RED: “Truyền thông nhà nước hợp tác chưa chặt chẽ và lãng phí tài nguyên”
VOV.VN - Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (Viện RED) đưa ra nhận định này sau nghiên cứu tiến hành từ năm 2017 về vai trò, chức năng của truyền thông Nhà nước.
Từ năm 2017, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (Viện RED) - một tổ chức khoa học công nghệ, thành viên thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông phát triển, đã tiếp cận nghiên cứu về vai trò và chức năng của hệ thống truyền thông nhà nước (TTNN).
RED nhận định, TTNN là một hệ thống vô cùng quan trọng trong việc thực hiện yêu cầu truyền thông của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là nhiệm vụ truyền thông chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, các nghiên cứu của RED cho thấy, hệ thống này còn gặp nhiều bất cập như bộ máy truyền thông của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn thiếu nhất quán; năng lực của các cán bộ truyền thông, của người phát ngôn của bộ, ngành, địa phương còn ảnh hưởng đến chức năng thông tin của Nhà nước và hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học RED theo xu hướng thông tin truyền thông mới và những nền tảng công nghệ mới, cần tạo sự kết nối giữa các bộ phận truyền thông của các cơ quan, bộ, ngành và các đơn vị công nghệ nhằm tối ưu hóa thông tin nhà nước trên mạng xã hội (MXH).
“Viện RED sẽ xây dựng một đề cương nghiên cứu sâu về hệ thống TTNN trong tình hình mới. Viện phối hợp với các bên liên quan xây dựng một đề án đào tạo, nguồn nhân lực truyền thông cho các bộ, ngành (bao gồm cả kỹ năng truyền thông và các kỹ năng sử dụng công nghệ cho truyền thông)”, ông Dũng nói.
Với mục đích thúc đẩy kiện toàn hệ thống TTNN và nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong hệ thống TTNN, Viện RED tổ chức hội thảo “Hướng tới hệ thống truyền thông nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu COVID-19” trong sáng 2/10. Hội thảo là nơi các diễn giả, các chuyên gia về báo chí/truyền thông, chuyên gia công nghệ và chuyên gia quốc tế chia sẻ với các cán bộ truyền thông từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức phát triển và báo chí.
Nội dung chia sẻ tập trung chủ yếu vào các ví dụ điển thông đã được thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, vai trò điều phối thông tin của các cơ quan chức năng, và vai trò của các doanh nghiệp/công ty công nghệ hỗ trợ đưa thông tin nhà nước trên MXH; thực trạng bộ máy TTNN hiện tại và một số kiến nghị để hoàn thiện bộ máy TTNN; những khuyến nghị, đóng góp cho Chính phủ ứng phó với nạn tin giả, tin sai sự thật trên MXH...
Các đại biểu tại Hội nghị đồng ý rằng, từ thực tiễn truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, TTNN đã góp phần quan trọng trong việc phòng, chống dịch của Việt Nam, được người dân và bạn bè quốc tế ghi nhận là một điểm sáng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập vai trò của Bộ trong TTNN chống dịch COVID-19, cũng như truyền thông nguy cơ trong giai đoạn đại dịch. Ông Lâm khẳng định yếu tố then chốt là việc: “Tiến tới mô hình TTNN cung cấp thông tin công khai và minh bạch hơn. Chúng ta còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác không chỉ là dịch bệnh, như thiên tai hay an toàn giao thông - những vấn đề ảnh hưởng tới an toàn tính mạng và sức khỏe con người. Tuyên truyền chống dịch COVID-19 lần này rất nổi bật vì đây là lần đầu tiên không chỉ có Việt Nam mà cả thế giới đối mặt với đại dịch chưa từng có. Việt Nam với tâm thế sau khi đi qua hai giai đoạn dịch bùng phát đã đúc kết được những kinh nghiệm và bài học hay, theo đó chúng ta có thể nói về TTNN trong bối cảnh nguy cơ, dịch bệnh một cách chủ động và tự tin hơn”./.