Rừng Quảng Bình bị tàn phá, kiểm lâm ở đâu

VOV.VN -Rừng liên tiếp bị chảy máu. Các cơ quan chức năng lại đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Người dân đặt câu hỏi, liệu có sự buông lỏng, tiếp tay cho lâm tặc

Ngang nhiên phá rừng

Vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng làm hơn 100 mét khối gỗ quí bị đốn hạ vừa xảy ra ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang làm nóng dư luận tại địa phương này. Rừng liên tiếp bị chảy máu. Các cơ quan chức năng lại đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Người dân đặt câu hỏi, liệu có sự buông lỏng, tiếp tay cho lâm tặc hoành hành.

Nhiều cây gỗ quí ở Tiểu khu 486, 487 Rừng Khe Giữa bị đốn hạ

Cách cây cầu Vít Thù Lù trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông thuộc Bản Mít, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thuỷ khoảng 2 cây số là Tiểu khu 486, 487 thuộc rừng Khe Giữa, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, hàng loạt cây gỗ quí cả trăm tuổi bị đốn hạ, nằm la liệt. Nhiều cây đường kính 2 người ôm không xuể bị chặt trơ gốc. Lâm tặc cưa xẻ gỗ thành phách rồi tẩu tán ra khỏi rừng, vết cưa còn tươi rói. Băng rừng đi qua nhiều địa điểm khác thuộc Tiểu khu 486, 487, chúng tôi thấy có nhiều gốc và bìa gỗ cây lim, cây gõ, cây táu…bị cưa hạ. Dấu vết hiện trường cho thấy, rừng đã bị tàn phá một thời gian dài.

Ông Hồ Bảy, người dân ở Bản Mít, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thuỷ than phiền, mấy năm trước rừng còn nhiều gỗ quí, bây giờ chặt trụi hết rồi: “Đây là đất Kim Thuỷ nhưng rừng của lâm trường. Rừng thiên nhiên, hoa phong lan, cây gõ, lim táu là rừng đinh luôn. Rừng của xã Kim Thuỷ là rừng thiên nhiên đẹp nhất, chừ còn mô nữa. Giờ tan tành hết, toàn là đồi trọc, chứ không còn rừng thiên nhiên nữa. Họ đốn hạ một lúc vài cây rồi bắt đầu họ trồng keo hết”.

Lâm tặc dựng lán trại xẻ gỗ bên bờ suối, để lại hiện trường các tấm bìa gỗ lớn 

Khu vực rừng bị tàn phá thuộc Tiểu khu 486, 487 do Lâm trường Khe Giữa thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, tỉnh Quảng Bình quản lý, bảo vệ. Vì sao hàng loạt cây rừng quí giá bị tàn phá một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không  hay biết?. Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thuỷ cho rằng, khu vực rừng bị phá đã giao cho Lâm trường Khe Giữa quản lý, bảo vệ, trách nhiệm chính thuộc về lâm trường. Ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình đề nghị làm rõ trách nhiệm về việc rừng tự nhiên ở Khe Giữa bị tàn phá:  “Địa bàn nào thì kiểm lâm địa bàn đó quản lý chung. Quan trọng là anh chủ rừng, trách nhiệm của anh là quản lý. Nhà nước đã giao cho anh quản lý, trách nhiệm mọi cái chế độ chính sách. Tại khu vực Vít Thù Lù là địa phận của Lâm trường Khe Giữa quản lý, không phải là chủ rừng thuộc xã quản lý. Trên địa bàn, không chỉ lâm trường, chủ rừng mà có hành vi tàn phá hủy hoại rừng thì cơ quan chức năng phải vào cuộc xem xét”.

Mới đây, dư luận ở tỉnh Quảng Bình xôn xao về vụ phá rừng gỗ lim quý hiếm xảy ra ở Tiểu khu 329 do Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại quản lý. Hơn 45 cây gỗ, chủ yếu là lim, gõ…với hàng chục mét khối đã bị chặt hạ trái phép. Điều đáng nói, rừng bị tàn phá từ cuối năm 2018 nhưng mãi đến giữa tháng 3 năm nay mới phát hiện. Ông Ngô Như Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại cho rằng, khu vực rừng gỗ lim bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai. Rừng lim có khoảng cách rất gần với Trạm quản lý và bảo vệ rừng. Với tư cách là chủ rừng, phía Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại đã nhận trách nhiệm buông lỏng quản lý. Đơn vị cũng đã xử lý kỷ luật một số cán bộ liên quan và đang chờ kết luận điều tra để tiếp tục xử lý sai phạm: “Bây giờ, đang chuyển hồ sơ cho công an điều tra đối tượng vi phạm để xử lý. Còn các Trạm này phải chịu trách nhiệm về lâm sản trong khu vực đó. Khi xảy ra mất mát kể cả trách nhiệm về vật chất, hành chính và trách nhiệm về hình sự. Công ty đã chỉ đạo lâm trường xử lý kỷ luật Tổ trực tiếp giám sát khu vực đó”.

Gỗ được cưa xẻ thành phách, hộp ngay tại rừng.

Vào cuối tháng 3 năm nay, giữa lúc vụ tàn phá hơn 100 mét khối gỗ mun tại vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đang làm nóng dư luận thì lâm tặc vẫn ngang nhiên triệt hạ hơn 2 hécta rừng tự nhiên trong vùng đệm của khu Vườn này. Rừng bị phá chỉ cách Trạm Kiểm lâm Chà Nòi, thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hơn nửa cây số và nằm sát đường Hồ Chí Minh khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch thừa nhận sự việc quá muộn: “Mặc dù Trạm phát hiện vụ việc nhưng phát hiện muộn. Mặc dù rừng đó giao cho chủ quany lý nhưng mình quản lý Nhà nước, thì  phải phát hiện để ngăn chặn sớm. Tỉnh đang giao cho Hạt hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật”.

Thực tế cho thấy, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Bình được giao cho các lâm trường, công ty lâm nghiệp quản lý, bảo vệ đã và đang bị tàn phá dữ dội. Việc quy hoạch rừng sản xuất là rừng trồng xen lẫn với rừng tự nhiên đã tạo kẻ hở cho nhiều người lợi dụng khai thác rừng trồng rồi chặt phá cây gỗ quí. Rừng tự nhiên có nguy cơ thu hẹp dần.

Quy hoạch rừng sản xuất xen lẫn rừng tự nhiên tạo cơ hội cho lâm tặc đốn hạ cây gỗ quý.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thừa nhận, quá trình khai thác gỗ rừng trồng có xảy ra tình trạng lợi dụng khai thác gỗ trái phép: “Thực tế dư luận họ nói đúng, quá trình khai thác gỗ rừng trồng có lợi dụng việc khai thác gỗ trái phép. Cái này cần ngăn chặn ngay. Tôi cũng rất bức xúc chuyện các chủ rừng vì lợi nhuận mà không tập trung để bảo vệ rừng. Cái đó rất không nên làm, anh phải kiện toàn lại lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, có phương án bảo vệ rừng bảo đảm an toàn”./.  

Hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây ở tỉnh Quảng Bình chưa có dấu hiệu dừng lại. Rừng chảy máu, trong khi việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan còn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Nhiều vụ phá rừng xảy ra cả năm trời đến nay vẫn chưa xử lý. Liệu có tình trạng bảo kê, tiếp tay để lâm tặc phá rừng? Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Mời quí vị và các bạn theo dõi.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ bịa chuyện lâm tặc cướp gỗ: Bệnh sợ trách nhiệm, thói quan liêu
Vụ bịa chuyện lâm tặc cướp gỗ: Bệnh sợ trách nhiệm, thói quan liêu

VOV.VN -Quan liêu, sợ trách nhiệm trong lực lượng chức năng quản lý - bảo vệ rừng vẫn là một căn bệnh trầm kha, cần được chữa trị triệt để hơn.

Vụ bịa chuyện lâm tặc cướp gỗ: Bệnh sợ trách nhiệm, thói quan liêu

Vụ bịa chuyện lâm tặc cướp gỗ: Bệnh sợ trách nhiệm, thói quan liêu

VOV.VN -Quan liêu, sợ trách nhiệm trong lực lượng chức năng quản lý - bảo vệ rừng vẫn là một căn bệnh trầm kha, cần được chữa trị triệt để hơn.

Kỷ luật 4 cán bộ để lâm tặc đốn hạ 36 cây sa mu
Kỷ luật 4 cán bộ để lâm tặc đốn hạ 36 cây sa mu

VOV.VN - Một trạm trưởng cùng với các cán bộ khác bị kỷ luật do để lâm tặc chặt hạ 36 cây sa mu quý hiếm, tương đương 139m3 gỗ.

Kỷ luật 4 cán bộ để lâm tặc đốn hạ 36 cây sa mu

Kỷ luật 4 cán bộ để lâm tặc đốn hạ 36 cây sa mu

VOV.VN - Một trạm trưởng cùng với các cán bộ khác bị kỷ luật do để lâm tặc chặt hạ 36 cây sa mu quý hiếm, tương đương 139m3 gỗ.