Sẽ tăng viện phí?

Theo dự thảo đề án điều chỉnh viện phí mới nhất của Bộ Y tế, sẽ có 350 loại dịch vụ y tế tăng giá

Thông tin này khiến nhiều người lo lắng và không ít người đặt câu hỏi: Liệu tăng giá có đồng nghĩa với tăng chất lượng khám, chữa bệnh hay không?

Tăng từ 2,5 - 10 lần

Theo dự thảo, trong số 350 dịch vụ tăng giá lần này thì có 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7 - 10 lần. Mức giá của quy định cũ được ban hành từ năm 1995 thì BV hạng I chỉ được thu mỗi giường bệnh 4.000 - 18.000 đồng/ngày, BV hạng II được thu từ 2.500 - 16.000 đồng/ngày..., tiền khám trả cho bác sỹ 2.000 - 3.000 đồng/bệnh nhân. Trong khi đó, theo Bộ Y tế, chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải cho 1 giường bệnh hết khoảng 10.000 đến 17.000 đồng/ngày, tiền điện, nước, vệ sinh cũng khoảng 10.000 đồng/ngày, nếu giường ở phòng có điều hòa chi phí còn cao hơn nhiều.

Bởi vậy, dự thảo lần này dự kiến điều chỉnh tiền giường bệnh đối với trạm y tế xã lên 10.000đ/ngày, điều trị nội khoa ở các bệnh viện tối đa là 100.000đ/giường/ngày thì mới có thể bù đắp được các chi phí trực tiếp như điện, nước, chăn, đệm, bông băng, cồn gạc, vệ sinh, xử lý chất thải...

Cũng theo dự thảo, khung giá dự kiến tăng cao nhất với giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng độ 3,4 trên 70% diện tích cơ thể là 150.000 đồng/ngày (tăng khoảng 8 lần so với giá cũ) do phải theo dõi, chăm sóc đặc biệt, sử dụng điều hòa 24/24 giờ, có chạy máy thở.

Nguyên nhân điều chỉnh tăng được Bộ Y tế giải thích: giá vật tư, hóa chất tính theo thời giá hiện nay tăng rất cao so với năm 1995. Ví dụ, giá găng tay từ 200 - 300 đồng lên 2.500 - 3.000 đồng/chiếc, có loại dùng cho chuyên khoa 6.000 - 7.000 đồng/chiếc; chỉ phẫu thuật trước đây chủ yếu dùng loại không tiêu, phải cắt, giá 1.000 - 2.000 đồng/sợi, nay dùng chỉ tự tiêu giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/sợi. Viện phí hiện nay thu theo dịch vụ, nên nếu có điều chỉnh viện phí thì chỉ người bệnh nào sử dụng các dịch vụ trong số 350 dịch vụ này mới phải trả thêm tiền.

Việc điều chỉnh khung giá lần này vẫn theo nguyên tắc thu một phần viện phí. Đó là khung giá chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp và các chi phí hành chính trực tiếp phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị... Các khoản đã được ngân sách Nhà nước chi thì sẽ vẫn giữ nguyên mức giá cũ.

Người bệnh lo lắng

Khi mọi việc đang được bàn thảo để đi đến thống nhất thì tại nhiều BV, việc tăng giá khám và giá các dịch vụ y tế đã được triển khai từ trước đó. Giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được các bệnh viện điều chỉnh tăng từ 10 - 15%, một số dịch vụ còn tăng tới 20 - 30%. Theo khảo sát, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, mức thu khám bệnh đều từ 30.000 - 50.000 đồng/lượt, giá một giường bệnh từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Các dịch vụ xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X- Quang, nhổ răng... hiện đã cao gấp nhiều lần so với mức quy định. CT bụng, CT tuyến vú, ngực, phổi (có CE) đều đã ở mức 1 triệu đồng/lần; chụp CT toàn thân (có CE) lên tới 2,5 triệu đồng. Một xét nghiệm máu, nước tiểu với vài chỉ số thông thường cũng tốn vài trăm nghìn đồng. Các dịch vụ thăm khám sử dụng máy móc càng hiện đại thì giá cả càng đắt gấp nhiều lần.

Khi được hỏi về việc sắp tăng giá 350 loại dịch vụ y tế, hầu hết các bệnh nhân đều tỏ ra lo lắng và băn khoăn liệu tăng giá thì chất lượng khám chữa bệnh có được tăng lên hay không? Chị Minh ở Hà Tĩnh, đang phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai nghẹn ngào nói: “Đi viện xa nhà, rất tốn kém. Chúng tôi phải bán cả gà, lợn, gom góp vay mượn được vài triệu để chữa bệnh, vậy mà mới hơn một tuần đã gần hết, đấy là tôi còn có thẻ BHYT. Viện phí thời gian tới mà tăng thêm vài lần nữa thì chắc không chịu nổi”.

Chị Nguyễn Thị Loan ở Thanh Hóa đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y, Hà Nội cho biết, chị định chụp CT nhưng khi nhân viên báo giá 1.800.000 tiền chụp thì chị đành chuyển sang chụp X- quang. “Điều tôi quan tâm là tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh liệu có làm chất lượng khám chữa bệnh tăng lên theo hay không?”, chị Loan băn khoăn.

Chị Hồng Hạnh ở Phan Chu Trinh, Hà Nội cho rằng, bây giờ Bộ Y tế mới bàn đến giá viện phí nhưng thực tế hầu hết các bệnh viện cả tư và công đều đã áp dụng giá như đang dự tính từ lâu rồi. Tăng viện phí là cần thiết nhưng phải có cơ cấu giá cụ thể và không thể xây dựng giá viện phí mỗi bệnh viện mỗi khác. Cần phải thống nhất giá chứ không thể giá quy định một đằng nhưng lại thu viện phí một nẻo khiến người bệnh đã khổ càng thêm khổ.

Dự thảo tăng viện phí, dù sắp tới có được thông qua hay không thì trên thực tế, giá viện phí vẫn tăng một cách đều đặn và định kỳ. Do đó, việc đưa ra một quy định chính thức, về cơ bản cũng chỉ là để hợp thức hóa các mức viện phí hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi đang đặt ra đó là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện đã thực sự tương xứng với mức viện phí hiện nay chưa khi mà còn tình trạng 5 - 7 người bệnh/giường?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên