Sức mạnh của sự khoan hồng
VOV.VN -Cải tạo những con người lầm lỗi không chỉ ở kỷ luật, kỷ cương mà còn ở sự bao dung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Đặc xá là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ chính sách khoan hồng “đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại”, không chỉ thu hút sự quan tâm của phạm nhân bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn được xã hội, đặc biệt là gia đình phạm nhân chú ý.
Chuẩn bị cho đợt đặc xá năm nay, cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn tất mọi thủ tục, để mở ra cơ hội hoàn lương, về với cuộc đời cho những con người đã từng lầm lạc.
Trại giam Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện đang giam giữ, cải tạo trên 2.000 phạm nhân. Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, hàng năm cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, nhiều phạm nhân đều có chung tâm trạng hồi hộp, chờ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Các phạm nhân trại Hồng Ca trên đường đến điểm lao động cải tạo |
Phạm nhân Trần Doãn Sinh, sinh năm 1970, bị bắt năm 2007 về tội môi giới và tổ chức hoạt động mại dâm. Với mức án 15 năm tù giam, Trần Doãn Sinh tâm sự, đã có lúc cảm thấy tuyệt vọng. Những năm tháng trong tù, qua sự giáo dục của cán bộ quản giáo trại giam, Sinh đã nhận thức rõ lỗi lầm của mình gây ra cho xã hội, từ đó luôn phấn đấu cải tạo tốt mong được hưởng khoan hồng, sớm trở về với cộng đồng và gia đình.
Năm nay, khi được Hội đồng đặc xá trại giam xét hồ sơ gửi lên cấp trên đề nghị đặc xá, Sinh mất ngủ mấy đêm. Phạm nhân Trần Doãn Sinh cho biết: “Khi mới nhận bản án 15 năm, tôi buồn lắm. Nhưng được sự động viên, giáo dục của cán bộ trong trại, tôi đã phấn đấu bằng mọi nỗ lực để hoàn thành công việc mà cán bộ giao cho để mong ngày sớm nhất được đặc xá về với gia đình. Tôi luôn nghĩ rằng, khi được đặc xá tôi sẽ trở về nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn để cho chúng không bao giờ đi vào vết xe đổ của tôi nữa”.
Đại tá Phạm Văn Khá, Giám thị trại giam Hồng Ca cho biết, đợt đặc xá năm nay, Trại Hồng Ca thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, từ việc tuyên truyền để phạm nhân hiểu về điều kiện để được xét duyệt đặc xá, đến tổ chức cho phạm nhân bình bầu dân chủ. Đặc biệt, lãnh đạo Trại rất quan tâm tới bản nhận xét của mỗi quản giáo, của Hội đồng Đặc xá Trại với từng trường hợp cụ thể trước khi gửi hồ sơ đề nghị xét đặc xá. Vì vậy, 132 trường hợp được trại giam Hồng Ca xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá năm nay đều nhận được sự tán thành cao của các phạm nhân khác.
May mặc, xây lắp, sửa chữa cơ khí... là những công việc thường ngày của các phạm nhân đóng góp cho xã hội, như một sự đền bù về những tội lỗi mà họ đã gây ra. (Trong ảnh: các phạm nhân xưởng may mặc trại giam Yên Hạ) |
Cũng như Trại giam Hồng Ca, những ngày này, phạm nhân ở Trại giam Yên Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cũng đang hồi hộp chờ quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Trại giam Yên Hạ đã gửi hồ sơ đề nghị xét duyệt 81 trường hợp.
Đại úy Phùng Thanh Hà, Quản giáo Trại giam Yên Hạ cho biết, việc giáo dục phạm nhân ở Trại có nhiều khác biệt với các trại giam khác, bởi đa số phạm nhân là người dân tộc thiểu số, nhận thức chính trị, pháp luật rất hạn chế. Vì vậy, Ban giám thị Trại đề ra 4 tiêu chuẩn và 15 biện pháp, trong đó có cả phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc để mỗi phạm nhân hiểu rõ sai lầm của bản thân, phấn đấu cải tạo tốt.
Trong số phạm nhân được đặc xá lần này, phạm nhân Giàng A Vàng ở bản Ong lý, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tâm sự: Mỗi năm, chứng kiến các phạm nhân khác được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước trở về với gia đình, Vàng luôn lấy đó làm động lực phấn đấu cải tạo bản thân, mong có ngày mình cũng được đặc xá, tha tù trước thời hạn.
Sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước về Đặc xá năm 2013 và Hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương, trại Yên Hạ đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đảm bảo đúng đối tượng cải tạo tốt được hưởng chính sách khoan hồng.
Thượng tá Phạm Xuân Nghiệp, Giám thị Trại giam Yên Hạ nói: “Trong quá trình xét duyệt, chúng tôi đảm bảo mọi phạm nhân được biết, được nghe và niêm yết tất cả các tiêu chuẩn, quy trình để xét đặc xá cho phạm nhân. Chính vì vậy, các phạm nhân đã hiểu biết và nắm chắc điều kiện. Có nhiều phạm nhân đã tự giới thiệu mình đã đủ điều kiện để xét đặc xá lần này và cũng có nhiều phạm nhân thấy mình chưa đủ điều kiện đã xin rút. Có thể khẳng định, chúng tôi đã thực hiện công tác đặc xá công khai, đúng trình tự, quy định của pháp luật, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch”.
Đặc xá cho những phạm nhân cải tạo tốt trong dịp Quốc khánh thể hiện rõ tính nhân văn, sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải, là động lực mạnh mẽ để các phạm nhân phấn đấu lao động, cải tạo tốt.
Theo thống kê của Bộ Công an, tỉ lệ tái vi phạm pháp luật của những tù nhân ra trại lên tới trên 30%, nhưng tỉ lệ này chỉ chiếm 2,5% đối với những người được đặc xá, tha tù trước thời hạn./.