Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đối mặt với những thách thức nào?
VOV.VN -Việt Nam vẫn còn những công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ nên đã ảnh hưởng đến đất nước và làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới.
Qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải đối diện với nhiều vấn đề lớn, phức tạp; nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân đều mong ước thực hiện tâm nguyện của dân tộc, cha ông ta là xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 (Ảnh: TTXVN) |
Nhìn lại chặng đường đã qua, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: Trong quá trình đổi mới đất nước, chúng ta gặp những khó khăn nhất định trên con đường phát triển nên có những sai lầm, khuyết điểm mà nguyên nhân chính là do chủ quan, duy ý chí…
Chúng ta xây dựng và phát triển đất nước không phải trên một công thức có sẵn nên mắc phải không ít vấp váp khiến đất nước ta đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội vào cuối những năm 1970, đầu những năm 80 của thế kỷ XX.
Trên cơ sở những tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng và tổng kết thực tiễn của Đảng và người dân, chúng ta dần tìm ra được con đường đổi mới đất nước để phát triển. Điều đó được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12/1986 trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” để tìm ra con đường đổi mới toàn diện cho sự phát triển.
Quá trình đổi mới đất nước được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Kinh tế, xã hội, văn hóa… Tuy nhiên, sự đổi mới quan trọng nhất mà nước ta thực hiện được là đổi mới về tư duy trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khi mà lạm phát lên đến 774,7% vào năm 1986.
Quá trình đổi mới đất nước, chúng ta đã xây dựng được nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích người lao động làm việc, tạo điều kiện cho người dân làm chủ, quản lý đất đai, sản xuất và tiêu thụ những mặt hàng, sản phẩm trên cơ sở phải đảm bảo đúng luật pháp.
Về mặt chính trị, nước ta tích cực xây dựng hệ thống pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa dựa trên tinh thần: “Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Quá trình đổi mới đất nước ta gắn với đổi mới trong quan hệ với quốc tế theo phương châm: Việt Nam muốn là bạn với các nước trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của các tổ chức quan trọng trên thế giới như: Tổ chức Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín khác trên tinh thần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, có thể nói, đất nước ta đã gặt hái được những thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân, đồng thời khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thách thức trên con đường đổi mới đất nước
Bên cạnh những thành quả đạt được, Việt Nam cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức. Ví dụ như trong khi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta chưa kịp thời chấn chỉnh những tập đoàn, công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước và làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới.
Cầu Nhật Tân là một trong những "điểm nhấn" cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Quang Trung)
Cho đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra là xây dựng nền kinh tế thật sự bình đẳng giữa các thành phần còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta chưa thực sự tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế trong nước được phát triển một cách đồng đều.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường, nếu nước ta muốn phát triển kinh tế độc lập, tự chủ thì phải có những giải pháp trên cơ sở hòa nhập với nền kinh tế quốc tế. Các cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế hoạt động trên nền tảng luật pháp.
Về vấn đề pháp luật, người dân và đặc biệt là một bộ phận viên chức chưa tôn trọng pháp luật và có ý thức trách nhiệm một cách đầy đủ nên hiệu quả công việc còn hạn chế.
Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, sau khi đất nước thống nhất, chúng ta gặp những khó khăn trong việc tổ chức lại hệ thống giáo dục để có được một nền giáo dục thực sự ưu việt. Chúng ta chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng nên giáo dục chưa thực sự là quốc sách hàng đầu của đất nước.
Trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển và xây dựng nền kinh tế tri thức để có thể hội nhập với thế giới.
Đối với lĩnh vực y tế, cho đến nay mặc dù nhiều bệnh viện được xây dựng mới, lực lượng y tế phát triển nhanh, nhiều y bác sĩ giỏi nhưng người dân chưa thực sự được hưởng sự chăm sóc theo phương châm “thầy thuốc như mẹ hiền”.
Vận mệnh và sự phát triển đất nước nằm trong tay toàn dân
Việt Nam cần tiếp tục giữ vững nền độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ để phát triển.
Để khắc phục khó khăn và đối diện với những thác thức trên, PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng, ở trong nước, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng. Vấn đề này không chỉ phải được chuyển biến từ các cấp lãnh đạo có trách nhiệm nhất mà còn phải được thực hiện đồng bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam |
Vận mệnh và sự phát triển của đất nước nằm trong tay toàn thể nhân dân Việt Nam. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta đã chứng minh, muốn vượt qua khó khăn, thử thách và chiến thắng các thế lực xâm lược đều phải dựa vào dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Đối với thế hệ trẻ, phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm việc để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để làm được điều này, Đảng và Nhà nước phải có những chính sách, chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện cho mọi người dân, trước hết là các bạn trẻ có điều kiện học tập, phấn đấu rèn luyện và trưởng thành để trở thành những lao động chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước./.
Bồi hồi ngắm lại những hiện vật của 30 năm Đổi mới
Thành tựu và kinh nghiêm trong 30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng