Sơn La: Bấp bênh cuộc sống tái định cư ở thị xã Mường Lay
VOV.VN - Thiếu đất sản xuất không chỉ là nỗi lo của các hộ dân bản Quan Chiêng, mà cũng là nỗi lo chung của hơn 4.000 hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Gần 10 năm trôi qua kể từ khi được di vén lên cao do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, nhưng do thiếu đất sản xuất, cuộc sống người dân thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên vẫn rất bấp bênh.
Gia đình ông Vàng Văn Vượng, bản Quan Chiêng, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên trước đây có gần 1.000 m2 ao cá và hơn 2.500 m2 ruộng. Tuy nhiên, kể từ ngày di chuyển về nơi ở mới năm 2009, nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.
Người dân đang vất vả cải tạo lại đất bán ngập ven suối Nậm Lay
|
Ngay khi về đây, gia đình cũng được chia đất sản xuất, nhưng là đất bán ngập lòng hồ thủy điện, nên mỗi năm gia đình chỉ làm được một vụ, cho thu hoạch từ 7 đến 8 tạ thóc. Hơn nữa, đất vùng lòng hồ thường là đất axit và nhiều cát, muốn trồng trọt phải cải tạo rất vất vả, đã vậy cây trồng lại cho năng suất không cao.
Trong 6 tháng nước ngập, ban đầu, gia đình cũng mạnh dạn đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua vật tư nuôi cá lồng, nhưng thời gian ngắn, cá không kịp lớn để thu hoạch. Vì vậy, sau 1 vài vụ nuôi thử, đến nay toàn bộ vật tư nuôi cá đã bỏ không.
Ông Vàng Văn Vượng cho biết: “Gia đình thì còn nhiều cái khó khăn lắm, bây giờ đất sản xuất bị thu hẹp, chăn nuôi thì không xử lý được vệ sinh môi trường, muốn chăn nuôi nhiều nhưng mà nó hôi, bốc mùi, không giám chăn nuôi nhiều. Mong rằng là các cấp chính quyền quan tâm, có nguồn hỗ trợ về cả sản xuất và chăn nuôi”.
Không chỉ riêng gia đình ông Vượng, mà gần 50 hộ dân bản tái định cư Quan Chiêng, cuộc sống cũng rất bấp bênh. Trưởng bản Lò Văn Thường cho biết: Trước đây, khi còn được Nhà nước hỗ trợ lương thực; cộng với thu nhập của bà con từ việc làm thuê cho các doanh nghiệp thi công các công trình trên địa bàn, cuộc sống người dân cũng tạm ổn định.
Từ 2 năm qua, bản đã không còn hộ nghèo. Tuy nhiên tới năm 2016, theo quy định, các hộ dân tái định cư không được hỗ trợ lương thực nữa; các công trình thi công cũng hoàn thành, người dân muốn quay về nghề nông truyền thống thì không còn đất sản xuất, nên khả năng tái nghèo của các hộ là rất cao.
Đất bán ngập có chất đất xấu nên bà con phải cải tạo lại nhiều
|
Ông Lò Văn Thường nói: “Nếu tình trạng như này, sợ nhất bây giờ là có hộ tái nghèo, chúng tôi rất lo chỗ, làm thế nào giữ được bản văn hóa này cũng khó. Nếu tình trạng thế này thì không nói gì bản chúng tôi mà cả bản khác cũng sẽ có hộ tái nghèo”.
Thiếu đất sản xuất không chỉ là nỗi lo của các hộ dân bản Quan Chiêng, mà cũng là nỗi lo chung của hơn 4.000 hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền thị xã Mường Lay đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp ổn định đời sống nhân dân như: Trình chính phủ đề án “Hậu tái định cư”; vận động nhân dân khai hoang đất, đặc biệt là tận dụng nguồn đất bán ngập; đầu tư hệ thống thủy lợi để tăng thêm diện tích sản xuất; đầu tư thâm canh tăng vụ đối với diện tích còn lại. Cùng với đó là phát triển nhiều loại hình du lịch trên địa bàn...
Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất rất nhiều nội dung về đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp để ổn định đời sống cho nhân dân và đảm bảo vấn đề giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động tái định cư. Đồng thời quy hoạch phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La thì tiếp tục đầu tư khôi phục và phát triển du lịch cộng đồng, làng bản theo bản sắc dân tộc Thái trắng”.
Để dòng điện tỏa sáng muôn phương, nhiều hộ dân ở Thị xã Mường Lay đã sẵn sàng di chuyển về nơi ở mới. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua mà cuộc sống vẫn chưa thể ổn định. Có thêm đất sản xuất và được học hỏi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác. Đây là mong mỏi lớn nhất của bà con địa phương lúc này./.