Sức trẻ quật cường giữ vững đảo tiền tiêu

Nếu một lần được đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” từ một hòn đảo được mệnh danh là “vô thuỷ”. Những kỳ tích được lập nên chính tại nơi đây…  

Bạch Long Vĩ- đuôi rồng trắng, một cái tên thật đẹp được đặt cho hòn đảo nằm giữa Vịnh Bắc Bộ thuộc thành phốHải Phòng, giữ vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng với vai trò là đảo tiền tiêu. Chính cái tên đó đã có sức lôi cuốn nhiều người muốn một lần được đặt chân lên hòn đảo được ví như hòn ngọc giữa Biển Đông.

Ngoài kia- Bạch Long Vĩ

Đúng 6h sáng, tiếng còi rú vang, tàu HQ 14-41-88 rẽ sóng đưa chúng tôi hướng ra biển Đông với đích đến là đảo Bạch Long Vĩ. Dù biết rằng điều kiện thời tiết giữa tháng 3 hiền hoà, thuận lợi và được đi trên một trong những con tàu hiện đại, song hành trình gần 7 giờ đồng hồ giữa trập trùng biển khơi cũng khá vất vả. Điều đó càng khiến chúng tôi khâm phục hơn những con người đã làm nên sức sống ở nơi mà ban đầu chỉ có sóng và gió.

Bạch Long Vĩ là hòn đảo nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, rộng 2,3km2, cách Hải Phòng 73 hải lí (khoảng 140km). Từ đầu thế kỉ XX trở về trước, khu vực đảo chỉ là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân tránh bão bởi trên đảo chưa có nước ngọt. Cũng chính vì thế mà đảo có tên là đảo “vô thuỷ”- không có nước ngọt. Rồi đến năm 1920, nguồn nước mặt được phát hiện, cùng những cơn mưa giữa biển khơi đã tạo ra sự sống. Và cứ thế, những nóc nhà của các ngư dân dần mọc lên trên đảo.

Vận chuyển hàng hoá lên tàu HQ 14-41-88 ra đảo Bạch Long Vĩ

Từ năm 1937, triều đình nhà Nguyễn phái người tới Bạch Long Vĩ lập đồn canh và xây dựng hệ thống Lý trưởng trên đảo để quản lý... Đến ngày 16/1/1957, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định số 49/TTg quy định đảo Bạch Long Vĩ là xã trực thuộc UBND TP Hải Phòng.

Trong chiến tranh chống Mỹ, hòn đảo này đã phải chịu từng loạt bom như rải thảm của quân giặc, nhân dân phải sơ tán và rồi khi tiếng bom đã ngưng, cuộc sống thường ngày lại trở về trên đảo. Cũng chính vì thế mà Bạch Long Vĩ còn được ví như “hòn đảo không bao giờ chìm”.

Ngày 26/2/1993, huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập. 62 Thanh niên xung phong (TNXP) với 32 nam, 30 nữ đầu tiên đặt chân lên Bạch Long Vĩ.  Những thanh niên chưa lập gia đình đã tình nguyện ra nơi đầu sóng ngọn gió để với niềm tin “không có việc gì khó” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tàu HQ-14-41-88 vẫn thẳng tiến. Giữa mênh mông biển cả, có lẽ âm thanh gần gũi nhất chính là những hồi còi báo hiệu cho các tàu, thuyền tránh nhau trong điều kiện sương mù giăng phủ. Tầm nhìn nhiều lúc bằng không khiến tàu phải thả neo chờ đợi sương tan. Những lúc đó, hình ảnh duy nhất mà bạn  có thể nhìn thấy được chỉ là những bọt nước trắng xoá được tạo ra khi con tàu chao nghiêng theo cơn sóng.

Những lá quốc kỳ tung bay trong gió...

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Công dùng bộ đàm thông báo cho cán bộ trên đảo biết tàu chỉ còn cách Bạch Long Vĩ 6 hải lý. Hòn đảo ngọc đã từng mang trên mình bao biến cố lịch sử dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Mọi người ùa lên khoang để được chiêm ngưỡng khiến Thuyền trưởng phải nhiều lần yêu cầu “nhường” không gian cho các thuyền viên quan sát để bảo đảm an toàn.

Đảo Bạch Long Vĩ kìa! Tiếng một người ồ lên, rồi nhiều người cùng hú vang như báo hiệu chúng tôi đã đến. Cứ thế, hình dáng đảo dần hiện rõ, to dần, to dần cho đến khi bóng người thấp thoáng trên triền âu tàu ven đảo vẫy tay đón chào những vị khách lạ. Màu quân phục của hải quân, màu áo xanh của Thanh niên xung phong cùng tiếng loa hướng dẫn tàu cập bến tạo nên sự ấm áp, gần gũi trong chúng tôi.

Trong âu tàu, từng đoàn thuyền nằm sát nhau cùng những lá quốc kỳ tung bay trong gió là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi vừa đặt chân đến hòn đảo cách Hải Phòng 140km này.

Sức sống nơi hòn đảo trẻ

16 năm xây dựng và phát triển, ngày hôm nay, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã thật sự đổi thay. Để có được những gì như hôm nay, không thể kể hết những khó khăn ban đầu mà những người đầu tiên đặt chân đến phải trải qua.

Nhiều thanh niên xung phong (TNXP) ra đảo ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Chị Vũ Thị Ngân, Liên đội trưởng Liên đội TNXP tâm sự, những ngày đầu trên đảo chỉ có những tảng đá trơ trọi, khung cảnh hoang sơ và một con đường mòn lầy lội. Điều kiện sống vô cùng khắc khổ. Mọi thứ nhu yếu phẩm thiết yếu đều phụ thuộc vào đất liền, trong khi 3-4 tháng mới có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Song khó khăn nhất chính là thiếu nguồn nước ngọt.

Nước ngọt được mọi người sử dụng rất tiết kiệm

“Sự thiếu thốn về vật chất đã đành, nỗi nhớ nhà, người thân mới là điều khó vượt qua”, chị Ngân tâm sự. “Nhưng anh chị em trên đảo đều coi nhau như người nhà, nương tựa lẫn nhau và luôn động viên nhau rằng mình là TNXP tự nguyện ra xây dựng đảo thì quyết tâm phải làm cho bằng được”.

Và cứ thế, mảnh đất khô cằn, hoang sơ trên đảo dần được khoác trên mình tấm áo nhiều sắc màu của các công trình, các con đường, những cánh rừng trải rộng…

Sức trẻ, bầu nhiệt huyết thanh niên đã dần biến hòn đảo “vô thủy” thành một hòn đảo xanh. “Đảo bây giờ khác rồi anh ạ, ngoài điện, đường, trường, trạm, mọi người cũng đã tạo nên những công viên xanh”, Nguyễn Thị Huế, một TNXP chia sẻ. Những Công viên Tuổi trẻ Sông Hồng, Công viên Văn hóa trung tâm, Công viên Đài tưởng niệm khiến Bạch Long Vĩ đẹp hơn, thơ mộng hơn và tràn trề sức sống như chính tên gọi của nó…

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, TNXP tham gia mọi hoạt động trên đảo. Chị Vũ Thị Ngân “khoe” với chúng tôi, năm vừa qua, TNXP đảo Bạch Long Vĩ đã thực hiện hàng ngàn ngày công để trồng mới gần 7.000 cây phi lao, 3ha rừng phòng hộ, tham gia các dự án trên đảo, tăng gia chăn nuôi, trồng trọt hơn 10 tấn rau xanh, 450m2 trồng cây hoa quả, gần 3 tấn lợn, gà, 1 đàn bò…

Những con số tuy chưa lớn, nhưng chúng tôi hiểu, để thực hiện được những công trình đó, quân và dân trên đảo đã phải đổ mồ hôi, thậm chí là máu. Từ viên gạch, bao xi măng để xây nhà; đến hạt giống, dụng cụ, con giống lợn, bò và thậm chí là cả những nắm đất phù sa để trồng rau xanh… Tất cả đều phải vận chuyển từ đất liền ra.

TNXP- cầu nối của hầu hết các hoạt động trên đảo

Từ chính trong gian khổ tinh thần tự nguyện, đoàn kết lại được nâng cao. Cùng với sự động viên kịp thời của các cấp chính quyền, quân và dân huyện đảo đoàn kết một lòng vì niềm tin “ngày mai đảo sẽ đổi thay”. Cũng chính từ trong gian khó, những mối tình đẹp gắn kết nhiều TNXP với nhau, họ kết thành đôi, sống gắn bó lâu dài ở đảo để cống hiến. Với chị Vũ Thị Ngân, để các con có điều kiện học tốt hơn, chị đã gửi hai con vào học nội trú tại thành phố Hải Phòng, còn vợ chồng chị vẫn bám trụ trên đảo với vai trò là những TNXP “kỳ cựu”.

“Không dễ gì rời xa đảo khi đã trải qua những thăng trầm cùng đồng đội tại nơi này. Nhiều bạn trẻ khi ra đây cũng bất ngờ vì thấy những khó khăn, song đến nay họ vẫn tình nguyện thực hiện nhiệm vụ trên đảo, cho dù so với đất liền thì cuộc sống ở đảo vất vả gấp bội phần”, chị Ngân tâm sự.

Cùng chung suy nghĩ đó, bạn Vũ Thị Sâm, quê ở Hải Phòng chia sẻ: “tuổi trẻ không ngại khó, mọi người trên đảo lại gắn kết với nhau nên mọi gian khổ đều có thể vượt qua. Hơn nữa, huyện đảo vẫn thường xuyên được đón những đoàn khách từ khắp nơi ra đảo. Thật vui và tự hào khi mình cũng được góp sức cùng mọi người xây dựng đảo”.

Cuộc sống nơi đảo xa vẫn còn nhiều gian khó. Nhưng bằng sợi dây tình cảm của đất liền và những gì đã đạt được ở đảo, tôi tin rằng người dân nơi đây sẽ còn viết nên nhiều kỳ tích.

Trên boong tàu đang rời âu thuyền, nhìn về phía đảo Bạch Long Vĩ, hình ảnh đọng lại trong mắt tôi là hàng trăm lá quốc kỳ tung bay trong gió!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên