Sẽ sớm trình Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Báo chí
VOV.VN - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đang khẩn trương chuẩn bị để báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề án xây dựng các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị Giao ban công tác báo chí tổ chức ngày 18/6, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý những bất hợp lý trong định mức kinh tế kỹ thuật, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 05. Thông tư này có những thay đổi căn bản để giúp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng và trình cơ quan chủ quản định mức kinh tế kỹ thuật để bám sát thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: "Đây là bước quan trọng để trả lại quyền tự quyết về phía các cơ quan báo chí, không còn một cái áo cả nước cùng mặc. Quy định trước đây tuy đúng pháp luật nhưng ưu tiên cao vào vấn đề kiểm soát chi nên các quy trình thẩm định đều tương đối chặt chẽ, có những lúc khó tháo gỡ. Giờ đây, quyền chủ động thuộc về cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết hỗ trợ khi có vướng mắc".
Liên quan đến Nghị định hướng dẫn Luật Giá, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, khi được ban hành quy trình thẩm định giá ở cấp Trung ương sẽ không phải thông qua Bộ quản lý ngành: "Các cơ quan báo chí không phải thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông để cho ý kiến về phương án giá nữa. Khi cơ quan chủ quản xây dựng phương án giá thì gửi thẳng Bộ Tài chính công bố giá tối đa. Sau đó, cơ quan báo chí sẽ ban hành giá cụ thể để thực hiện. Như vậy, một số những thể chế đã được ban hành, điều chỉnh theo hướng thuận tiện cho cơ quan báo chí trong việc khai thác nguồn kinh phí từ đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước. Và có thể áp dụng cách làm đó để tăng nguồn kinh phí cho hoạt động báo chí".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương chuẩn bị để báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề án xây dựng các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Báo chí.
Phát biểu về nội dung liên quan, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết sang ngày 20/6, sẽ chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng để xem xét tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Các cơ quan báo chí trước đây được Nhà nước nuôi một phần hay toàn bộ thì giờ đây phải chuyển đổi theo xu thế kinh tế thị trường. Nên chắc chắn bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn vì vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải lo tiền để nuôi nhau. Chúng tôi hứa sẽ xem xét vấn đề này hết sức nghiêm túc, phải làm sao theo xu thế phát triển, hội nhập nhưng vẫn đảm bảo sự chuyển đổi mượt mà. Đây là việc làm cực kỳ khó. Vì đang trong giai đoạn chuyển đổi, thái độ và cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí phải hết sức thận trọng, tránh những rủi ro", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Liên quan đến Thông tư số 05 của Bộ thông tin và Truyền thông quy định quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, truyền thông thuộc phạm vi quản lý Nhà nước vừa được ban hành hôm 14/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, những quy định, thể chế, cách ứng xử của những người có trách nhiệm với các cơ quan báo chí mỗi ngày một tốt hơn: "Có thể chưa trọn vẹn, chưa giúp hết mọi người, giải quyết hết mọi vướng mắc, nhưng ít nhất cũng đã nghĩ tới chúng ta, nghĩ tới những người làm báo. Tuy nhiên, sự nỗ lực phải đến từ hai phía, cả từ cơ quan Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan báo chí để giải quyết những khó khăn chung. Chúng ta đang chuyển đổi, vừa đi vừa dò đường, cần thận trọng, chia sẻ khó khăn.