Sạt lở đe dọa nghiêm trọng tính mạng nhiều người dân Cà Mau
VOV.VN - Mới đầu mùa mưa nhưng đã có nhiều vụ sạt lở bờ sông, sụt lún gây thiệt hại nhiều tài sản và đe dọa tính mạng người dân ở Cà Mau.
Anh Phan Minh Điền, ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi cho biết, 1 tháng qua, nhà anh đã 2 lần bị sạt lở và cả hai lần sụp nhà đều xảy ra lúc nửa đêm, làm cuốn trôi nhiều tài sản, ước thiệt hại hơn 80 triệu đồng. Trên phần nền nhà còn lại những vết nứt tiếp tục xuất hiện ngày một nhiều và rộng dần.
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay chợ xã Tân Tiến có rất nhiều ngôi nhà từ đất liền nhô ra dòng sông, nguy cơ bị sạt lở là rất cao.
Nền nhà của anh Điền những vết nứt tiếp tục xuất hiện. (Ảnh: Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL). |
Ông Đoàn Chí Linh, Phó Bí thư xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, thông tin, tình hình sạt lở tại địa phương diễn ra nhiều năm. Tính đến đầu tháng 7 này, trên địa bàn xã đã xảy ra 6 vụ sạt lở đất ven sông; trong đó, có 1 vụ sạt lở lộ giao thông nông thôn, 5 vụ sạt lở làm hư hỏng nhà dân với tổng thiệt hại khoảng 380 triệu đồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết nguyên nhân gây ra sạt lở chủ yếu do chênh lệch biên độ triều cường lớn, triều cường dâng cao kết hợp dòng nước chảy xiết, xoáy sâu vào đất liền. Mặt khác, các phương tiện giao thông đường thủy có công suất lớn cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.
Qua khảo sát, toàn tỉnh có 117 điểm sạt lở, sụt lún và nguy cơ sạt lở; trong đó, huyện Trần Văn Thời có 94 điểm sụt lún với tổng chiều dài hơn 22,5km; riêng các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển sạt lở có tổng chiều dài hơn 7km, gây ảnh hưởng đến 132 hộ dân.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở, sụt lún hiện còn làm hư hỏng trên 33 km đường nhựa, hơn 16 km đường bê tông. Tổng kinh phí để khắc phục tình trạng rạn nứt, sụp lún và hư hỏng các tuyến đường này ước khoảng 110 tỷ đồng.
Những cột bê tông còn sót lại sau sạt lở. |
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, mùa mưa đã tới, tình trạng sụp lún có thể sẽ càng diễn biến phức tạp hơn, nên người dân cần cảnh giác.
“Hiện nay trong nội đồng, lượng mưa, lượng nước trong các kênh rạch cũng tương đối đầy. Tuy nhiên, những vùng mà thủy triều lên xuống có biên độ thủy triều cao thì vẫn còn nguy hiểm, đặc biệt là Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Điều này chúng tôi cũng đã lưu ý với huyện cũng như là bà con cảnh giác vùng sạt lở, có giải pháp di dời vào trong để đảm bảo tính mạng và tài sản của bà con”, ông Tô Quốc Nam cho biết.
Hiện nay các huyện trong vùng sạt lở tiếp tục tuyên truyền cho người dân cảnh giác tại các điểm sụp lún, khẩn trường di dời nhà ở ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, kiến nghị tỉnh và Trung ương sớm có phương án quy hoạch đầu tư xây dựng khu tái định cư mới để di dời người dân sống ở các điểm thường xảy ra sạt lở vào khu vực an toàn; xem xét đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở các khu vực xung yếu./.