Sập cầu Ghềnh: Ngành đường sắt thiệt hại nặng nề
VOV.VN -Vụ sập cầu Ghềnh ảnh hưởng không chỉ đến sinh hoạt của người dân mà còn của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển bằng đường sắt.
Vụ sập cầu Ghềnh tại Đồng Nai tuy không gây thiệt hại về người, nhưng hậu quả là rất nặng nề khi hệ thống đường sắt Bắc – Nam bị gián đoạn, ảnh hưởng không chỉ đến sinh hoạt của người dân mà còn của các doanh nghiệp kinh doanh chọn loại hình vận chuyển bằng đường sắt.
Cố gắng để giữ khách
Ngay sau khi biết tin sự cố gãy cầu Ghềnh, trong ngày 20/3, đã có khoảng 300 khách đến ga Sài Gòn trả vé, ngày 21/3 là 115 vé, ngày 22/3 là 92 vé. Còn tính cả trong hệ thống bán vé của Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn thì trong 3 ngày đầu có khoảng 2000 khách trả vé.
Với những người trả vé, ga cũng đã tạo điều kiện cho hành khách và hoàn trả 100% giá trị vé. Các hành khách vẫn quyết định đi tàu được ga hướng dẫn tận tình từ các khâu gửi hành lí, di chuyển. Sau ba ngày đầu xảy ra sự cố, ngành đường sắt cũng đã thực hiện chuyển tải 24 đoàn tàu với 3.300 khách an toàn từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa (Đồng Nai). Việc hành khách phải di chuyển, lên xuống tàu nhiều lần dù gây ra nhiều phiền hà nhưng nhiều người vẫn chọn đây là phương tiện di chuyển chính.
Ga Sài Gòn vẫn có khách đến mua, trả vé |
Anh Nguyễn Thế Hân, hành khách đi chặng Sài Gòn - Nha Trang cho biết: “Vé tàu này tôi mua từ trước, không muốn đổi bởi đi tàu vẫn an toàn, các phương tiện đường bộ vẫn chưa tin tưởng lắm. Sự việc này chứng minh việc đề phòng các sự cố còn rất kém, nên ngành đường sắt cần xem xét lại rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ”.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Xí nghiệp vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ga Sài Gòn vẫn hoạt động bình thường. Từ 23/3, hành khách đến ga Sài Gòn lên tàu, di chuyển đến ga Sóng Thần rồi lên xe trung chuyển về ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình, thay vì đi thẳng từ ga Sài Gòn đi Biên Hòa bằng đường bộ không đảm bảo về giờ giấc bởi tình trạng kẹt xe.
Đây là sự cố ngoài mong muốn nhưng ngành đường sắt cũng hết sức khẩn trương đưa ra các giải pháp để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, cả trong việc hoàn trả vé hay phục vụ những hành khách vẫn chọn loại hình này.
Ông Đỗ Quang Văn chia sẻ: “Chúng tôi cũng xin lỗi khách hàng vì việc chuyển tải ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng và mong khách hàng thông cảm. Ngành đường sắt sẽ cố gắng hết sức để làm sao việc phục vụ hành khách được tốt nhất”.
Thiệt hại từ việc ngưng tiếp nhận hàng hóa
Một trong những khó khăn gặp phải khi tuyến đường sắt huyết mạch này bị cắt đứt là việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn. Theo bà Trần Thị Thư, Trạm trưởng trạm vận tải hàng hóa Sóng Thần – một trong những ga vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt lớn ở khu vực Nam Trung Bộ, sự cố đã làm tê liệt việc vận chuyển hàng hóa từ Dĩ An về Sài Gòn, ga Sóng Thần đã ngưng tiếp nhận hàng hóa chuyển đi miền Trung và miền Bắc.
Dự kiến phải đến giữa tháng 7/2016, cầu Ghềnh mới hoàn thành |
Bình quân một ngày, ga Sóng Thần bốc và dỡ khoảng 8 đoàn tàu với 160 toa hàng hóa (trung bình một toa có 25 tấn), vì thế nếu như phải mất đến ít nhất 3 tháng để sửa xong cầu Ghềnh thì thiệt hại của ga sẽ vô cùng lớn. Hiện nay, tại ga Sóng Thần đang bị tắc 28 toa hàng và ga vẫn đang chờ để vận chuyển số hàng này ra các ga Trảng Bom, Hố Nai để tiếp tục vận chuyển ra miền Trung và miền Bắc (ga Biên Hòa không vận chuyển được hàng hóa).
Bà Trần Thị Thư nói: “Ngành đường sắt bị thiệt hại nhất. Trước mắt, toàn bộ nhân viên trong khu vực không có việc làm. Tàu không về được, nên hàng hóa không tiếp nhận được thì họ sẽ tìm đến phương tiện khác và khi họ đã ổn định thì quay về ngành rất khó khăn”.
Một trong những việc mà ngành đường sắt triển khai trong thời gian qua là thay đổi lịch trình chạy tàu cho phù hợp, chủ yếu thực hiện đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào.
Cụ thể vẫn duy trì tổ chức chạy 2 đôi tàu Hà Nội – Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26) có chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa; duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh – Sài Gòn, Quy Nhơn – Sài Gòn, Nha Trang – Sài Gòn), riêng đôi tàu chạy tuyến Sài Gòn – Phan Thiết sẽ ngừng hoạt động.
Ngành đường sắt cũng tiếp tục tổ chức vận chuyển hành hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại, hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai… Các công ty cổ phần vận tải đường sắt sẽ chủ động làm việc với khách hàng để có phương án tối ưu bởi năng lực của các ga trên là không lớn.
Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Đối với ga phía ngoài Biên Hòa như ga Trảng Bom, Hố Nai thì Tổng Công ty đang khảo sát mở thêm các đường ga, bãi hàng để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của việc bốc xếp hàng hóa và cũng phục vụ khách chuyển tải ở ga Biên Hòa, Dĩ An; để có điều kiện phục vụ hành khách một cách tốt nhất trong thời gian khôi phục lại cầu đường. Đây là việc sống còn của ngành đường sắt và chúng tôi phải đưa ra những phương án tối ưu để kéo khách hàng, đảm bảo thuận lợi cho khách hàng”.
Dự kiến phải đến giữa tháng 7/2016, cầu Ghềnh mới hoàn thành và đưa vào sử dụng để có thể kết nối lại hệ thống đường sắt Bắc – Nam, nên thiệt hại trước mắt và lâu dài cho ngành đường sắt là rất lớn.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã huy động toàn bộ lực lượng để cùng với các cơ quan chức năng lên phương án khắc phục và triển khai phương án tổ chức chạy tàu thay thế, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra, đặc biệt là vẫn giữ vững niềm tin của khách hàng và các doanh nghiệp./.