Sau bão, người trồng cao su ở Quảng Trị chồng chất khó khăn
VOV.VN -Sau bão, nhiều hộ trồng cây cao su dọc các xã ven biển tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề. Cuộc sống bà con vốn khó nay càng khó hơn.
Bão số 4 quét qua tỉnh Quảng Trị làm hàng trăm ngôi nhà, lều quán bị tốc mái; nhiều diện tích cây cao su ở các các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim và thị trấn Cửa Tùng bị gãy đổ. Sau bão, cuộc sống của người trồng cao su chồng chất khó khăn.
Nhiều diện tích cao su tại xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh bị bão càn quét gãy đổ |
Bão tan, ông Nguyễn Văn Tiếu, 50 tuổi, ở thôn Thạch Bắc, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh không khỏi bàng hoàng khi thấy 4 héc ta với gần 2.400 cây cao su 11 năm tuổi của gia đình mình bị bão quật đổ, nằm ngổn ngang. Để có vườn cao su này, mười năm trước, ông Tiếu đã vay 200 triệu đồng để trồng cao su và hồ tiêu. Cây cao su đến kỳ thu hoạch giá giảm sâu, còn vườn hồ tiêu cũng mới thu hoạch được 1/4 diện tích, nên ông vẫn còn mắc nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Tiếu than thở: “Sau khi cơn bão đi qua, tôi sốt sắng, lo lắng chạy xuống vườn cây cao su, thấy cây gãy thiệt hại quá lớn, quá sức tưởng tượng. 70% diện tích cây bị ngã đổ hết, gãy từ 1 mét trở lên và gãy ngang thân cho nên không thể tái tạo, không thể cạo được cho nên phải vứt bỏ. Tôi rất buồn, đau lòng và xót xa”.
Sau bão số 4, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có hơn 300 héc ta ngã đổ. Bà Hồ Thị Đương, 50 tuổi, ở thôn Thạch Bắc, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh cho biết, gần 100% hộ dân trong thôn này sống nhờ vào cây cao su. Bây giờ cây cao su gãy đổ nhiều quá không thể khôi phục được: “Cây cao su bị gãy đổ, mỗi gia đình khoảng 70% - 80%. Dân ở nơi đây làm nông nghiệp, cây chủ lực là cây tiêu và cao su, cây cao su bị gãy rồi thì thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhiều”.
Cây cao su bị gãy ngang thân, bật gốc không thể khắc phục được |
Những ngày qua, người dân ven biển huyện Vĩnh Linh bắt tay vào thu dọn cây cao su gãy đổ. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho hay, nhiều năm trước, cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân đua nhau trồng tràn lan, không theo quy hoạch. Chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo trong việc trồng cây cao su ven biển.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đang động viên bà con khẩn trương dọn dẹp các cây gãy đổ ra khỏi vườn để rồi khi thời tiết thuận lợi có thể tiếp tục khai thác. Khuyến cáo bà con nên trồng các vành đai chắn gió bảo về vườn cây. Chỉ đạo các địa phương kiểm kê số lượng chính xác để báo cáo và thực hiện việc hỗ trợ cho người dân”- ông Lê Tiến Dũng nói.
Sau bão, nhiều hộ trồng cây cao su dọc các xã ven biển tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề. Cuộc sống bà con vốn khó nay càng khó hơn./.