Sống thấp thỏm dưới chân núi Phú Gia
VOV.VN - Hàng chục hộ dân sinh sống dưới chân núi Phú Gia, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng bất an. Bởi khu vực này nguy cơ sạt lở mỗi mùa mưa bão. Đợt mưa gần nhất, chính quyền huyện Phú Lộc phải di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân dưới chân núi đến nơi an toàn. Trong khi đó, dự án di dời, tái định cư vẫn đang được xem xét.
Đã 5 ngày nay, bà Nguyễn Thị Quýt, 72 tuổi, trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến phải sang ở tạm nhà hàng xóm chưa thể trở về nhà. Những trận mưa lớn gần đây, bùn đất trên núi chảy xuống tràn vào bên trong nhà bà. Vào ngày 5/11, trời mưa rất lớn, khu vực đồi núi trước mặt khu dân cư, đất đá theo nước tuôn xuống vùi lấp vườn, tràn vào ngôi nhà của bà và gây nguy hiểm đối với hộ xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Quýt kể, tình trạng này cũng xảy ra nhiều năm qua, khiến người dân ở đây sống trong cảnh bất an vì nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa bão: “Trước khi nghe mưa, trên xã, trên huyện cũng về, yêu cầu bà con đi lên trên xóm hoặc đi lên trên nhà trường, còn ai có nhà con cái gần gũi thì ghé tới chở đi. Họ cũng không cho ở đây. Trừ tui đề nghị chính quyền trên ở nơi vạt ni, cho họ di dời, không ở chi đây được”.
Mấy năm nay, hàng chục hộ dân nằm ngay dưới chân núi Phú Gia sống trong cảnh thấp thỏm. Cứ dự báo mưa to là già trẻ lớn bé phải thu dọn đồ đạc, di dời đi, hết mưa, lại khăn gói về nhà. Đợt mưa vừa rồi, chính quyền ghi nhận trên núi Phú Gia xuất hiện một vết nứt dài khoảng 50m, rộng khoảng 4 mét, nguy cơ sạt trượt bất cứ lúc nào. 23 hộ dân với 88 nhân khẩu cùng các vật dụng đã được di dời đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, không cho người dân vào nơi nguy hiểm.
Ông Phan Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc cho biết, nơi đây được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao mỗi khi xảy ra mưa lũ: “Khu vực sạt lở vùng núi Phú Gia này, sạt lở rất lâu rồi. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với trên, đặc biệt là UBND tỉnh chỉ đạo Ban kinh tế khu công nghiệp tỉnh sớm có phương án thu hồi đất đối với các vùng dưới chân núi này, nguy cơ sạt lở rất là cao, bố trí tái định cư nơi khác, để người dân an cư lạc nghiệp, chứ không nên sống ở dưới thấp thỏm, ở dưới nguy cơ sạt lở cao này thì họ rất lo lắng”.
Trước đây, tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương di dời 14 hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá, các chuyên gia kiến nghị khu vực này cần di dời thêm 18 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng. Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh phối hợp với UBND huyện Phú Lộc lập dự án "Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia". Trong đó có hạng mục di dời, tái định cư 32 hộ dân với 122 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã lập dự toán và đề xuất đầu tư 65 tỷ đồng để di dời và tái định cư 32 hộ dân ở đây. Các hộ dân sẽ chuyển đến các khu tái định cư thuộc Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô: “Qua tính toán, ban đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 65 tỷ và di chuyển, đền bù giải phóng mặt bằng, bồi thường để di chuyển 32 hộ dân ảnh hưởng, lên các khu tái định cư ở tại khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, ổn định về mặt sinh hoạt, sản xuất cho bà con ở đây. Ban đang làm với tiến độ rất khẩn trương”.
Tại huyện Phú Lộc, ghi nhận 4 điểm nguy cơ sạt lở, tập trung ở xã Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Điền, Lộc Bình với hơn 70 hộ, hơn 220 nhân khẩu. Thời gian qua, khi các cơ quan liên quan phối hợp lập phương án di dời, tái định cư để đảm bảo an toàn cho các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở núi. Huyện Phú Lộc chỉ đạo địa phương đưa những hộ này vào danh sách sơ tán khẩn cấp.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm nay, Ban đã lập danh sách những nơi dễ xảy ra sạt lở, lũ quét để cảnh báo, đề nghị các địa phương có phương án di dân đến nơi an toàn. Trước mỗi trận mưa lớn, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đều có công văn đề nghị các địa phương ứng phó tình huống sạt lở, di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
“Về lâu dài, đối với tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát dự án di dời tái định cư để ổn định lâu dài hơn đối với các vùng sạt lở. Đặc biệt, khu vực Phú Gia, huyện Phú Lộc thì tỉnh đã giao cho các ngành liên quan cũng như địa phương, xây dựng một dự án để di dời đến nơi an toàn, tránh sạt lở đất ở vùng núi”, ông Đặng Văn Hòa cho hay.