Sắc Xuân rực rỡ ở vùng Đồng Tháp Mười
VOV.VN - Qua 30 năm khai hoang, phục hóa, đến nay vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã “thay da, đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã phát triển rõ nét. Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025, chính quyền và nhân dân nơi đây rất phấn khởi, tiếp tục có một mùa Xuân tươi
Ông Đặng Văn Hòa, nông dân ở khu phố 4, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước cũng như nhiều người dân nơi đây Tết này rất phấn khởi vì năm qua trúng mùa khóm (dứa). Gia đình ông trồng hơn 30 ha cây khóm, năm qua thu hoạch được trên 500 tấn trái, với mức giá dao động từ 8.000 đồng đến 11.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Do đó, nông dân trồng khóm ở vùng Đồng Tháp Mười hiện nay đón Tết cổ truyền Ất Tỵ rất thịnh soạn: "Tôi ở đây Tết thì mua sắm, nhà cửa trang hoàng, đi về quê chúc Xuân nội, ngoại 2 bên và làng xóm. Các chú lãnh đạo địa phương đến chúc Tết mình, mình đi chúc Tết lại. Năm nay, tôi 70 tuổi rồi, rất phấn khởi, năm mới cầu mong người dân mình vui tươi, hạnh phúc, trên vùng đất mới này chan hòa niềm tin, cuộc sống mới, sống thoải mái hơn. Mình tin tưởng vào tương lai mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Còn anh Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, trồng hơn 20 ha khóm cho biết, năm qua, ruộng khóm luôn đạt năng suất cao và trúng giá và sản xuất rải vụ nên cho thu nhập quanh năm. Hiện nay, anh thu hoạch khóm xuyên Tết. Từ khó khăn, cây khóm đã giúp gia đình người nông dân này đổi đời.
Anh Thiện chia sẻ: "Đợt Tết này mấy hôm nay tôi đốn gần 50 tấn khóm, Tết mình làm suốt, gần 30 Tết vẫn có thu hoạch khóm luôn. Mình thu hoạch thường xuyên không để đứt khóm. Tết này chỉ nghỉ mùng 1,2,3 sau đó đi làm lại bình thường. Tết cổ truyền thì vẫn vui vẻ, phấn khởi như mọi năm, rảnh thì chở con cái đi siêu thị mua sắm đồ. Mình đi chợ dự trữ đủ ăn, chứ không mua nhiều vì chợ lúc nào cũng có hàng, muốn cần gì ra mua. Năm nay hàng hóa Tết rất nhiều”.
Cây khóm là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã duy trì hơn 30 năm qua. Toàn huyện có 16.000 ha khóm, cho sản lượng 111.200 tấn/ năm. Mấy năm gần đây, đầu ra trái khóm rất tốt, giá cao nên nông dân vùng Đồng Tháp Mười có cuộc sống khá giả. Năm qua, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất hơn 16% so với năm 2023; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện được 3.955 tỷ đồng. Ngoài cây khóm, nông dân Tân Phước còn duy trì diện tích lúa, khoai mỡ, thanh long, chanh, bưởi, mãng cầu... Mức thu nhập bình quân đầu người toàn huyện hơn 64 triệu đồng/người/năm.
Mùa Xuân này khác hẳn mấy Xuân qua, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước rất vui vì huyện vừa được công nhận huyện nông thôn mới đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện. Những ngày này, người dân tạm dừng hoạt động lao động sản xuất để cùng vui Xuân, đón Tết.
Tân Hòa Đông tuy là xã vùng hẻo lánh nhất của huyện Tân Phước nhưng hiện nay trên các tuyến đường cờ hoa rực rỡ, không khí Xuân tràn ngập đã đánh thức vùng đất nhiễm phèn. Những cánh đồng khóm bạt ngàn, trái chín đỏ tươi như chào đón mùa Xuân. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông cho biết, cây khóm năm qua đã giúp nông dân có thu nhập trên 200 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người là 59 triệu đồng, toàn xã chỉ còn có 8 hộ nghèo.
Chính quyền và người dân Tân Hòa Đông tổ chức vui Xuân rất vui tươi, ấm áp tình thương: "Mình tuyên truyền vận động người dân vui Xuân, đón Tết tiết kiệm lành mạnh, trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan cho có không khí Tết. Dù là vùng nông thôn, nhưng mà phải có sắc Xuân để cho bà con có tinh thần, vui chơi. Xã có chuẩn bị hoa để tạo điểm nhấn, cho bà con có điểm ghi hình ảnh, vui Xuân. Xã có tổ chức hội thi gói bánh tét, cho các chị em phụ nữ trổ tài khéo léo, thăm tặng quà các gia đình chính sách, liên hệ mạnh thường quân các nơi có những phần quà tặng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”.
Những tháng ngày gian khó đã qua, với tinh thần chăm lo, miệt mài trong lao động, sản xuất, sự quyết tâm khai phá vùng Đồng Tháp Mười của chính quyền và nhân dân địa phương đã làm thay đổi diện mạo vùng quê này. Tết cổ truyền Ất Tỵ, địa phương có nhiều đoàn từ TW, tỉnh và các nhà hảo tâm đến thăm tặng quà Tết cho hộ chính sách, hộ nghèo và công nhân tại khu công nghiệp Long Giang. Huyện Tân Phước tổ chức 07 hoạt động văn hóa, thể thao để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân; trong đó điểm nhấn là Tuyến đường hoa Xuân tại bờ Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp (khu phố 3 thị trấn Mỹ Phước) có chiều dài 1200 mét với nhiều loại hoa kiểng, các tiểu cảnh phục vụ nhu cầu thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm của người dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tân Phước cho biết thêm: "Năm nay, đối với Tân Phước thì Huyện ủy- UBND huyện rất quan tâm đến các hoạt động Tết. Huyện tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ cho bà con nhân dân. Đối với Trung tâm văn hóa huyện đã tổ chức giải bóng chuyền và các hoạt động văn hóa- văn nghệ... Đặc biệt năm nay, theo chủ trương của lãnh đạo huyện có tổ chức tuyến đường hoa Xuân. Tại Trung tâm Văn hóa vào tối ngày 26 (âm lịch) có khai mạc tổ chức khai mạc Hội Xuân và vòng bán kết hội thi thanh niên thanh lịch”.
Xuân đã về, không khí đón Tết cổ truyền Ất Tỵ ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang rộn ràng, sôi nổi. Bên chung trà, tách rượu khai Xuân, người dân nơi đây mong năm mới, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cánh đồng khóm bạt ngàn trên vùng đất phèn này mãi xanh tươi, trĩu quả, mang lại cho đời hương vị ngọt ngào.