Sâu đầu đen "tấn công" làm nhiều vườn dừa xơ xác

VOV.VN - Sau Bến Tre, hiện nay sầu đâu đen đã “tấn công” vào vườn dừa tỉnh Tiền Giang. Đây là loại sâu bọ cắn phá lá dừa, trái dừa dẫn đến chết cây mức độ lây lan và nguy hiểm nhất so với các loại sâu bọ khác; trong khi đó các giải pháp ứng phó để tiêu diệt loại sâu bọ này rất khó khăn, tốn kém.

 

Tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vừa qua bệnh dịch tả heo Châu Phi gây thiệt hại nặng nề, nay lại phải đối đầu với con sâu đầu đen tấn công vườn dừa. Ông Trần Quốc Tuấn, nhà vườn trồng 4 công dừa tại ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông cho biết đã 4 lần phun xịt thuốc hóa học diệt sâu đầu đen nhưng vẫn còn tái phát.

“Sâu này nhiễm khoảng 3-4 tháng nay, nó ảnh hưởng lắm ăn lá làm lá héo lại và từ từ ăn trái luôn. Mình mua thuốc bảo vệ thực vật xịt diệt nó, nếu không xịt cây chết luôn. Nay thấy nó vẫn còn, chỉ đạt mấy chục phần trăm thôi. Bây giờ con sâu đang tấn công mạnh à, dân mình rầu lắm, mình sống nhờ vườn, khu vực này sống nhờ cây dừa thôi”, ông Tuấn cho biết.

Vườn dừa tỉnh Tiền Giang nhiễm sâu đầu đen hơn một năm qua, nhưng vài tháng nay bùng phát mạnh; trong đó xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là “tâm điểm” của dịch bệnh này. Toàn xã có diện tích dừa là 668ha; trong đó có  khoảng 192ha dừa với 442 hộ bị bệnh sâu đầu đen gây hại, có một số ít diện tích chậm phòng trị đã bị thiệt hại 100%. Biện pháp đối phó với sâu đầu đen của nhà vườn địa phương là dùng bình xịt điện phun thuốc hóa học vào ngọn dừa, lá dừa.

Song do vườn dừa tại đây nhiều năm tuổi, có cây cao hàng chục mét nên việc phun xịt thuốc rất khó khăn, nhiều nhà vườn còn chăn nuôi heo, gà dưới tán vườn dừa nên ngại phun thuốc hóa học. Đối với các hộ không có nhân lực, phương tiện phun xịt thuốc thì phải thuê mướn người phun thuốc với giá từ 10.000-12.000 đồng/cây. Như vậy mỗi công đất trồng dừa, mỗi lần phun xịt nhà vườn phải mất từ 150.000-200.000 đồng.

Bà Đồng Thị Xuân 68 tuổi tại xã Xuân Đông cho biết, gia đình sống nhờ 5 công vườn dừa nhưng vài tháng này sâu đầu đen gây hại, dừa rụng trái không có thu hoạch, phun thuốc 4 lần vẫn kém hiệu quả.

“Sâu nó ăn làm cây xụ bẹ xuống, trái cũng bị ăn luôn rớt xuống đất luôn, nguy hiểm lắm trước giờ đâu có đâu, xịt hoài không hết biết làm sao. Mình sống nhờ vườn dừa, mỗi tháng được vài triệu đồng, mấy tháng nay không có bán sâu ăn rụng hết. Bây giờ đề nghị nhà nước hỗ trợ tiền thuốc phun xịt, mình đã xịt nhiều lần mà không hết giờ không có tiền phun xịt nữa”, bà Xuân cho hay.

Sau khi sâu đầu đen bùng phát trên vườn dừa, chính quyền xã Xuân Đông đã phối hợp với huyện, ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh hướng dẫn người dân ngăn chặn dịch bệnh. Mỗi ấp đã thành lập 1 tổ đến vận động trực tiếp người dân để phun xịt thuốc. Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết, xã Xuân Đông có hơn 95% hộ dân có trồng cây dừa nên việc phòng chống dịch bệnh bảo vệ vườn dừa đang rất cấp thiết.

“Bây giờ xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập mỗi ấp một Tổ để xuống vận động, nắm tình hình. Thứ nhất điều tra cho chính xác diện tích bị thiệt hại; thứ hai vườn nào đã có xịt và xịt hiệu quả như thế nào để mình hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện. Riêng những hộ gia đình đơn chiếc xã sẽ nghiên cứu điều động lực lượng xung kích đến hỗ trợ mấy người này. Bây giờ xã có họp có làm tham mưu cho huyện, huyện cũng có mời nhà khoa học và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống rồi. Huyện cũng chỉ đạo bên khuyến nông phối hợp với UBND xã  điều tra, nắm lại tình hình này để có giải pháp”, ông Mười thông tin.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh sâu đầu đen đang xuất hiện nhiều trên địa bàn huyện Chợ Gạo với tổng diện tích 211ha dừa bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiều nhất là tại xã Xuân Đông với diện tích 192 ha; xã Hòa Định gần 17ha  và An Thạnh Thủy 1,5 ha; tỷ lệ nhiễm bệnh rất nặng, từ 60-70%, có một số khu vực tỷ lệ nhiễm 100%. Trong đó, có một số diện tích dừa bị nhiễm nặng gần như không còn khả năng phục hồi.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin về sâu đầu đen hại dừa,vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Nói chung mình đã làm hết rồi: quy trình có, tập huấn, hướng dẫn có, nhưng nông dân vùng này một số hộ nuôi heo, một số hộ trồng dừa bỏ đi làm ăn xa… Phần lớn nông dân chờ sự hỗ trợ của nhà nước, không chịu phun thuốc nên mới lây lan nhiều vậy. Mình đang xây dựng kế hoạch để xem có nguồn vốn nào chứ không đủ điều kiện công bố dịch nên các chính sách hỗ trợ là không có, mình hỗ trợ cho những người không có đủ điều kiện mua thuốc phun”.

Vườn dừa thương phẩm tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo cũng như các địa phương lận cận đang bị sâu đầu đen tàn phá. Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn chưa thể tiêu diệt được loại sâu bọ có hại này. Do đó các giải pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả phải có tính cộng đồng, đồng loạt và cấp bách mới có thể cứu vãn vườn dừa nơi đây.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hậu Giang tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Hậu Giang tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa có công văn chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Hậu Giang tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Hậu Giang tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa có công văn chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Hơn 2.600 ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị nhiễm sâu đầu đen
Hơn 2.600 ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị nhiễm sâu đầu đen

VOV.VN - Dù chính quyền, các ngành chuyên môn và người dân tỉnh Bến Tre đã áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng trị bệnh sâu đầu đen hại dừa nhưng loại sâu bọ này vẫn chưa giảm, có chiều hướng lây nhiễm cao.

Hơn 2.600 ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị nhiễm sâu đầu đen

Hơn 2.600 ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị nhiễm sâu đầu đen

VOV.VN - Dù chính quyền, các ngành chuyên môn và người dân tỉnh Bến Tre đã áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng trị bệnh sâu đầu đen hại dừa nhưng loại sâu bọ này vẫn chưa giảm, có chiều hướng lây nhiễm cao.

Bến Tre phát động phong trào phòng trừ sâu đầu đen hại dừa
Bến Tre phát động phong trào phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

VOV.VN - Để tạo phong trào rộng khắp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, UBND huyện Châu Thành đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bến Tre phát động phong trào phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa.

Bến Tre phát động phong trào phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

Bến Tre phát động phong trào phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

VOV.VN - Để tạo phong trào rộng khắp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, UBND huyện Châu Thành đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bến Tre phát động phong trào phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa.