Sẽ xử lý nghiêm đối tượng “ăn chặn” quà Tết của người nghèo
VOV.VN - Bộ LĐTB&XH đang tập trung rà soát đối tượng thiếu đói, có chính sách hỗ trợ kịp thời, để không có hộ nào thiếu lương thực dịp Tết.
Với tinh thần không để một hộ dân nào thiếu đói dịp Tết Giáp Ngọ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Bảo trợ xã hội tập trung rà soát đối tượng thiếu đói trong thời gian qua để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời sẽ xử lý nghiêm những đối tượng “ăn chặn” tiền, quà Tết của hộ nghèo.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Thái Phúc Thành, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ông Thái Phúc Thành, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. |
PV: Thưa ông, việc rà soát và thống kê những đối tượng thuộc diện được cứu trợ khẩn cấp dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ được Cục Bảo trợ xã hội triển khai như thế nào?
Ông Thái Phúc Thành: Chúng tôi đang ưu tiên hàng đầu là rà soát các nhóm thiếu đói, thực hiện các chính sách hỗ trợ lương thực cho người dân sau các đợt thảm họa thiên tai vừa rồi.
Năm nay, theo số liệu thống kê đến thời điểm này có 11 tỉnh đã có đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết, với số lượng khoảng 20.000 tấn, gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận và 2 tỉnh vừa có văn bản là Kon Tum và Ninh Bình.
Tỉnh có số lượng gạo đề nghị lớn nhất là Quảng Bình là 5.200 tấn, Nghệ An khoảng 4.200 tấn và Quảng Trị là 4.289 tấn. Mấy tỉnh này đều có đề xuất số lượng lớn là do vừa qua ảnh hưởng rất nặng của các cơn bão số 11, 14 và 15.
PV: Thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều, vậy làm thế nào để gạo cứu trợ đến được tận tay người nghèo, thưa ông?
Ông Thái Phúc Thành: Theo quy định của Chính phủ, các tỉnh có đề xuất hỗ trợ gạo phải có tổng hợp đầy đủ về số lượng người cần được hỗ trợ. Sau đó mới tính ra mức của Chính phủ và tính ra tổng số.
Hiện nay, có một số tỉnh vừa rồi bị thiên tai vẫn đang phải rà soát lại tình hình thiếu đói, bởi vì phải tổng hợp số liệu chi tiết từ dưới cơ sở cho đảm bảo chính xác. Chúng ta không quy định hạn cuối cùng, nhưng chúng ta đang nỗ lực, cố gắng để hỗ trợ bà con trước Tết.
Chúng tôi đang cố gắng để làm các thủ tục trình Chính phủ ký ban hành và xuất gạo sớm để hỗ trợ cho bà còn. Còn chính sách chung thì Bộ đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thúc đẩy các hoạt động rà soát và nắm lại tình hình hỗ trợ Tết.
Hiện nay chưa có thông tin chính thức là các tỉnh sẽ xử lý vấn đề đối với hộ nghèo về mức như thế nào, nhưng chắc chắc sẽ có thông tin sớm. Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc sử dụng ngân sách đảm bảo xã hội và các nguồn vận động từ địa phương để đảm bảo chắc chắn rằng không để hộ nghèo nào thiếu lương thực trong dịp Tết. Còn quà thì hiện nay phân cấp cho các địa phương đang triển khai.
PV: Thưa ông, việc một số địa phương để xảy ra tình trạng bớt xén quà Tết, tiền và gạo cứu trợ của người nghèo hầu như năm nào cũng xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, vậy chúng ta có biện pháp gì để ngăn chặn, thưa ông?
Ông Thái Phúc Thành: Vừa rồi, hầu hết các vụ “ăn chặn” và có sai phạm trong việc cấp gạo cứu đói cho người dân phần lớn do các phóng viên báo chí phát hiện ra, nhưng nhìn lại trong năm 2013 vừa qua, mức độ vi phạm trong lĩnh vực này so với các năm trước đó là rất ít.
Năm 2012 có khoảng 8 đến 9 vụ bị đưa lên báo chí. Việc kiểm tra hiện nay rất thường xuyên, đã phân cấp cho địa phương và đây thực sự là vấn đề được Đảng bộ, chính quyền các cấp rất quan tâm. Vì vậy mà ngay ở Bộ thì chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc của ngành xuống tận cấp cơ sở. Còn ở địa phương đã phân cấp và tỉnh có trách nhiệm xử lý việc này. Chúng tôi rất mừng là năm 2013 sai phạm này đỡ hơn nhiều.
Những sai phạm thì có quy định của pháp luật và chúng ta phải xử lý theo quy định của pháp luật. Còn vấn đề đạo đức mới là quan trọng. Chúng ta phải làm sao tuyên truyền để thấy được giá trị của công việc và cái vi phạm mang tính đạo đức để người ta tự nhận thức được vấn đề đó thì tốt hơn. Còn đương nhiên các vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông./.