Sắc mới trên quê hương cách mạng Mường Chanh
VOV.VN - Xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn là nơi có phong trào hoạt động cách mạng đầu tiên ở tỉnh Sơn La.
Gần 80 năm trước, tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh đã tập hợp những thanh niên yêu nước, cùng Nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc, giành chính quyền. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân nơi đây dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã tiếp tục xây dựng quê hương phát triển về mọi mặt.
Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh năm xưa nay đã khoác trên mình tấm áo nông thôn mới tươi đẹp. |
Tiếp giáp với các huyện Thuận Châu, Sông Mã của tỉnh Sơn La, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn được xác định có địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Đây cũng là một trong những lý do Mường Chanh được Chi bộ Nhà tù Sơn La chọn làm địa bàn để xây dựng phong trào cách mạng vào năm 1943.
Cụ Lò Văn Mộc, 85 tuổi, người dân ở bản Đen, xã Mường Chanh còn nhớ rất rõ, khi ấy, Mường Chanh là mảnh đất của Phìa tạo, cướp bóc triền miên, thanh niên trai tráng đều phải đi làm phu phen, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ: "Thời kỳ ấy, quan bản muốn tăng thuế lên bao nhiêu thì tùy quan bản, rồi trộm cắp, không có ai quan tâm đến đời sống của dân cả, có cả hà hiếp nhau, rồi cướp bóc; trong đó thì đi phu đi phen rất nhiều, có lần đi hàng 3 tháng mới về, dân rất là khổ".
Mường Chanh hiện có 2 đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng là Nếp tan nhe và các sản phẩm gốm truyền thống. |
Trong không khí sục sôi tổng khởi nghĩa của nhân dân cả nước, Tháng 8 năm 1945, lực lượng vũ trang và Nhân dân ở khu căn cứ cách mạng Mường Chanh đã đứng lên giành chính quyền, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Rồi sau đó, tiếp tục kết hợp cùng nhân dân các địa phương khác trong tỉnh giành chính quyền từ thực dân Pháp về tay nhân dân Sơn La.
Sau khi khởi nghĩa dành chính quyền thành công, bà con nhân dân phấn khởi, ra sức nỗ lực thi đua xây dựng cuộc sống mới. Đến đầu năm 2018, Mường Chanh đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 12/12 bản có đường ô tô đến tận bản; 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Ước năm 2020 này, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt hơn 43 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới đến nay chỉ còn gần 3%. Mường Chanh cũng đã thành lập được 7 hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân.
Đường giao thông cứng hóa trải rộng khắp các bản. |
Ông Lò Mạnh Quyết, Giám đốc hợp tác xã Quyết Chí, xã Mường Chanh phấn khởi cho biết: "Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, bản thân và anh em chúng tôi đã phối kết hợp thành lập hợp tác xã, chủ yếu trồng cây ăn quả như: Nhãn, xoài, cà phê…Anh em trong hợp tác xã tất cả những khâu về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, phân bón đều có kỹ thuật hướng dẫn cho nên mọi người trong hợp tác xã ai cũng làm theo, làm tốt mà thu nhập cũng cao".
Mường Chanh hiện có hơn 960 hộ, gần 4.400 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Theo Chủ tịch UBND xã Cầm Văn Nhất, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 đạt 15/17 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; từng bước hình thành các vùng cây nông nghiệp, cây ăn quả chủ lực, chất lượng cao; thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm.
"Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục đưa các biện pháp chủ yếu, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương và đường nội đồng, để cho bà con đi lại thuận tiện, thứ 2 là đủ nước tưới tiêu cho đồng ruộng của xã Mường Chanh".
Mường Chanh hiện cũng đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm; hiện chỉ còn gần 3%. |
Quê hương cách mạng Mường Chanh hôm nay đã khoác trên mình tấm áo mới, với những đường bê tông nội bản, liên bản rộng rãi, sạch đẹp; những ruộng lúa nước trải vàng, hay những nương cà phê xanh bát ngát...Người dân nơi đây vẫn đang đoàn kết, đồng tâm, đồng sức xây dựng Mường Chanh ngày càng giàu đẹp, tô thêm truyền thống anh hùng của quê hương cách mạng năm xưa./.