Sinh viên tìm giải pháp đổi mới, tự tin hội nhập quốc tế
VOV.VN -Kỹ năng xã hội, tin học, ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử... của sinh viên Việt Nam hiện nay còn thiếu và yếu trong quá trình hội nhập.
Bước sang ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013-2018), sáng nay (28/12), tại trung tâm thảo luận số 2- Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) đoàn đại biểu có phiên làm việc với chủ đề “Sinh viên Việt Nam tự tin hội nhập”.
Trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn thiếu và yếu
Hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại trên thế giới, học hỏi những cái mới, tiến bộ của thế giới.
Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều đại biểu cho rằng sinh viên Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức lớn, đó là: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên nhìn chung còn thấp. Các kỹ năng để làm việc trong môi trường hiện đại, môi trường làm việc có yêu cầu cao về các kỹ năng xã hội, tin học, giao tiếp ứng xử… của sinh viên còn thiếu và yếu.
Các đại biểu thảo luận tại trung tâm thảo luận số 2- Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) trong sáng nay (28/12) |
Bạn Nguyễn Ngọc Tú-Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông (ĐH Thái Nguyên) cho rằng trình độ ngoại ngữ là điều kiện hàng đầu để hội nhập. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thiếu và yếu, đặc biệt là khả năng giao tiếp làm hạn chế quá trình giao lưu, hội nhập với bạn bè quốc tế. Sinh viên Việt Nam đang học ngoại ngữ theo cách nặng nề, truyền thống, ngại va chạm, ít giao lưu.
Bạn Tú kiến nghị: “Tại các trường ĐH, CĐ của nước ta hiện nay có rất nhiều sinh viên nước ngoài đang theo học. Theo đó, các bạn có thể tổ chức học nhóm, sinh viên Việt Nam giúp đỡ sinh viên nước ngoài về Tiếng Việt, và ngược lại các bạn nước ngoài sẽ hỗ trợ về ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam. Thứ 2, chúng ta cần có kiến thức nền tảng, am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa của dân tộc mình để “hội nhập” chứ không “hòa tan”. Thứ 3, sinh viên tự học hỏi, rèn luyện bản thân, tích cực tham gia các chương trình văn hóa, thể dục thể thao từ đó có thể tự tin bước vào hội nhập”.
Đồng quan điểm với Tú, bạn Phan Thị Hà My, đại diện đến từ trường ĐH Đà Nẵng đóng góp thêm: “Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình về ngoại ngữ nhằm tạo sân chơi cho sinh viên cả nước được giao lưu, học hỏi từ đó tăng cường khả năng giao tiếp. Và bản thân mỗi sinh viên cũng cần thường xuyên trau dồi, cập nhật thông tin quốc tế để sinh viên Việt Nam không bị lạc lõng, cô lập trong vòng hội nhập”.
Hoạt động cho sinh viên chưa đầu tư đúng mức
Nhiều đại biểu cho rằng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ VIII, trong 5 năm qua, các cấp bộ Hội đã chú trọng tổ chức các hoạt động tạo môi trường giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế. Phong trào học tập, câu lạc bộ, hoạt động gắn với sự kiện lịch sử, chính trị, ngoại giao cho đến các hoạt động đưa sinh viên Việt Nam hoạt động tình nguyện quốc tế, đón sinh viên quốc tế hoạt động tình nguyện tại Việt Nam… được Hội Sinh viên các cấp tổ chức thường xuyên.
Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng, để hội nhập của Hội Sinh viên chưa thực sự toàn diện, chưa đầu tư đúng mức và đồng đều. Trong thời gian qua, nhiều cơ sở Hội đang lúng túng, thậm chí tổ chức không hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường cho sinh viên hội nhập. Điều đó đang là một thách thức lớn với các cấp bộ Hội khi đất nước ta đang tích cực tham gia các hoạt động hội nhập.
Trước những thách thức và cơ hội để sinh viên Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế, các đại biểu kiến nghị: Tổ chức Đoàn, tổ chức Hội Sinh viên cần làm tốt hơn chức năng dẫn dắt, định hướng cho giới trẻ nói chung và thanh niên nói riêng. Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp cần làm tốt hơn công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cho sinh viên, đặc biệt trong lĩnh vực hội nhập; Quan tâm, tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện hội nhập; Quan tâm thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên những nơi không đủ điều kiện, trong đó có hội sinh viên ở nước ngoài; Quan tâm tới cơ chế chính sách, phát huy nhân tài trẻ, tạo sự lan tỏa đến các đối tượng nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng./.