Sắp diễn ra Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động
VOV.VN - Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ lần thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 26/3.
Với chủ đề “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động”, Tuần lễ năm nay hướng về cơ sở nhằm tăng cường huấn luyện về an toàn cho người lao động và kịp thời xử lý các vi phạm về mất an toàn lao động.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN về nội dung này.
PV: Thưa ông, Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN năm nay tập trung vào những hoạt động gì?
Ông Hà Tất Thắng: Năm nay, chủ đề nêu trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ các quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016.
Trong đó, có nhiều nội dung như thông tin tuyên truyền, tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, triển khai công tác thanh, kiểm tra trong cả nước để phòng ngừa; tập huấn cho người lao động.
Ông Hà Tất Thắng- Cục trưởng Cục An toàn lao động |
Các doanh nghiệp ở các địa phương cũng tập trung vào các nhiệm vụ này để triển khai trên phạm vi của địa phương mình, tập trung nghiên cứu chế độ chính sách, xây dựng các quy định cho phù hợp với quy định mới của luật và doanh nghiệp phải tổ chức việc huấn luyện, xây dựng nội quy, xây dựng biện pháp an toàn vệ sinh lao động, huấn luyện để người lao động hiểu biết thành thạo những vấn đề đó để phòng tránh.
Năm nay Luật An toàn vệ sinh lao động ra đời đã mở rộng đối tượng sang đối tượng không có quan hệ lao động. Về vấn đề này sẽ huy động thêm cả chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã cùng tham gia.
Đối với các địa phương, năm nay Hưng Yên là đơn vị được giao đăng cai tổ chức Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động năm 2016, tổ chức vào ngày 20 đến 26/3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Ban Chỉ đạo của Hưng Yên đã có một kế hoạch khá chi tiết về các hoạt động trong tuần lễ. Ngoài nơi phát động vào sáng ngày 20/3, các hoạt động diễn ra đồng loạt trước, trong và sau tuần lễ. Các hoạt động thanh, kiểm tra diễn ra trong tuần lễ cũng diễn ra các hoạt động thao diễn, các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động.
Mặc dù tuần lễ quốc gia này phát động sáng 20/3 ở Hưng Yên nhưng không có nghĩa tất cả tập trung vào tuần lễ này mà chúng tôi hướng tới cơ sở, các doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng tạo nên cao trào, để hướng tới tất cả mọi người tập trung từ xây dựng kế hoạch, trang bị phương tiện, tổ chức thực hiện để làm sao công tác này được thực hiện tốt hơn.
PV: Sau tuần lễ, những biện pháp nào sẽ được tập trung triển khai để các doanh nghiệp tích cực hơn, chủ động hơn trong việc đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, thưa ông?
Ông Hà Tất Thắng: Có rất nhiều biện pháp, từ quản lý hành chính đến tổ chức thực hiện. Luật An toàn vệ sinh lao động đã ra đời, trách nhiệm là tất cả người dân, doanh nghiệp đều phải tuân thủ Luật.
Hiện Bộ đang tham mưu, đến khoảng tháng 4 sẽ trình Chính phủ 3 Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động và chúng tôi đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn vệ sinh lao động 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những nội dung này sẽ hỗ trợ cho các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp để triển khai thực hiện.
Ngay trong tháng 3 này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức thanh tra rất nhiều đơn vị trong cả nước, đặc biệt tập trung vào những ngành có nguy cơ cao như khai thác đá trong xây dựng, trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong sử dụng điện.
Đối với các sở, các ngành, các địa phương, chúng tôi cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra địa bàn mình quản lý và các doanh nghiệp phải tự rà soát để tự kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm, đồng thời tăng cường huấn luyện để giúp người lao động hiểu được công tác an toàn là trước hết bảo vệ cho chính tính mạng bản thân mình, bảo vệ cho gia đình mình, bảo vệ cho doanh nghiệp. Chỉ khi nào họ quý trọng tính mạng của mình, gia đình mình, họ mới có ý thức học tập và hoạt động tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động giúp cho thành công của an toàn vệ sinh lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
PV: Vậy, trong Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ có thêm quy định nào về cơ chế giám sát các doanh nghiệp thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động không, thưa ông?
Ông Hà Tất Thắng: Bộ Lao động giúp Chính phủ quản lý thống nhất về an toàn vệ sinh lao động trong cả nước, nhưng các bộ, ngành thì trong Luật an toàn, vệ sinh lao động vừa rồi cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành.
Về công tác chuyên môn, chuyên sâu, các bộ ngành phải thực hiện việc thanh, kiểm tra, hướng dẫn xử lý. Về quản lý chung về lao động, an toàn lao động thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giúp cho Chính phủ phân công rất rõ ràng và trong các nghị định, các chế tài xử lý rất rõ đối với từng hành vi.
Doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện cho người lao động thì tùy theo số lượng, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt. Hành vi không trang bị phương tiện bảo vệ cũng có, không báo cáo cũng có, hành vi không kiểm định máy, thiết bị để đưa vào hoạt động cũng có, rất rõ ràng và có những hành vi bị xử phạt rất nặng lên tới 75 triệu đồng cho một hành vi. Ví dụ không kiểm định máy, thiết bị, đưa vào vận hành mà quá trình vận hành xảy ra tai nạn lao động chết người, ngoài xử phạt lên hàng trăm triệu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Xin cảm ơn ông! Góp ý bổ sung Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động