Sàng lọc thông tin ảo để hỗ trợ đúng những người yếu thế trong đại dịch Covid-19
VOV.VN - Để không người dân nào gặp khó khăn mà không được giúp đỡ, Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ (Hà Nội) rà soát, sàng lọc và kết nối trên các ứng dụng để chủ động hỗ trợ nhiều và chính xác hơn.
Kết hợp chính quyền cơ sở xác minh các trường hợp người xin hỗ trợ
Theo anh Bùi Thế Cường, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ, ngay từ khi nền tảng Zalo Connect triển khai tại Hà Nội ngày 20/8, Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ chủ động nhắn tin, gọi điện, kết nối với các trường hợp khó khăn xin được hỗ trợ trên địa bàn quận nhằm xác minh thông tin để kịp thời giúp đỡ sớm nhất.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người gặp khó khăn về mặt lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, số người lao động khó khăn hiển thị qua nền tảng ứng dụng định vị so với số lượng trực tiếp được xác minh cần hỗ trợ có sự chênh lệch lớn, chưa sát thực tế. Vì thế, Thường trực Quận ủy Tây Hồ đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên quận tiến hành rà soát, sàng lọc thông tin”, anh Bùi Thế Cường cho hay.
Với tinh thần tình nguyện, Ban thường vụ Quận đoàn Tây Hồ đã nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn Bí thư Đoàn các phường rà soát số lượng người cần hỗ trợ trên ứng dụng Zalo connect (báo “cam”) theo địa bàn. Sau 5 ngày, Quận đoàn xác định được khoảng 500 trường hợp thực sự khó khăn cần hỗ trợ, trong đó đã hỗ trợ ngay được trên 400 trường hợp, với số tiền khoảng 100 triệu đồng.
“Có trường hợp được hỗ trợ trực tiếp tại nơi ở, có trường hợp được mời lên phường nhận hỗ trợ. Sau khi hỗ trợ, chúng tôi cũng yêu cầu người dân bấm xác nhận trên hệ thống để đảm bảo nguồn lực được phân phối đúng đối tượng, kịp lúc, không bị dàn trải. Hiện nay, các “chấm cam” trên địa bàn quận Tây Hồ hầu hết đã được thay thế bằng “chấm xanh”. Do dịch kéo dài sẽ tiếp tục xuất hiện thêm những “chấm cam” mới. Chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật sẵn sàng xác minh sàng lọc thông tin mới nhất”, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ khẳng định.
Chia sẻ việc sàng lọc, rà soát thông tin trên hệ thống Zalo connect, anh Bùi Thế Cường cho biết, qua xác minh có một số trường hợp vì tò mò nên ấn thử xin hỗ trợ xem có được không, mặc dù nhu cầu thực sự họ không cần. Hoặc có trường hợp xin hỗ trợ bằng tiền, thay vì lương thực, nhu yếu phẩm.
“Có trường hợp hiếu kỳ bấm thử xem thế nào. Có trường hợp nhiều số phát tín hiệu hỗ trợ tại một địa chỉ hay trường hợp nhận rồi vẫn báo xin hỗ trợ. Hay có trường hợp, ngay như hôm qua (23/8) có 17-19 trường hợp họ xin hỗ trợ tiền mặt, vay tiền còn lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế… họ không cần. Với những trường hợp này chúng tôi lập danh sách gửi về UBND phường nơi họ cư trú để xác minh và làm việc cụ thể”, anh Bùi Thế Cường nói.
Để đảm bảo việc hỗ trợ “đúng người - đúng nhu cầu” đoàn thanh niên cùng các tình nguyện viên cũng lập danh sách sau khi rà soát gửi đến các tổ trưởng dân phố để xác minh. Nếu chính xác đối tượng sẽ báo cáo để kịp thời hỗ trợ.
Hỗ trợ ăn - ở đến từng đối tượng khó khăn cụ thể
Không chỉ sàng lọc giúp đỡ nhu yếu phẩm cho người xin hỗ trợ qua nền tảng ứng dụng, Quận Tây Hồ còn triển khai rà soát và yêu cầu các chủ phòng trọ hỗ trợ giảm tiền cho người thuê.
“Chúng tôi đã làm việc với 2.295 chủ phòng trọ yêu cầu giảm giá thuê hỗ trợ người lao động trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch với số tiền giảm được là 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó, bắt đầu từ ngày 25/8, chúng tôi triển khai chương trình “bếp ăn 0 đồng” hỗ trợ ngày 2 bữa cơm cho các hoàn cảnh khó khăn đến hết 6/9. Trước mắt là khoảng 400 suất. Nếu nhu cầu thực tế cao hơn, chúng tôi có thể tăng lên 700-800 suất cơm cung cấp đến bà con”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ chia sẻ.
“Quận đã lên kế hoạch cụ thể việc hỗ trợ người yếu thế đi vào thực chất, theo đó Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp là đầu mối triển khai, đảm bảo nguồn lực được tập trung, phân bổ đúng đối tượng, đúng lúc, tránh việc người có thể được nhận hỗ trợ vài ba lần trong khi có trường hợp mình chưa hỗ trợ tới”, ông Tuấn cho hay.
“Chúng tôi cũng công khai số điện thoại đầu mối giải quyết vấn đề hỗ trợ người yếu thế trên từng địa bàn cụ thể để người dân dễ dàng tiếp cận. Những người nhận hỗ trợ cũng phải cam kết với chúng tôi thực hiện nghiêm việc “ai ở đâu ở đó”. Chúng tôi cam kết đảm bảo lương thực “đủ nuôi” người dân đến hết ngày yêu cầu thực hiện giãn cách, ngày 6/9”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Là địa bàn nóng với 2 phường Văn Chương và Văn Miếu đang phải phong tỏa, Đoàn Thanh niên quận Đống Đa cũng đang nỗ lực hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc trực chốt kiểm soát, tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine cho người dân cũng như phân phối thực phẩm thiết yếu đến tay người dân.
Chị Phạm Thị Tâm, Phó Bí thư Quận đoàn Đống Đa chia sẻ, những ngày này lực lượng thanh niên, tình nguyện viên trên địa bàn hết sức vất vả bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
“Lực lượng thanh niên trên địa bàn hiện nay ưu tiên dồn toàn bộ nhân lực vào phục vụ công tác xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine phòng Covid-19, hỗ trợ trực chốt cùng các cơ quan chức năng và làm công tác trung chuyển hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong khu phong tỏa của 2 phường Văn Chương, Văn Miếu. Việc xác minh những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ qua các nền tảng ứng dụng sẽ được triển khai trong thời gian tới”, chị Tâm bày tỏ./.