Sửa đổi bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình

(VOV) - Việc xây dựng Dự án sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình cần nghiên cứu kỹ cả về thực tiễn lẫn khoa học.

Sáng 16/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 62 tỉnh thành về tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì hội nghị.

Báo cáo tổng kết và các ý kiến trình bày tại hội nghị cho thấy, sau 12 năm triển khai, Luật HN&GĐ năm 2000 đã có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Luật góp phần thực hiện các chiến lược hoàn thiện và bảo vệ chế độ HN&GĐ tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, Luật HN&GĐ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như chưa tạo ra được cơ chế pháp lý hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, bất cập giữa các quy định Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan còn chồng chéo, mâu thuẫn và có một số trường hợp phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh.

Như về vấn đề kết hôn của những người đồng tính và việc thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Trong thời gian qua, nhiều người đồng tính đã ở tình trạng bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình. Trong khi đó pháp luật Việt Nam nói chung và Luật HN&GĐ nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực trong việc thực hiện Luật HN&GĐ năm 2000 của các cấp, ngành, địa phương trong 12 năm qua.

Từ thực tế những tồn tại, Phó Thủ tướng đề nghị: Việc xây dựng Dự án sửa đổi Luật HN&GĐ cần nghiên cứu kỹ cả về thực tiến và khoa học, đặc biệt là tôn trọng ý kiến của nhân dân, nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và những người yếu thế khác trong quan hệ HN&GĐ. Đồng thời rà soát, kế thừa, phát huy các quy định hiện hành và pháp luật về HN&GĐ qua các thời kỳ phát triển của đất nước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm trong quá trình điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.

“Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ HN&GĐ cần xuất phát từ tính chất rất đặc thù, khác biệt của quan hệ xã hội này với quan hệ xã hội khác. Do đó, cần tăng cường các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ HN&GĐ theo hướng bảo đảm cho các bên tự do lựa chọn các phương án xử sự cụ thể. Cần tạo ra cơ chế pháp lý rõ ràng, thống nhất trong việc áp dụng phong tục tập quán về HN&GĐ, giải quyết các vấn đề thực tiễn về HN&GĐ ở cộng đồng. Đồng thời, kế thừa phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tiến bộ văn minh của dân tộc Việt Nam”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ ngành, các cơ quan chức năng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc xúc tiến dự án sửa đổi dự thảo Luật HN&GĐ.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều còn bất cập của Luật HN&GĐ như: việc áp dụng tập quán trong HN&GĐ; chung sống như vợ chồng mà không có đăng kí kết hôn; tuổi kết hôn; giới tính trong kết hôn; quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng; quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; nghĩa vụ về thân nhân và tài sản giữa cha mẹ và con; kết hôn có yếu tố nước ngoài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội nghị về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Hội nghị về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Di cư và vấn đề kết hôn, gia đình có yếu tố nước ngoài là xu thế khách quan trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.  

Hội nghị về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Hội nghị về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Di cư và vấn đề kết hôn, gia đình có yếu tố nước ngoài là xu thế khách quan trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.