Rốn lũ Phương Mỹ “rũ bùn” hồi sinh đón Tết
VOV.VN - Cách đây vài tháng, rốn lũ Phương Mỹ còn nghiêng ngả sau trận lũ lịch sử, nhưng giờ đây, cuộc sống mới đã ngập tràn trong tiết Xuân ấp áp.
Mới hơn 2 tháng trước, các con đường đến với rốn lũ Phương Mỹ, Hòa Hải và một số xã khác của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh gần như bị chia cắt hoàn toàn. Sau gần một tháng, trận lũ lịch sử làm ngập chìm toàn bộ Phương Mỹ và nhiều xã lân cận, nhiều điểm trong xã bị ngập sâu từ 3m đến 5m với thời gian từ 7 đến 10 ngày đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho người dân.
Nước lũ sau khi rút vẫn còn để lại ngấn nước trên những thân cây hay mái nhà. Ngấn nước trên tầng 2 của trụ sở UBND xã vẫn là minh chứng kinh hoàng cho mỗi người dân nơi đây.
Khó khăn không cản được sự cần cù, làm lung lay ý chí và sức chịu đựng của con người. Sau mưa lũ, nước rút, người dân Phương Mỹ đùm bọc nhau gắng gượng nhặt nhạnh những gì còn sót lại để gây dựng lại cuộc sống.
Vùng lũ giờ đây xanh mướt một màu trù phú |
“Rốn lũ” Phương Mỹ hồi sinh
Trở lại vùng lũ Phương Mỹ những ngày giáp Tết, đến những nơi từng bị ngập lụt sâu nhất, chúng tôi thấy màu xanh của ngô, khoai đã gần như phủ kín ruộng đồng từng mênh mông nước. Đến nơi đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng, khẩn trương làm việc, chăm lo lao động sản xuất; đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp tinh tươm, trong các trường học đã rộn ràng tiếng trẻ thơ, cờ đỏ sao vàng được cắm ngay ngắn trước cổng các gia đình chuẩn bị đón Tết.
Trên đám ngô đang thì con gái mơn mởn, bà Nguyễn Thị Lúa (60 tuổi, ở thôn Trung Thượng) phấn khởi: “Gia đình gieo trồng được 5 sào cây bắp vụ đông, nhờ có lượng phù sa sông Ngàn Sâu bù đắp sau lũ nên cây phát triển xanh tốt, dự kiến hơn 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Với giá ngô hiện nay cũng sẽ thu được vài triệu đồng để trang trải cuộc sống… Năm nay, nhà tôi và nhiều gia đình khác ở xã này sẽ yên tâm, vui vẻ đón tết no ấm”.
Bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản, vợ chồng chị Lê Thị Hoa cất tạm căn nhà, nay đã có đàn gà, đàn lợn. |
Chị Lê Thị Hoa, xóm Thượng Sơn vừa thoăn thoắt tay vun gốc ngô cho biết: Cơn lũ vừa qua, gia đình chị bị cuốn trôi hết, từ lương thực, lúa giống đến trâu, bò. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đoàn cứu trợ của những nhà hảo tâm, gia đình chị đã tạm trở lại bình thường.
“Không thể ngồi mãi để chờ cứu trợ được nên ngay khi nước rút, chúng tôi lại bắt đầu ra đồng, sản xuất vụ đông. Giờ đây, những thửa ruộng bạc phếch dần trở thành những cánh đồng xanh mướt màu no ấm. Nước lũ đi qua để lại phù sa cho đất, cây cối tốt tươi. Rủi mà cũng may chú hè?”, chị Hoa cười hiền.
Anh Nguyễn Văn Tài ở xóm Trung Thượng cho biết, dịp Tết này, gia đình anh có đàn lợn 6 con đến ngày xuất bán. Nhiều hộ gia đình khác trong làng cũng trông Tết ở đàn gà, con lợn đang lớn từng ngày.
“Chắc chắn là khó khăn nhưng trời và đất sẽ không phụ công người. Mùa Xuân mới, sức người sẽ dẻo dai hơn, lúa ngô cũng sẽ xanh hơn. Vài ngày nữa là Tết rồi chú, khó khăn như ri nhưng dù sao thì vẫn phải chuẩn bị một cái Tết thật đủ đầy cho gia đình, không để thiếu thứ gì trong Tết được”, anh Tài cho biết.
Khắp xã Phương Mỹ, không khí lao động khẩn trương đang rộn ràng khắp làng trên, xã dưới. Ở đâu, người dân cũng đang chạy đua với thời gian, dường như trong gian khó sự trỗi dậy của người dân càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Đón Tết trên đồng để trong nhà no ấm
Theo ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ: Địa phương đã cơ bản khôi phục xong hậu quả lũ lụt, đồng thời gieo trồng được 92ha ngô, hơn 5ha rau màu các loại và đang tập trung làm đất để sản xuất lúa vụ xuân với 286ha.
“Bấy lâu nay, người dân vùng lũ đang sống nhờ vào tấm lòng của đồng bào cả nước. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với tâm lý sẵn sàng “Đón Tết trên đồng để trong nhà no ấm”, người dân đang nỗ lực vượt khó, cải tạo đất cát, ruộng đồng để đảm bảo sau Tết sẽ tự túc được lương thực và ổn định lại cuộc sống”, ông Hoàng Xuân Tần khẳng định.
Ông Tần cho biết, lũ bắt đầu rút, lần lượt đã có 167 tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ tiền mặt và quà trị giá tương ứng 10,1 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh, huyện còn hỗ trợ người dân 100% giống và 50.000 đồng cho một sào đất sản xuất. Địa phương đang rà soát các hộ khó khăn để tiếp tục quan tâm, hỗ trợ gạo.
Đặc biệt, xã đang triển khai chương trình “Tết vì người nghèo”, vận động tất cả cán bộ, nhân viên trong cơ quan quyên góp tương ứng một ngày lương, ở thôn xóm vận động quyên góp tối thiểu 20.000 đồng/hộ để chia sẻ, hỗ trợ những hộ dân quá khó khăn; quyết tâm không để một hộ nào trong xã thiếu đói, không có Tết.
Trường Tiểu học Phương Mỹ (cũ), nơi bị ngập sâu đến "nóc" cổng trường, nay đã được di dời lên chỗ cao hơn. |
Đối với nhiều gia đình khác trong xã Phương Mỹ bị sập, đổ nhà cửa, trôi mất trâu, bò vốn là tài sản “đầu cơ nghiệp”, trắng tay sau trận lũ chồng lũ vừa qua như gia đình hai mẹ con cụ Nguyễn Thị Điền, ở thôn Trung Thượng; gia đình anh Trần Xuân Thái, ông Trần Hữu Liên, Hồ Thị Sen, Lê Xuân Công ở thôn Ấp Tiến, xã Phương Mỹ cũng đang được sự đùm bọc của chính quyền và các nhà hảo tâm cho biết: dù thế nào thì cũng sẽ chuẩn bị chu đáo nhất có thể để vui Tết, đón Xuân mới…
Đã qua những ngày hung giữ, giờ đây dòng sông Ngàn Sâu đang hiền hòa chở nặng phù sa bồi đắp màu mỡ cho bờ bãi hai bên.
“Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”…
Năm nào cũng có mưa bão, người dân cứ gồng mình vượt qua. Thiệt hại này chưa xong, thiệt hại khác lại ập đến. Song dường như qua cơn hoạn nạn, ý chí con người nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh, nhân lên tình nhân ái để vượt qua thiên tai, gây dựng lại cuộc sống mới ngay trên đống đổ nát hoang tàn./.