Sau ca tử vong vì cúm A/H5N1, Bộ Y tế khuyến cáo gì?
VOV.VN - Bộ Y tế khuyến cáo với người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi súc vật, gia cầm cũng như các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết thì phải báo ngay cơ quan quản lý.
Sau khi nam sinh viên một trường đại học ở Nha Trang (Khánh Hòa) tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 sau 12 ngày xuất hiện các triệu chứng bệnh, ngành y tế đang triển khai phòng ngừa, kiểm soát bệnh dịch nguy hiểm cúm A/H5N1 ra sao? Để tìm hiểu nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
PV: Thưa TS.BS Nguyễn Lương Tâm, ông đánh giá như thế nào về ca bệnh mới tử vong vì cúm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua?
Ông Nguyễn Lương Tâm: Trường hợp một sinh viên 21 tuổi ở Ninh Hòa, Khánh Hòa bị vào viện từ ngày 1/3 và tử vong ngày 23/3 sau kết quả xét nghiệm của Viện Paster Nha Trang khẳng định, bệnh nhân này H5N1 dương tính. Qua điều tra dịch tễ của tỉnh Khánh Hòa cũng như viện Parster Nha Trang thì thấy rằng xung quanh khu vực gia đình của người bệnh không có ổ dịch cúm gia cầm.
Ở vùng bệnh nhân sinh sống không có ổ dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, còn một yếu tố dịch tễ đóng thời điểm bệnh nhân về Tết thì cuối tuần có đi bẫy chim thì đấy cũng là một điểm cần phải lưu ý. Chúng tôi vẫn chỉ đạo để xem xung quanh vùng đó có các ổ gia cầm bị ốm chết hay không. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Khánh Hòa cũng đã có lác đác một vài ổ dịch cúm gia cầm.
PV: Từ ca bệnh này, ông nhận định ra sao về nguy cơ cúm gia cầm H5N1 quay trở lại và lây lan ra cộng động, thưa ông?
Ông Nguyễn Lương Tâm: Tôi nghĩ rằng, với cúm gia cầm thì từ năm 2013 hiện nay xuất hiện rất nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là Campuchia thì đã xuất hiện dịch cúm gia cầm lây sang người từ cuối năm 2023. Chúng tôi cũng đã có cảnh báo với các tỉnh giáp biên với Lào, Campuchia, đặc biệt là tỉnh miền Nam. Với thời điểm chuyển mùa tạo điều kiện như virus lây bệnh sinh sôi, trong đó có cúm A/H5N1.
Chúng tôi cũng khuyến cáo với người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi súc vật, gia cầm cũng như các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết thì phải báo ngay cơ quan quản lý. Người dân sống trong vùng mà có gia cầm ốm chết có hiện tượng sốt ho khó thở ngay lập tức đến ngay các cơ sở y tế thì được khám, chẩn đoán và điều kiện kịp thời. Khi xuất hiện cúm gia cầm mà dấu hiệu lây lan sang người thì phải lập tức khoanh vùng dịch để triển khai biện pháp. Đặc biệt là cần ăn chín uống sôi và rửa tay sạch trước khi ăn.
Về dịch tễ học thì chưa có hiện tượng lây từ người sang người mà chỉ có từ gia cầm sang người. Tuy nhiên, dịch bệnh gia cầm trên thế giới như Trung Quốc, Campuchia và một số nước đã xuất hiện rải rác từ năm ngoái đến năm nay. Tôi nghĩ rằng vẫn có sự nhận định sẽ có các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện và khả năng lây lan từ gia cầm sang người là rất cao
PV: Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đang triển khai các biện pháp gì nhằm phòng ngừa bệnh dịch nguy hiểm này?
Ông Nguyễn Lương Tâm: Sau khi nghe thông tin một bệnh nhân như vậy thì chúng tôi đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang phối hợp với Sở Y tế, đặc biệt là Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Khánh Hòa lập tức điều tra dịch tễ ca bệnh, điều tra ổ dịch. Cục Y tế dự phòng cũng đã có văn bản số 225 ngày 22 /3 chỉ đạo Sở Y tế Khánh Hòa và CDC Khánh Hòa về việc triển khai các biện pháp đáp ứng chống dịch, điều tra dịch tễ học. Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở tế trên địa bàn tỉnh giám sát đặc biệt tại các ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn
PV: Xin cám ơn ông về thông tin vừa cung cấp
Theo Bộ Y tế, cúm A/H5N1 là vi rút cúm lây từ gia cầm sang người thông qua việc hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) từ những con vật bị nhiễm bệnh. Khi virua tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ, sau đó nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể. Điều này khiến hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi nhanh chóng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng: sốt cao, đau đầu, rét run, tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, bị đau ngực, ho…có tiền sử tiếp xúc với gia cầm cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.