Sức khỏe tâm thần trẻ em, những áp lực vô hình
VOV.VN - Kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố của Việt Nam của UNICEF thực hiện năm 2022, trong số 402 em được tham gia khảo sát, có tới 21,7% trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần trong 12 tháng qua, trong đó 3,3% trẻ bị rối loạn tâm thần.
Việt Nam có khoảng 15 triệu người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, tương đương 14,9% dân số. Theo nghiên cứu mới nhất của UNICEF thực hiện năm 2022, cứ 5 thiếu niên ở Việt Nam có một người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu cả về số lượng các bệnh viện, phòng khám và cả đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ trị liệu.
Giải pháp nào để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên? Gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phối hợp như thế nào?
Chuẩn bị thi kết thúc học kỳ 2 lớp 11, một nam sinh lớp 11 ở quận Ba Đình, Hà Nội bất ngờ yêu cầu mẹ cho gặp chuyên gia tâm lý khẩn cấp. Ngay lập tức, phụ huynh này đã tìm kiếm và liên hệ 5-7 phòng khám tâm lý nhưng tất cả đều bận kín lịch, duy chỉ 1 ca khách hàng hủy lịch nên nam sinh mới kịp được gặp chuyên gia tâm lý.
Những vấn đề nam sinh gặp phải là áp lực của kỳ thi đại học, sự thất bại trong mối quan hệ tình cảm và sự kỳ vọng của cha mẹ đã khiến em mất ngủ nhiều đêm. Qua kết quả thực hiện test, nam sinh có dấu hiệu của trầm cảm và có hành vi làm hại bản thân.
Những trường hợp như trên gặp khá nhiều tại các phòng khám tâm lý, nhất là giai đoạn trước và chuẩn bị kỳ thi cuối cấp, do những áp lực từ học tập, bạn bè. Em Mỹ Linh, hiện đang học lớp 12, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ:
"Cấp 3 đa số áp lực từ bạn bè nhiều hơn. Lúc đó đa phần bạn bè có chứng chỉ IELTs mọi người đổi luôn, lúc đó mọi người sẽ được 9-10 luôn chứ không mất công ôn khoảng thời gian dài như mình".
Theo thông tin từ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2023, bệnh viện ghi nhận 180 nghìn lượt bệnh nhân đến khám. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 100-150 trẻ em đến khám, trong đó, trẻ bị rối loạn và stress, lo âu chiếm khoảng 20%.
BS Chuyên khoa 2 Trần Duy Tâm, Phó Chủ nhiệm tâm thần, Khoa Y Đại học Quốc gia, Phó Chủ tịch Liên chi hội tâm thần của TP.HCM cho biết, số lượng trẻ em đến khám sức khỏe tâm thần có xu hướng tăng, tập trung vào một số nhóm: "Chúng tôi luôn tâm nhiều nhất tới nhóm mà những vấn đề có những yếu tố ảnh hưởng tới từ bên ngoài, có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của các em, niềm hạnh phúc, tương lai học tập của em nữa. Thí dụ những nhóm những rối loạn về lo âu trầm cảm, những rối loạn về thích ứng, kể cả những cái rối loạn về nghiện chất nữa. Trong đó có những vấn đề ở mức độ nhẹ hơn là những bất ổn về tâm lý là những cơ sở tiềm năng, yếu tố nguy cơ chuyển biến thành rối loạn tâm thần".
BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động thương binh xã hội cho rằng, hiện nay hệ thống chăm sóc sức khỏe thể chất của Việt Nam đã hoàn thiện và phát triển tới 12.000 xã, phường của Việt Nam nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần:
"Mặc dù chúng ta có chính sách quốc gia, hệ thống bệnh viện tâm thần , trong các bệnh viện có khoa tâm thần kinh, khoa tâm bệnh nhưng chúng ta mới chỉ quan tâm có 2 vấn đề động kinh và tâm thần phân liệt.
Vấn đề rối nhiễu tâm trí trẻ em, tức là bắt đầu có biểu hiện vấn đề sức khỏe tâm thần, từ trong những đứa bé còn đang bú mẹ rồi đến đến tuổi mẫu giáo, học trò ở trong gia đình, trong cộng đồng, chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Chính vì thế, cho nên vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần hiện nay Việt Nam là vấn đề báo động".
Kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố của Việt Nam của UNICEF thực hiện năm 2022, trong số 402 em được tham gia khảo sát, có tới 21,7% trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần trong 12 tháng qua, trong đó 3,3% trẻ bị rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, chỉ có 8,4% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi và chỉ có 5,1 % cha mẹ biết được con họ cần có được sự giúp đỡ đối với các vấn đề cảm xúc và hành vi.
Sự thiếu hụt về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em cũng như nguồn nhân lực về bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý là một trong những nguyên nhân các trẻ vị thành niên khó nhận được sự trợ giúp kịp thời.
Hiện, tỷ lệ bác sĩ tâm thần của Việt Nam đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, bằng 1/3 lần so với mức trung bình của thế giới. Tỷ lệ chuyên gia tâm lý tại Singapore gấp 19 lần so với Việt Nam.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, Hội tâm lý giáo dục học đường Hà Nội cho biết, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban thành Thông tư 31 yêu cầu các trường thành lập tổ tư vấn tâm lý tại các trường nhằm hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Tuy nhiên, nhân viên tâm lý không chuyên trách, mà chỉ là công việc kiêm nhiệm nên trách nhiệm không cao, chủ yếu giải quyết những ca nặng mà không giải tỏa được tâm lý cho học sinh ngay từ ban đầu. Do vậy hiệu quả của tổ tư vấn tâm lý tại nhiều trường học chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Từ kinh nghiệm hỗ trợ học sinh giải tỏa các vấn đề tâm lý của một số trường thông qua nhiều kênh khác nhau tại Hải Phòng, một số trường như trường THPT Bình Dương, Phan Chu Trinh, ông Nguyễn Đình Sơn đề xuất:
"Từ phía cơ quan quản lý, đặc biệt Sở Giáo dục Hà Nội, Phòng giáo dục các quận chung tay với Hội tâm lý giáo dục Hà Nội triển khai Sáng kiến để trẻ lên tiếng, chăm sóc sức khỏe cảm xúc để trẻ được bình an, để làm sao cho trẻ an toàn đến trường. Rất cần sự chung tay, làm thế nào có chỉ đạo bằng văn bản tới các cấp phòng, cấp trường để dành thời gian dạy lồng ghép, dạy tích hợp.
Hoặc các Phòng cần có sự tập hấp chuấn cho các Hiệu trưởng, để nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề sức khỏe tâm thần. Sức khỏe cảm xúc là nền tảng để giúp học sinh trẻ học tập trung hơn, học có động lực, có trách nhiệm và kỷ luật hơn, giảm thiểu stress và rủi ro cho các em".
Đại diện Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, TP.HCM cũng đang chỉ đạo bệnh viện phối hợp với các trường khởi động lại hệ thống phòng tham vấn tâm lý tại các trường học trên địa bàn, đồng thời Bệnh viện cũng được giao thành lập thêm khoa nội trú đối với Khoa Nhi nhằm hỗ trợ trẻ em gặp các vấn đề về tâm lý.
Sự mất kết nối giữa cha mẹ với con cái, mất kết nối giữa giáo viên và học sinh và giữa bạn bè với nhau khiến trẻ không biết chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Do vậy, duy trì sự kết nối, lắng nghe những tâm tư, cảm xúc của trẻ là cách để giúp trẻ vị thành niên có thể vượt qua được những cú sốc trong giai đoạn “khủng hoảng”.
Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: "Sự lắng nghe của cha mẹ quyết định sự trưởng thành của con trẻ"
Trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi chiếm 14,3% dân số Việt Nam. Những rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên nếu không được điều trị hoặc chưa được điều trị đúng cách có thể gây ra những hệ quả bất lợi suốt cuộc đời, gây gánh nặng cho ngành y tế và xã hội.
Do vậy cần những giải pháp quyết liệt từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhà trường và gia định đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên.
Thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1929 phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 155 phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025”. Tuy nhiên, hiện nay, các chương trình, kế hoạch vẫn trọng tâm vào một số bệnh nặng như tâm thần phân liệt, trầm cảm, chứng tự kỷ mà chưa quan tâm đến các rối loạn phổ biến khác ở vị thành niên.
Trong khi đó, việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thuộc thẩm quyền của 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Bộ Giáo dục.
Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật, bổ sung thêm những chính sách đặc thù trong tư vấn tâm lý và sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời, ban hành những hướng dẫn và quy định rõ ràng về trách nhiệm của các Bộ liên quan.
Với nhu cầu khám và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung và trẻ vị thành niên ngày càng cao, Chính phủ cũng cần xây dựng kế hoạch chuẩn bị về nguồn cung nhân lực và cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ.
Tăng cường đào tạo phát triển đội ngũ y tế, từ điều dưỡng, đến bác sĩ cũng như đào tạo chuyên khoa chăm sóc sức khỏe tâm thần, đào tạo thêm các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trẻ em và trẻ vị thành niên.
Về phía các Bộ, ngành. Bộ Lao động và thương binh xã hội và Bộ y tế cần tập trung tăng số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trên toàn quốc, thông qua hệ thống các cơ sở y tế và cơ sở trợ giúp xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn và công cụ chẩn đoán lâm sàng cho trẻ em và thanh thiếu niên nhằm phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần và tổn thương tâm lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng trọng tâm vào công tác phòng ngừa thông qua việc trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để ứng phó với những khó khăn tâm lý và tình cảm trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô; giảm áp lực học tập, đầu tư phát triển tư vấn tâm lý ở tất cả các trường.
Đối với các bậc phụ huynh, cần tìm hiểu những đặc điểm tâm sinh lý ở giai đoạn vị thành niên, thấu hiểu cảm xúc và tìm cách đồng hành với trẻ. Với nhu cầu muốn giành được quyền tự quyết và sự độc lập của cha mẹ, người lớn nên tôn trọng những quan điểm riêng của các em, cho phép các em độc lập hơn trong việc giải quyết một số vấn đề trong phạm vi có thể.
Đồng thời, duy trì không khí hòa thuận, an toàn trong gia đình là rất cần thiết đối với trẻ ở giai đoạn này. Điều quan trọng, các bậc phụ huynh cần tăng cường lắng nghe và tôn trọng những suy nghĩ của trẻ, duy trì sự kết nối thường xuyên để có thể sớm phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc về cảm xúc của trẻ kịp thời.