Rón rén hơn khi mượn, thuê xe tự lái sau khi có Nghị định 168
VOV.VN - Nhiều người dân, doanh nghiệp đã thận trọng, có phần rón rén hơn trong việc mượn, thuê xe tự lái ngay sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, các mức xử phạt với hành vi vi phạm Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tăng vọt.
Dọc phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tuyến phố từng nhộn nhịp hoạt động thuê/cho thuê xe tự lái, hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay bảng hiệu kinh doanh dịch vụ này. Đa phần các đơn vị đã chuyển đổi ngành nghề để đa dạng hóa nguồn thu. Theo chia sẻ của họ, vài năm trở lại đây, xu hướng cá nhân thuê xe tự lái đã trầm lắng.
Anh Lê Anh Hào, công ty thuê xe Hào Hùng (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, giá xe hơi ngày càng rẻ, xe cá nhân tự mua tăng, nhiều nhà xe vận tải khách ra đời dẫn đến cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt.
Đặc biệt, sau khi Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, các mức xử phạt vi phạm giao thông tăng nhiều lần, anh Hào và đồng nghiệp càng cảm thấy khó khăn.
“Khách bình thường kiểm tra nếu khách vi phạm thì phải giữ lại tiền cọc 30 ngày. Với việc vượt đèn đỏ phạt nặng lên thì thực sự phải do ý thức con người. Hệ thống phạt nguội của mình đâu phải trong ngày là có đâu, đôi khi phải 1-2 tháng mới lên hệ thống thì làm sao biết được. Mình làm nghề này sao tránh được. Người có ý thức thì có trách nhiệm, còn không thì bảo bây giờ chưa có tiền, anh trả cho em đi, em có tiền trả sau. Đến hạn thì chặn máy, tắt máy, đến nhà thì bố mẹ bảo bỏ nhà đi rồi thì cũng chẳng biết thế nào”.
Anh Lê Anh Hào mong muốn, sớm có các cơ chế phù hợp hơn để đảm bảo quyền lợi với bên cho thuê xe trong trường hợp khách vi phạm giao thông. Ví dụ như một số nước áp dụng với khách thuê nước ngoài kèm với hợp đồng, ảnh chụp là có thẻ visa liên kết tài khoản ngân hàng bị giữ tiền cọc. Nếu xảy ra vi phạm giao thông, cơ quan quản lý giao thông sẽ làm việc với ngân hàng để thu tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Tương tự, anh Quang, đại diện đơn vị cho thuê xe Văn Minh (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ một “nỗi đau”: Từng có trường hợp khách thuê xe vi phạm tới 10 lỗi, bị phạt nguội tổng cộng 60 triệu đồng và được xếp vào diện “nợ xấu”. Đơn vị này chỉ còn cách ngoài xác minh qua căn cước công dân, nhận tiền đặt cọc, cần thêm một quy trình nữa là kiểm tra nhà ở của khách thuê. Và họ cũng chỉ làm việc với khách có hộ khẩu ở cùng thành phố với trụ sở đơn vị.
“Chúng tôi đi xử lý suốt. Có những xe bị phạt tới 60 triệu phạt nguội. Nó xảy ra một thời gian lâu nên rất khó. Hiện nay, chúng tôi ít khách rồi, nên đang chuyển hướng sang làm salon mua bán xe nữa rồi”.
Là người thường xuyên cho bạn bè mượn xe cá nhân, anh Nguyễn Xuân Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng ý thức được trách nhiệm nếu không may xảy ra các lỗi vi phạm trong quá trình cho mượn xe.
“Với những người khi tôi đã quyết định cho mượn xe, một tài sản rất lớn, thì thường là anh em, bạn bè thân thiết mà tôi rất tin tưởng. Giá trị thị trường một chiếc xe như của tôi bét ra cũng phải 700-800 triệu đồng. Vì thế, trước khi cho mượn xe, tôi chỉ nhắn thêm một cái tin là ‘lưu ý phạt nguội’, nếu có để xảy ra bị phạt vào ngày này, thì các anh, các em xử lý cho tôi”.
Bàn về mức xử phạt tăng lên gấp 3-6 lần với các lỗi vi phạm phổ biến, cao nhất tới 20 triệu đồng với ô tô vượt đèn đỏ, anh Huy cho rằng, trước Nghị định 168, mức xử phạt không hề thấp. Có lẽ, để ý thức tự giác chấp hành của người đi đường tăng cao và đạt hiệu quả mong muốn, điều cần thiết là phải xử lý vi phạm thường xuyên hơn, nghiêm minh hơn và không có vùng cấm.
Ở một góc độ khác, anh Nguyễn Văn Nam (ở Hoàng Mai, Hà Nội) khẳng định, tăng vọt mức phạt các hành vi vi phạm giao thông giúp mọi người đi lại cẩn thận, tuân thủ Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tốt hơn. Bản thân anh cũng đôi lúc mượn xe hơi của bạn bè để đi công tác, du lịch.
“Có Nghị định mới ra, tôi càng phải đi chậm, chú ý quan sát hơn. Tiền phạt so với mức lương của tôi là quá cao. Còn đương nhiên, khi mượn xe tôi sẽ phải cực kỳ cẩn thận. Và bây giờ thì tôi cũng sẽ hạn chế mượn xe của bạn bè, để đỡ ngại cho bản thân và chính người cho mình mượn xe”.
Theo quy định hiện hành, nếu xảy ra trường hợp thông báo phạt nguội mà người mượn hoặc thuê xe cầm lái, chủ phương tiện vẫn phải đến giải quyết và đưa ra các chứng cứ chứng minh. Trường hợp sẽ rắc rối hơn, khi người mượn, thuê xe không đồng hành giải quyết hậu quả cùng chủ phương tiện.
Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, với mức xử phạt vi phạm hành chính rất cao, đã và đang có tác động mạnh tới ý thức của người tham gia giao thông.