Số hóa thông tin, phục dựng chân dung liệt sĩ bằng AI
VOV.VN - Để chúng ta có được một cuộc sống yên bình như ngày hôm nay, nhiều thế hệ cha ông đã phải đánh đổi, hy sinh thanh xuân và cả cuộc đời.
Có nhiều cách để thế hệ trẻ bày tỏ lòng biết ơn với các lớp chiến sĩ, liệt sĩ đi trước. Một trong số đó là sử dụng công nghệ để số hóa thông tin, dữ liệu các nghĩa trang nhằm tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ vô danh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để “vẽ” lại chân dung, khôi phục bối cảnh của họ trên chiến trường, hoặc ghép ảnh với các thành viên trong gia đình.
Nhận thấy, mong muốn sở hữu những bức hình đẹp, sắc nét và sống động của các liệt sĩ là một tâm nguyện rất lớn của nhiều gia đình, một nhóm các kỹ sư công nghệ và nghệ sĩ AI đã tái khởi động dự án “Lietsi.com” và đưa dự án bước vào giai đoạn 2: Làm giàu thông tin dữ liệu.
Có bác trai là liệt sĩ, hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam từ khi còn chưa được sinh ra, anh Nguyễn Công Cường (ở Hà Nội) chỉ được nghe kể giai thoại về ông qua lời của cha.
Do gia đình chưa tìm được mộ của bác trai, những bức ảnh còn sót lại thì đã quá cũ, anh Nguyễn Công Cường, vốn là một chuyên gia thiết kế, đã ấp ủ việc phục dựng hình ảnh về bác trai, theo đúng nguyện vọng, mong mỏi của các thành viên trong gia đình: “Cách làm của mình là tái tạo hình ảnh liệt sĩ ấy theo kiểu mới. Có thể là được ngồi cạnh những người thân trong gia đình, ngồi cạnh đồng đội, đứng một mình, chân dung, cầm súng hay mặc quân phục. Về chất lượng rất tốt phù hợp in chân dung khổ lớn. Như cách làm ngày xưa để làm bức tranh như thế, thì các họa sĩ phải vẽ lại mất nhiều thời gian cả tuần, chi phí rất cao. Nhưng bây giờ, với công nghệ AI, vẫn bức tranh ấy chỉ cần 5-7 phút là hoàn thành”
Kết quả, bức ảnh bác trai ngồi bên cạnh khoác vai bố mà anh Cường đăng trên trang cá nhân đã thực sự gây ấn tượng mạnh với cộng đồng. Đây không phải ảnh làm nét hoặc phục dựng mà là một bức ảnh hoàn toàn mới, được hỗ trợ vẽ bằng trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua trí tưởng tượng của người còn sống.
Sau đó, anh Cường đã phối hợp cùng các cộng sự như Nguyễn Văn Khánh ở nhóm AI Comic và Lê Công Thành ở dự án “Lietsi.com” để cụ thể hóa và lan tỏa cách làm này.
Được biết, dự án “Lietsi.com” được anh Lê Công Thành khởi xướng xây dựng từ năm 2011 với mục tiêu tìm mộ các liệt sĩ vô danh. Đến nay, cùng với sự chung tay của cộng đồng, 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc đã được hoàn thành số hóa tại website lietsi.com.
Sử dụng AI để khôi phục dữ liệu, làm sống động hình ảnh các liệt sĩ cũng là giai đoạn 2 của dự án này. Ưu điểm của AI là dù tấm hình liệt sĩ có mờ ố, chụp ở góc độ nào, thì vẫn phục dựng được, thậm chí chỉ cần có mô tả và hình ảnh ai đó giống liệt sĩ, AI cũng cho ra kết quả rất khả quan.
Anh Nguyễn Công Cường chia sẻ thêm: “Bên mình có liên kết với Lietsi.com, phục dựng lại miễn phí hình ảnh của các liệt sĩ ấy. Chúng mình cũng có thể đào tạo cho các cá nhân ở các địa phương để họ tự làm chủ được công nghệ, tự phục dựng lại được hình ảnh người thân trong gia đình, hoặc cho các trường hợp gia đình có liệt sĩ tương tự tại các tỉnh thành đó”.
Tháng 3/2023 vừa qua, nhóm anh Thành, Cường và Khánh bắt đầu phục dựng hình ảnh 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc đã hy sinh anh dũng vào trưa 24/7/1968 sau trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống.
Từ dữ liệu bức hình mờ nhòe được chụp và khắc trên bia mộ, sau khi phục dựng xong hình ảnh của liệt sĩ Võ Thị Hà, cả nhóm đã lặng đi vì xúc động. Cô em út (hy sinh khi mới 17 tuổi) của tiểu đội, Võ Thị Hà được tái hiện sinh động, toát lên thần thái xinh đẹp, anh dũng, kiên cường trong bối cảnh cầm súng đi chiến đấu trong rừng cùng các đồng đội.
Chứng kiến những bức ảnh ấy, anh Nguyễn Văn Chiến, ở Hà Nội, tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ công nghệ có thể tiến xa được như vậy, giúp phục dựng những bức ảnh liệt sĩ năm xưa đến mức không phân biệt nổi đâu là người thật: “Về công nghệ ngày xưa, để có được một bức ảnh đẹp, sắc nét đã khó rồi. Huống hồ sau vài chục năm thì những bức ảnh ấy không thể nguyên vẹn. Tôi cho rằng, đây là cách để những người thân trong gia đình có liệt sĩ có thể có góc nhìn tốt hơn, ảnh sắc nét, chân thực hơn để lưu giữ kỷ niệm với họ. Tôi nghĩ đây là một cách làm mang giúp ích rất nhiều về mặt tinh thần cho các gia đình, thân nhân”.
Ngay sau khi biết đến dự án phục dựng dữ liệu miễn phí cho các liệt sĩ từ nhóm AI Comic và “Lietsi.com”, chị Lê Minh Mận (ở Thanh Hóa) đã liên hệ với nhóm, mong muốn được hỗ trợ. Bởi người thân của chị chỉ còn ảnh chân dung mờ, không rõ nét, đang được dùng làm ảnh thờ: “Trong gia đình tôi có một bác trai là liệt sĩ. Bác tôi hy sinh năm 1968 chiến trường Quảng Trị thời kháng chiến chống Mỹ. Thời đó bác 20 tuổi, mà hiện tại gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thì tôi có một người bạn là anh Cường, thấy anh ấy vẽ tranh bằng AI một bức ảnh có bác trai và bố anh ấy, tôi thấy vô cùng xúc động. Và cũng mong sẽ được hỗ trợ vẽ lại một bức chân dung bác tôi, vì bức ảnh hiện tại đã quá mờ và cũ rồi”.
Anh Nguyễn Công Cường khẳng định, tâm nguyện của anh và các cộng sự là góp một phần nhỏ lan tỏa những việc làm có ý nghĩa. Nhóm sẵn sàng chia sẻ các kiến thức, kỹ năng miễn phí cho mọi cá nhân muốn tự tay ứng dụng AI để số hóa, phục dựng thông tin của các liệt sĩ.
Bởi lẽ, làm sống lại một phần hình ảnh của những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do, hòa bình của Tổ quốc là công việc, trách nhiệm và vinh dự không của riêng ai: “Dự án của chúng mình muốn tạo ra được cộng đồng có thể tự vẽ được bằng công nghệ này. Các gia đình cũng có thể gửi thông tin về cho chúng mình để giúp tái hiện lại hình ảnh của người liệt sĩ ấy. Chúng mình muốn lan tỏa sự tri ân tới các thế hệ liệt sĩ đi trước, những người đã ngã xuống để cho chúng mình có được ngày hôm nay”.