Sơn La tăng cường các giải pháp để bảo vệ môi trường trong mùa sơ chế cà phê
VOV.VN - Tỉnh Sơn La có hơn 30.000 ha diện tích cà phê. Hàng năm, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, trên địa bàn thường xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do một số cơ sở chế biến chưa đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm.
Đang là mùa thu hoạch, chế biến cà phê, nhưng dọc tuyến Quốc lộ 6, đoạn từ thành phố Sơn La đến huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La những ngày này không còn tình trạng hộ dân tự ý sơ chế cà phê như trước, thay vào đó, các hộ trồng cà phê đã trực tiếp bán quả cà phê tươi cho các đại lý, doanh nghiệp thu mua tập trung để bảo vệ môi trường.
Gia đình anh Quàng Văn Tính ở bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La là một trong các đại lý thu mua quả cà phê tươi trên địa bàn. Có diện tích rộng hơn 4.000 m2, mỗi ngày cơ sở của anh Tính thu mua, sơ chế khoảng hơn 30 tấn cà phê quả, tuy nhiên, xưởng sơ chế cà phê của gia đình vẫn được đánh giá là chưa đáp ứng các tiêu chí về môi trường.
Thực hiện cam kết với UBND thành phố Sơn La, mùa cà phê năm nay, gia đình anh không thực hiện sơ chế cà phê tại xưởng của gia đình, mà mang tất cả số cà phê đã thu mua đến cơ sở sơ chế tại thành phố Sơn La, cách nhà gần 20km để sơ chế, sau đó mới mang về xưởng để phơi, sấy nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là bảo vệ an toàn hành lang nguồn nước của thành phố Sơn La.
“Thành phố quán triệt, bảo ô nhiễm nguồn nước thi gia đình cũng chấp hành, chuyển cà phê đi nơi khác sơ chế, quá trình cũng tốn kém những gia đình khắc phục và chấp hành theo thành phố quán triệt để bảo vệ môi trường”, anh Quàng Văn Tính nói.
Là một trong 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn, được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cát Quế ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ hoạt động chế biến cà phê với trị giá gần 10 tỷ đồng, gồm: hố gom, tách rác nước thải; hố thu nước rỉ cà phê; bể biogas; hồ trung gian, hồ quan trắc; hồ chứa nước thải sau xử lý... Đồng thời, xây dựng thêm bể lọc tạp chất trước khi đưa nước từ hệ thống biogas vào cụm xử lý; bể nuôi cấy vi sinh vật hỗ trợ cho hệ thống xử lý biogas, đảm bảo theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Anh Phạm Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cát Quế cho biết, để bảo vệ môi trường, nguồn nước, bên cạnh hệ thống xử lý nước thải, Công ty còn nghiên cứu, sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê và nước thải chế biến cà phê. Các loại phụ phẩm này trước đây được coi như thứ bỏ đi, nay được ủ làm phân vi sinh phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Những việc làm đó một lần nữa thể hiện quyết tâm của Công ty trong việc đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn hành lang nguồn nước và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La.
“Hiện tại, chúng tôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Sở Tài nguyên và môi trường đưa ra. Hiện giờ, phân vi sinh cũng là nguồn thu một phần để chúng tôi tái đầu tư vào chi phí sản xuất, kể cả nước cà phê chúng tôi cũng sản xuất, chế biến thành phân vi sinh nước để bán lại cho bà con và thu lại một nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ cho sản xuất”, anh Phạm Thắng cho hay.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 30.000ha cà phê, sản lượng quả tươi năm nay ước đạt 400.000 tấn, trong đó, 99% sản lượng cà phê tươi sẽ được sơ chế thành cà phê nhân phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để đảm bảo việc tiêu thụ cà phê cho người dân, cũng như chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong sơ chế, chế biến cà phê, thời gian qua, các huyện, thành phố của tỉnh Sơn La đã thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản; ký cam kết với các cơ sở chế biến nông sản trong bảo vệ môi trường, nguồn nước; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có giải pháp hỗ trợ bà con thu hoạch, tiêu thụ, khuyến khích chế biến tại các cơ sở lớn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải.
Anh Lò Văn Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu cho biết: “Từ năm 2018 trở về đây, sát cà phê ở hộ gia đình hầu như là không có, bởi vì theo khuyến cáo bảo vệ môi trường thì sát nhỏ lẻ ở các hộ gia đình không đảm bảo về môi trường, thứ hai là tỷ lệ sát nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng hạt cà phê”.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, tỉnh Sơn La phấn đấu không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê, làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân, nhất là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn như những năm vừa qua./.