Sạt lở sông Krông Nô, cần làm rõ trách nhiệm doanh nghiệp liên quan
VOV.VN - Liên quan đến tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô mà Đài TNVN đã nhiều lần thông tin, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang lúng túng trong xác định trách nhiệm của các doanh nghiệp liên quan. Điều này gây khó cho việc tìm phương án khắc phục và việc sạt lở có nguy cơ tiếp diễ với mức độ càng nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Sáu, Bí thư Đảng uỷ xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô đang sạt bị lở hàng ngày hàng giờ, mức độ rất nghiêm trọng. Trước đây, sạt lở chủ yếu chỉ diễn ra vào mùa mưa, diện tích rất nhỏ, nhưng nay càng nắng thì càng sạt lở và diện tích ngày càng tăng. Riêng địa bàn xã đã có hơn 50ha đất sản xuất của dân bị sạt lở xuống sông. Các xã lân cận như Quảng Phú, Buôn Choáh diện tích sạt lở cũng rất lớn.
Theo ông Sáu, trong giai đoạn 2010-2014, trách nhiệm bồi thường sạt lở được quy cho Thủy điện Buôn Tua Srah. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 đến nay, phía thuỷ điện Buôn Tua Srah chối bỏ trách nhiệm, địa phương không xác định được đơn vị bồi thường. Trong khi đó, sạt lở vẫn diễn ra, khiến người dân rất bức xúc.
“Sau khi xả nước thuỷ điện Buôn Tua Srah từ năm 2010-2014 được UBND huyện quan tâm, cùng với thuỷ điện bồi thường cho người dân 5 đợt. Nhưng từ năm 2015 đến nay đo đạc, xác định, cắm mốc xong, gần 10 năm rồi chưa có cơ quan nào đặt vấn đề bồi thường cho dân cả. Vấn đề bồi thường tồn đọng rất lâu, cử tri rất bức xúc", ông Nguyễn Sáu cho hay.
Còn ông Trần Đình Hiệp, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng sạt lở sông Krông Nô đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là sau khi có các dự án thuỷ điện như thuỷ điện Buôn Tua Srah và thuỷ điện Chư Pông Krông. Ông Hiệp cũng xác định tình trạng sạt lở sông Krông Nô xảy ra có nguyên nhân do hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp do cả 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cấp phép. Sông Krông Nô ngày càng sạt lở và càng rộng ra. Theo ông Hiệp, do không xác định được trách nhiệm cụ thể của các doanh nghiệp liên quan nên việc xử lý trách nhiệm và việc đền bù cho dân đang gặp nhiều khó khăn
“Chính vì nguyên nhân do cả khai thác cát và thuỷ điện do đó thuỷ điện - chủ đầu tư chính là Buôn Tua Srah không thống nhất mức bồi thường mà yêu cầu tỉnh phải can thiệp để cho các đơn vị khai thác cát liên quan hai bên cùng phối hợp đền bù cho dân. Giờ khó là việc sạt lở như vậy nhưng đánh giá mức độ ảnh hưởng, bao nhiêu phần trăm của chủ đầu tư nào rất khó khăn, thuỷ điện bao nhiêu phần trăm, khai thác cát bao nhiêu phần trăm thì chưa thể đánh giá được", ông Trần Đình Hiệp cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông, sở đang mưu cho tỉnh trình trung ương hỗ trợ dự án làm bờ kè chống sạt lở sông Krông Nô với chiều dài 5km, trị giá khoảng 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, sở cần cân nhắc thêm về phương án này, bởi mức độ tốn kém cao và tác dụng thấp, khó khả khi khi trình ra trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo Sở TN&MT lập đoàn khảo sát, phối hợp với tỉnh Đắk Lắk xác định rõ nguyên nhân sạt lở và trách nhiệm các bên liên quan.
“Chúng tôi yêu cầu lập đoàn khảo sát, mời các nhà khoa học đủ trình độ về nghiên cứu, khảo sát, thậm chí mời đại diện bên tỉnh Đắk Lắk khảo sát cùng để đánh giá một cách tổng thể về nguyên nhân sạt lở và giải pháp. Đề nghị Sở TN&MT sớm lập đoàn, đánh giá về vấn đề này", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết.
Vấn đề sạt lở sông và việc không làm rõ được trách nhiệm của các đơn vị khai thác cát và thủy điện, là một trong những bất cập lớn trong quản lý mà lãnh đạo các xã ở huyện Krông Nô đã phản ánh tới Thường trực tỉnh ủy Đắk Nông. Trước đó, Đài TNVN cũng đã nhiều lần đề cập tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô diễn ra nghiêm trọng nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tại các điểm sạt lở, vi phạm quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.