Sử dụng quỹ xã hội, quỹ từ thiện như thế nào cho hiệu quả và đúng luật?
VOV.VN - Để quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động hiệu quả, tránh vụ lợi thì quy trình giải ngân cần được đơn giản hóa, cụ thể, rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan; Cần bổ sung quy định cụ thể về tên, trụ sở hoạt động quỹ từ thiện, quỹ xã hội, tránh việc lợi dụng danh nghĩa, hình ảnh của quỹ từ thiện để trục lợi cá nhân.
Ngày 25/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Những quỹ này được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình; Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ, không phân chia tài sản.
Theo Ths. LS Hoàng Thị Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội), từ khi Nghị định số số 93/2019/NĐ-CP và Nghị định 93/2021/NĐ- CP của Chính Phủ có hiệu lực đến nay, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã phát huy được vai trò của mình. Trong đó, Quỹ xã hội thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đã tham gia huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; Quỹ từ thiện đã tích cực vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ, tài trợ giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, động viên… góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
LS. Hoàng Thị Hương Giang cho hay, các Nghị định trên đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động đúng theo quy định pháp luật và Điều lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân của các quỹ này.
Cụ thể, quy trình giải ngân quỹ còn phức tạp, chưa cụ thể, chưa đáp ứng nhu cầu kịp thời trong một số tình huống khẩn cấp. Các quy định hiện hành yêu cầu thủ tục phê duyệt, xác minh và giám sát kỹ càng để tránh lạm dụng lại làm cho quá trình giải ngân trở nên chậm trễ. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ hỗ trợ cho các cá nhân, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó, việc giải ngân các quỹ còn thiếu sự linh hoạt, đồng bộ. Nghị định này mới chỉ quy định mục đích thành lập quỹ nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận mà chưa có quy định về một số lĩnh vực khác như môi trường... là chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến tình trạng có nhiều quỹ có tiền nhưng vướng khâu giải ngân, dẫn đến việc nhiều người cần nhưng không được hỗ trợ kịp thời, không được phân bổ đồng đều trong các lĩnh vực.
Hiện nay đang có xu hướng gia tăng đề nghị thành lập quỹ gắn với tên riêng của các nhân, tổ chức có dấu hiệu vụ lợi hoặc gắn liền với tên các nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc anh hùng dân tộc và các chức sắc, tổ chức tôn giáo, trong khi Nghị định chưa có quy định về vấn đề này.
Một hạn chế nữa là thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Mặc dù có các quy định về kiểm tra, giám sát, nhưng việc thực thi thiếu chặt chẽ và minh bạch có thể dẫn đến tình trạng thất thoát, lạm dụng quỹ mà không bị phát hiện kịp thời.
Do đó, để sửa đổi và hướng hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện tránh vụ lợi và phát huy tính hiệu quả của quỹ thì quy trình giải ngân cần được đơn giản hóa, cụ thể, rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan. Đồng thời, nên thiết lập một cơ chế ưu tiên giải quyết nhanh các tình huống khẩn cấp; Cần bổ sung quy định cụ thể về tên, trụ sở hoạt động quỹ từ thiện, quỹ xã hội để tránh việc lợi dụng danh nghĩa, hình ảnh của quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm trục lợi cá nhân.
Cũng theo LS. Hoàng Thị Hương Giang, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện cần thực hiện nghiêm trách nhiệm công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định trên website của Bộ Nội vụ; Quỹ cần có hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ bên trong và bên ngoài để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, vụ lợi. Điều này bao gồm việc kiểm toán độc lập định kỳ. Cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người quản lý và các cá nhân, tổ chức liên quan khi phát hiện hành vi sai trái như vụ lợi, chiếm đoạt tài sản quỹ.
LS. Hoàng Thị Hương Giang chia sẻ, hoạt động từ thiện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, lá lành đùm lá rách. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để phát huy tốt vai trò của hoạt động từ thiện thì việc kêu gọi, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ thiện nên thông qua hoạt động của một quỹ từ thiện. Quỹ từ thiện phải được thành lập theo quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong một số trường hợp, để bảo đảm hiệu quả của hoạt động từ thiện, cần xem xét quy định mức sàn phải lập quỹ để hoạt động khi giá trị tài sản được vận động, quyên góp đạt đến mức giá trị sàn đó.
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các khoản quyên góp: cần quy định chi tiết về cách thức quản lý các khoản quyên góp từ cá nhân và tổ chức, bao gồm việc ghi nhận, báo cáo và công khai toàn bộ thông tin về số tiền, hàng hóa đã nhận.
"Cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, nên có những quy định cụ thể về việc xác định rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và sử dụng quỹ cũng như biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp vi phạm; Cần có cơ chế giám sát công khai, nên khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ vào việc giám sát hoạt động của các quỹ từ thiện, tạo sự minh bạch và trách nhiệm. Quỹ cần có trách nhiệm công khai tài chính định kỳ, bao gồm báo cáo thu, chi, mục đích sử dụng tiền, và kết quả hoạt động để đảm bảo lòng tin của người dân và cộng đồng », LS. Hoàng Thị Hương Giang cho hay.
Ông Nguyễn Minh Phong - Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội nêu quan điểm, để quỹ xã hội, quỹ từ thiện công khai minh bạch và phát huy hiệu quả như tên gọi thì phải xác định quỹ đó là nguồn từ đâu. Nếu là nguồn ngân sách Nhà nước thì phải quản lý theo luật ngân sách nhà nước cũng như các quy định có liên quan tới việc quản lý này. Nếu là xã hội hóa mà không giải ngân được thì đây là bất cập của cơ quan quản lý quỹ đó, nó gắn liền với điều lệ hoạt động của quỹ, chức năng nhiệm vụ đặc biệt là bộ máy điều hành, nhất là các tiêu chí về giải ngân cũng như cơ chế kiểm soát để tránh lạm dụng làm thất thoát.
“Để đảm bảo giải ngân hoặc đẩy nhanh việc giải ngân thì một mặt cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý quỹ cũng như nâng cao trách nhiệm năng lực của bộ phận quản lý quỹ; Cần có các thông tin đầy đủ đánh giá sớm, nhanh, chính xác, khách quan những thiệt hại của các đối tượng trong việc được hỗ trợ, từ đó xác định giải ngân. Cơ quan chức năng quản lý cấp trên của quỹ cũng nên có tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của quỹ, từ đó tăng áp lực hành chính và các áp lực cần thiết để giải quyết vấn đề”, ông Nguyễn Minh Phong nói.
Ông Phong cũng cho rằng, cần đa dạng hóa cơ chế giải ngân của quỹ, có thể trên cơ sở rà soát các hoạt động của các bộ phận có liên quan trong quỹ để xem xét vấn đề giải ngân theo cơ chế hiện nay, cần bổ sung những cơ chế mới. Ví dụ, vừa rồi có một nhóm người thiện nguyện đã có cách làm rất hiệu quả. Họ mở tài khoản trực tiếp và tên hưởng thụ là người trong diện được hưởng việc hỗ trợ. Như vậy, người nhận sẽ chủ động nhận được tiền hỗ trợ từ người có tấm lòng từ thiện một cách trực tiếp. Người mở tài khoản cho họ sẽ cân đối xem cần bao nhiêu tiền, ví dụ, cần khoảng 20 triệu đồng, sau khi quỹ tiếp nhận đủ số tiền này thì tài khoản sẽ đóng lại, như vậy đảm bảo được mức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế, trúng và đúng đối tượng, giảm các khâu trung gian và giải ngân nhanh. Cơ chế hoạt động của quỹ thay vì tập trung vào quỹ sau đó giải ngân kiểu hành chính nhà nước thì nên đa dạng hóa các cơ chế, từ đó tạo sự thuận lợi và đáp ứng được nhu cầu của xã hội là họ muốn biết tiền giải ngân của mình đến được tay ai, đối tượng cụ thể để không bị thất thoát.