Sự cố chạy thận nhân tạo ở Thái Bình:Tạm thời an toàn, trong kiểm soát
VOV.VN -Đại diện lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, từ ngày 13/8 đến nay, không xuất hiện các ca biến chứng trong quá trình chạy thận.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình có 34 máy chạy thận. Mỗi ngày, bệnh viện thực hiện hơn 100 ca. BS CKII Lại Đức Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho biết, trước một số sự cố xảy ra trong quá trình chạy thận thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã yêu cầu Công ty TNHH Phương Đông (đơn vị cung cấp máy chạy thận cho bệnh viện) cung cấp cho bệnh viện 1 máy mới hoàn toàn. Tuy nhiên, chạy máy mới được 1 ngày, đến ngày thứ hai tiếp tục xảy ra sự cố.
Các bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. (Ảnh: BVCC) |
Kiểm soát chặt chất lượng nước
Ngày 17/8 vừa qua, bệnh viện tiếp tục mời các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) về làm việc, khảo sát, đánh giá quy trình chạy thận tại Bệnh viện. Các chuyên gia cho rằng, trước mắt, bệnh viện cần tiến hành thay toàn bộ số lượng quả lọc cũ và hệ thống nước qua màng lọc RO mới phù hợp với chủng loại của Bệnh viện Thận Hà Nội.
“Bệnh viện báo cáo UBND tỉnh và được tỉnh đồng ý xử lý việc mua quả lọc thận. Đến thời điểm này, không còn ca nào có biểu hiện rét run trong quá trình chạy thận như trước đó. Tạm thời, việc chạy thận vẫn an toàn, trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi”- ông Trí cho biết.
Ông Trí cũng cho biết, ngày 26/8, Viện Trang thiết bị, Bộ Y tế xuống làm việc với bệnh viện về hệ thống, quy trình chạy thận. Các chuyên gia tư vấn, đưa ra một số giải pháp trước mắt liên quan đến hệ thống cung cấp nước RO. Bởi, theo các chuyên gia, nước RO là do mình sản xuất, vì vậy, cần phải tăng cường kiểm soát chất lượng nước.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết, các nước phát triển trên thế giới không dùng bồn chứa nước RO, mà đưa nước từ máy lọc RO chạy thẳng trực tiếp vào trong máy chạy thận. Ở nước ta, tại tất cả các trung tâm chạy thận nhân tạo, đường ống dẫn nước từ bồn chứa đến các máy chạy thận đều gấp khúc dẫn đến nguy cơ ứ đọng nước và phát sinh vi khuẩn.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, về lâu dài, Bệnh viện sẽ đề xuất xin kinh phí đầu tư để có hệ thống chạy thận mới, đảm bảo an toàn cho người bệnh. |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, rút kinh nghiệm từ những sự cố chạy thận ở Hoà Bình, Nghệ An, thời gian tới, Bệnh viện tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các khâu chỉ định, giám sát, xét nghiệm các thông số… theo đúng quy trình, định hướng. Bệnh viện cũng đề xuất Sở Y tế tỉnh, Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật. Về lâu dài, Bệnh viện sẽ đề xuất xin kinh phí đầu tư để có hệ thống chạy thận mới, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Sở Y tế tỉnh Thái Bình chỉ đạo Bệnh viện tiếp tục thực hiện toàn diện các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho người bệnh, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh chạy thận nhân tạo. Trong đó, tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao đang sử dụng tại Khoa Thận nhân tạo. Tăng cường lực lượng cán bộ, kiểm soát tốt tình trạng người bệnh khi chạy thận, không để xảy ra diễn biến bất thường; Lắp đặt hệ thống RO2 để rửa quả lọc trước khi sử dụng cho người bệnh…/.
Người bệnh ký “bản cam kết” chấp nhận rủi ro khi chạy thận ở Thái Bình
Những nguy cơ tai biến nào từ chạy thận?