải nhựa và các loại rác thải khác.

Còn tại tỉnh Phú Yên, rác thải nhựa từ bờ xuống biển cũng ngập tràn khu vực Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa. Từ Quốc lộ 29 nhìn xuống bãi Chính, bãi Hương của Vũng Rô, những bãi rác lớn chất đống, từng lớp rác dày chồng lên nhau phủ dọc bờ biển. Ở nơi này chủ yếu là rác thải sinh hoạt như bao bì ni lông, xốp, chai nhựa và một số vật dụng để nuôi tôm, bốc mùi hôi thối.

Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống và kinh doanh dịch vụ ở vịnh Vũng Rô. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (42 tuổi), trú thôn Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên nuôi cá bè cách bờ bãi Chính, vịnh Vũng Rô khoảng 100m.

Chị Dung cho biết, từ tháng 3 đến hết tháng 9 hàng năm, lượng rác tấp vào lồng bè của gia đình chị rất nhiều. Ngoài rác thải ni lông bám vào lồng thì rác thải nhựa dạng nhỏ chui qua các lỗ lưới vào các lồng cá, một số con cá bị chết do ăn phải rác. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung lo lắng, rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nuôi thủy sản.

“Rác thì mùa gió nồm tấp vào đây quá nhiều. Hốt mà chịu không nổi luôn. Rác tới bè nào thì bè nấy lo thôi. Sau khi vớt, mình đem vào tảng đá to trong bờ mình chất lên đổ dầu lên đốt. Rác cứ trôi lềnh bềnh trên mặt biển tấp vào, bè tôm thì thả lồng sâu xuống thì rác đi qua luôn, lồng cá thì rác mắc vào, cản ô cá làm mất ô xy, cá chết", chị Dương nói.

Rác thả xuống biển miền Trung chủ yếu từ nguồn thải trên đất liền theo các con sông, cửa sông đổ ra biển và do con người vứt xuống biển. Mấy năm gần đây, rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân ven biển.

“Rác thải nhựa trên biển toàn là bao ni lông thải xuống đại dương và nó trôi dạt ra sông, ra biển”- Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nói.

Còn anh Đinh Tý, ở xã biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho rằng, rác thải đang ùn ứ tại nhiều vị trí đặc biệt là dọc theo con đường ven biển. Toàn là vỏ chai nhựa, túi nilon ngập trên bờ, dưới nước, cứ nổi bập bềnh rồi thêm nước thải từ các cơ sở sản xuất chế biến đổ ra đen ngòm. 

Thực tế cho thấy, nguồn thải chủ yếu gây ra những bãi rác thải tại vùng biển miền Trung là từ đất liền và các hoạt động trên biển, ven biển. Hơn 90% số lượng rác thải trên biển là nhựa và hơn 70% bãi biển ô nhiễm và ô nhiễm nặng. Nếu tình trạng rác thải ngày càng nhiều có thể dẫn đến nhiều môi trường sinh thái biển sẽ trở thành “vùng nước chết”, không chỉ giết chết các loài hải sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản ven biển.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục Trưởng, Tổng Cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, rác thải từ chính quá trình nuôi trồng thủy sản cũng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nuôi, tôm cá thường xuyên bị bệnh dịch, gây thiệt hại cho người dân.

“Tồn dư của rác thải nhựa đó ảnh hưởng đến môi trường và nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh, từ đó nó sẽ tác động ngược lại kết quả nuôi của bà con. Từ rác thải nhựa tác động rất nhiều đến hệ sinh thái ven biển, bao phủ lên các hệ san hô, bao phủ lên các rạn thảm cỏ biển, rồi rất nhiều động vật thủy sản của chúng ta vô tình sử dụng phải nó đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn về lâu dài cho hệ sinh thái”, ông Luân khẳng định.

Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa có thể tăng nhanh. Nếu không thực hiện mạnh mẽ các biện pháp ngăn chặn tình trạng rác thải nhựa trên biển và đại dương như hiện nay thì sẽ không tránh khỏi những thảm họa khó lường./.

Theo  nghiên cứu, lượng rác thải nhựa từ Việt Nam đổ ra biển dao động từ 280.000- 730.000 tấn (tương đương 0,28- 0,73 triệu tấn) mỗi năm.

Có 7 loại rác thải được xả trực tiếp trên biển là: Nhựa, kim loại, thủy tinh, cao su, vải, gỗ và các loại khác nhưng phổ biến nhất vẫn là rác thải nhựa như xốp, dây nhựa, lưới, túi nhựa, chai nhựa... Ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề biển, mà còn là vấn đề khí hậu. Có thể nói, rác thải đang “bóp ngạt” các vùng biển và lớn hơn đó là rác thải nhựa đang bức tử dần nhiều hệ sinh thái ở đại dương.

Những loại rác thải nhựa này khi ra giữa đại dương sẽ hủy hoại môi trường sống của rất nhiều loài, trực tiếp hoặc gián tiếp giết hại nhiều sinh vật biển.

Một số hình ảnh phóng viên VOV ghiu nhận dọc ven biển miền Trung:

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên