Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở Đông Nam Bộ
VOV.VN - Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Thành phố Hồ Chí Minh được xem là tâm điểm dịch sốt xuất huyết với tổng số người nhập viện tính đến ngày 13/7 là 10.160 ca. Thành phố cũng chiếm 1/5 tổng số ca mắc sốt xuất huyết của cả nước. Đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết và 1 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết trên địa bàn.
Dịch sốt xuất huyết đang lây lan nhanh ở nhiều khu vực trên cả nước. Ảnh minh họa.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện đang quá tải do tâm lý người dân muốn được điều trị tại các bệnh viện lớn, không tin vào viện tuyến dưới. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí đã tiếp nhận khoảng 4.330 trường hợp sốt xuất huyết, tăng nhanh trong 7 tuần trở lại đây, trong đó hơn 40% là các bệnh nhân từ các tỉnh thành lân cận. Đã có 250 bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết và hơn 10 người bị biến chứng suy tạng nặng, phải thở máy và lọc máu để cứu sống.
Các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố cũng có hàng chục trẻ bị sốc sốt xuất huyết, phải thở máy. Hiện Sở Y tế đã và đang có dự án đào tạo và hỗ trợ tuyến dưới đủ sức điều trị bệnh sốt xuất huyết, lúc đó sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tại tỉnh Bình Dương, số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay khoảng 3.380 ca, cao thứ 3 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 ca phải điều trị do sốt xuất huyết. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân bị xuất huyết phức tạp cao với các tình trạng như: xuất huyết dạ dày, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu…
Ghi nhận gần 17.000 ca sốt xuất huyết trong tháng qua
Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đồng thời thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại ổ bệnh và các hộ gia đình.
Bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục công tác tuyên truyền để nhắc nhở người dân chủ động. Triển khai công tác giám sát ca bệnh, giám sát côn trùng cũng như là giám sát về huyết thanh virus học để mình phát hiện ra những ổ dịch nhỏ để mình xử lý kịp thời. Triển khai chiến dịch diệt loăng quăng ở một số xã tập trung nhiều ca bệnh”.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, số liệu mới nhất cho thấy toàn tỉnh đã có 2.257 ca mắc sốt xuất huyết. Từ đầu tháng 6 tới nay thì số ca mắc có chiều hướng tăng, đặc biệt tại huyện Nhơn Trạch số ca mắc tăng 176% so với cùng kỳ. Tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 1 ca tử vong và nhiều ca nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng, sốc, một vài trường hợp đã bị suy gan, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai nhận định, từ nay tới cuối năm số ca sốt xuất huyết có khả năng sẽ tăng cao. Đồng Nai là tỉnh duy nhất của cả nước thực hiện 4 vòng “chiến dịch” diệt loăng quang trong năm, trong khi theo yêu cầu của Bộ Y tế là 1 đến 2 vòng, huy động tối đa người dân cùng tham gia chiến dịch. Đặc biệt, có ổ dịch tại 2 xã Hiệp Phước và Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch từ đầu năm tới giờ tiến hành dập dịch nhiều lần nhưng không hết. Do đó, ngành y tế Đồng Nai có thể sẽ áp dụng phương pháp phun thuốc tồn dư diệt muỗi. Vì sao sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong năm nay?
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Phun tồn dư ở trong nhà, giống như nó thấm vào tường gọi là phun tồn dư. Hiện nay mình chưa áp dụng nhưng đang cho khảo sát, nếu được thì đầu tháng 8 sẽ tổ chức phun tồn dư ở đó. Về dập dịch thì phải chủ động, khi xác định có một ca sốt xuất huyết, trạm y tế phải xem xét ngay ở địa bàn, chỉ đạo trong vòng 48 tiếng phải tiến hành dọn vệ sinh và phun luôn”.
Trong tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, mới đây, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phòng chống sốt xuất huyết các tỉnh trọng điểm, đưa ra nhiều giải pháp để các tỉnh thành tăng cường đối phó với dịch bệnh này, trong đó bao gồm 10 tỉnh có tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết cao nhất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khẳng định, vai trò người dân trong việc diệt lăng quăng, làm sạch môi trường là yếu tố cốt lõi để giảm nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết./.