Bài 2:

Sức trẻ và bầu nhiệt huyết: Vẫn chưa đủ!

VOV.VN - Để thực hiện đề án của đội viên tại “xã nhà”, ngoài nỗ lực của các Phó chủ tịch xã, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Những giấc mơ còn dang dở

Bảo vệ thành công đề án “Phát triển du lịch cộng đồng” và được Ủy ban nhân dân huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phê duyệt, Nguyễn Thị Huyền –đội viên tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội hăng hái về nhận nhiệm vụ làm Phó chủ tịch xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân) thuộc Đề án 600 trí thức trẻ. Với con mắt của một người học về du lịch, Huyền nhận thấy nếu phát triển được du lịch cộng đồng ở thôn Thanh Xuân, xã nhà sẽ được hưởng lợi nhiều mặt, đó là hình thành được tuyến du lịch lòng hồ Cửa Đạt, khôi phục và mở rộng được làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người dân sẽ cải thiện được cuộc sống vốn còn nghèo khó...

Thế nhưng, trong ánh mắt của cô Phó chủ tịch xã trẻ tuổi và nhiệt huyết, chúng tôi vẫn đọc được nét đượm buồn, băn khoăn. “Em được giao phụ trách mảng văn xã, do đó luôn cố gắng tham mưu tốt nhất cho lãnh đạo địa phương về phát triển mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội. Công tác bề nổi của em đã được địa phương ghi nhận. Tuy nhiên, đề án phát triển du lịch cộng đồng em ấp ủ đến nay sau hai năm vẫn chưa thể khởi động được”.

Mặc dù được cán bộ xã, nhân dân địa phương đánh giá cao và ủng hộ những phong trào cô gây dựng tại địa phương, song Phó chủ tịch xã Xuân Chinh Nguyễn Thị Huyền đang trăn trở về đề án còn dở dang của mình

Nguyễn Thị Huyền cho biết, để thực hiện được dự án, phải có 20 tỷ đồng, trong khi Xuân Cẩm là xã nghèo, canh tác chủ yếu là nông lâm nghiệp với quy mô manh mún, chưa có mô hình mang tính bền vững. Huyền cũng đã đi gõ cửa nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp nhưng đề án của cô vẫn còn nằm trên giấy.

Giống như Nguyễn Thị Huyền, Phó chủ tịch xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng - Trần Thị Hương cũng đưa ra đề án “Phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Nam Quang”. Đề án này được Trần Thị Hương xây dựng khi đi thực tế tại địa bàn. Theo cô, Nam Quang có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để phát triển sản xuất và chăn nuôi. Trong đó chăn nuôi lợn là nghề truyền thống, giữ vai trò quan trọng, song chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của xã. Hương cho rằng, trên địa bàn xã đang triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, do đó, nuôi lợn đen là một trong những giải pháp cần thiết để tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đề án của cô cũng chưa tìm được lối ra do không có nguồn vốn đầu tư.

Tương tự, đề án “Phát triển kinh tế trang trại trong chăn nuôi gà thả đồi kết hợp trồng các loại cây ăn quả giai đoạn 2012 – 2016” của đội viên Ngô Bá Doanh, Phó chủ tịch xã Thắng Lợi, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đến nay cũng không được triển khai do không có kinh phí.

Tốt nghiệp Đại học Công đoàn, chàng trai trẻ sinh ra và lớn lên ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh háo hức lên đường nhận nhiệm vụ tại vùng khó Thắng Lợi với bao hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Sau thời gian công tác tại địa bàn, Ngô Bá Doanh càng thấy gắn bó hơn với mảnh đất này và khao khát muốn được làm điều gì đó để có thể giúp bà con người Tày, Nùng ở đây thoát nghèo.

“Qua thời gian đầu tìm hiểu, em xây dựng đề án về “Phát triển kinh tế trang trại trong chăn nuôi gà thả đồi kết hợp trồng các loại cây ăn quả giai đoạn 2012 – 2016”. Do thị trường tiêu thụ gà rất lớn và nhu cầu về cây ăn quả tại địa phương cũng không nhiều, nên nếu thực hiện được thì khả năng thành công sẽ rất cao. Nhưng do không có kinh phí nên đề án đã không được triển khai” – Phó chủ tịch xã Ngô Bá Doanh nói. Ngô Bá Doanh đề xuất, muốn xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, ngoài những chính sách hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a… thì cần sự vào cuộc của rất nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp. Các cấp lãnh đạo và các chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải hướng đến điều này.

Những Phó chủ tịch xã với những giấc mơ còn dang dở mà chúng tôi gặp đều khẳng định không ngại gian khổ, ngại khó, thế nhưng, trên gương mặt họ vẫn phảng phất nét băn khoăn. Đó là sau 5 năm kết thúc nhiệm kỳ Phó chủ tịch xã, những ấp ủ, hoài bão của những trí thức trẻ như họ để giúp một xã nghèo như Xuân Cẩm, Nam Quang hay Thắng Lợi “sánh vai” cùng miền xuôi liệu có thành hiện thực? Và thước đo hiệu quả công việc để họ đi tiếp chặng đường dài sau khi kết thúc 5 năm Dự án sẽ như thế nào?

 Vì sao dự án của trí thức trẻ “nằm chờ” trên giấy?

 

Đội viên Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang: “Đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí từ các chương trình, mục tiêu hàng năm để đầu tư triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội của đội viên xây dựng có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện địa phương”.

Phóng viên VOV online đem vấn đề này trao đổi với  ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, ông Nghĩa cho biết, Bắc Giang có 19 đội viên và đã xây dựng được 17 đề án phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, chỉ 5 trong số đó được triển khai và phát huy hiệu quả tại địa phương, còn đa số đề án rất khó để thực hiện vì… không có vốn. “Tiền trong khuôn khổ Dự án thì không có để rót về. Do vậy nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là rất khó khăn” – ông Nghĩa nói.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, đội ngũ trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã ở Bắc Giang đã đã được Bộ Nội vụ đánh giá phát huy rất tốt. Riêng trong lĩnh vực triển khai các đề án của đội viên về phát triển kinh tế-xã hội đã mang lại kết quả khá rõ nét. Qua 2 năm, một số đề án được triển khai và rất hiệu quả, như: đề án "Trồng khoai tây" của đội viên Nguyễn Thành Phong; đề án “Nuôi thỏ hộ gia đình” và đề án “Ứng dụng quá trình xử lý nước thải sinh hoạt” của đội viên Trần Thị Trung; đề án “Chăm sóc cây vải thiều” của đội viên Bùi Thị Kim Dung; đề án “Thành lập HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp” của đội viên Đào Hải Hà… 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang

Ông Nguyễn Văn Nghĩa lý giải về những đề án “treo”: “Thứ nhất là về vốn đầu tư. Thực ra, đầu tư bước đầu cho một đề án không quá nhiều tiền, nhưng ở các huyện nghèo, nếu được phân bổ một đồng vốn nào ở trên xuống thì đều đã có địa chỉ - như Chương trình 134, Chương trình 135… Còn ở huyện thì khó có kinh phí để đầu tư cho các đề án. Thứ hai là một số đề án tính khả thi cũng không cao và có  những đề án bị “trùng”, nghĩa là đã được triển khai trên địa bàn huyện. Ví dụ đề án trồng cây keo lai hom mang lại hiệu quả rất cao, nhưng khi triển khai đề án này thì hậu quả để lại cũng phải xem xét, như khi trồng cây keo lai hom cũng phải phát rất nhiều diện tích rừng. Như thế rừng tự nhiên sẽ mất nguồn sinh thủy của một loạt hồ chứa nước, vì rừng nguyên sinh có một lớp thực bì để giữ nước, cung cấp nước cho các hồ chứa cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, nhưng khi phát rừng đi thì sẽ mất nguồn sinh thủy, các hồ chứa sẽ lại bị bỏ phí. Cùng với đó, mưa lớn sẽ xảy ra lũ quét. Do đó việc triển khai những dự án như vậy sẽ phải xem xét. Thứ 3, một số đề án chưa có tính cấp thiết cao, ví dụ như đề án trồng cây hương bài trên địa bàn huyện, hoặc đề án bảo tồn bản sắc truyền thống của người dân tộc Cao Lan… Đây là những đề án mang tính lâu dài”. 

Ông Hà Thanh Khang, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, Thường Xuân, Thanh Hóa

Đem những trăn trở về đề án “Phát triển du lịch cộng đồng” của Phó chủ tịch xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) Nguyễn Thị Huyền tới cơ quan chức năng của địa phương. chúng tôi được biết, các cấp chính quyền rất ủng hộ đề án của chị Huyền. Song cần căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương, nhất là vấn đề… ngân sách.

Theo ông Hà Thanh Khang, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, đề án cần rất nhiều tỷ đồng, trong khi địa phương không có tiền. Thôn Thanh Xuân lại nằm ở bờ bên kia sông Chu, nên đi lại rất khó khăn. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng như đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa đã về khảo sát và đã có phương án phê duyệt làm 2 chiếc cầu treo sang thôn Thanh Xuân. “Huyện cũng đã có chương trình bảo tồn nhà sàn bên đó, rồi hình thành khu sinh thái Thanh Xuân, như đề án của chị Huyền. Tuy nhiên, chưa biết khi nào cầu mới được thi công” – ông Khang phân trần.

Khi nào ước mơ của đội viên thành hiện thực?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa khẳng định: “Thực tế chúng tôi đã bàn với các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND huyện Sơn Động về việc đầu tư cho các dự án của các đội viên. Nhìn chung, về chủ trương, các cấp, các ngành đã có hướng để thực hiện các dự án, nhưng nguồn vốn đầu tư hiện còn gặp nhiều khó khăn. Năm nay, chúng tôi tin tưởng là một số đề án sẽ được tiếp tục triển khai. Các đề án đang có hiệu quả sẽ được nhân rộng. Đối với những đề án chưa được triển khai, ít nhiều sẽ có vốn đầu tư để thực hiện, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập những đoàn tuyên truyền vận động ủng hộ hỗ trợ các đề án này. Khi triển khai có hiệu quả, việc nhân rộng, việc kêu gọi đầu tư tiếp mới dễ dàng hơn. Còn nếu đề án vẫn đang nằm trên giấy thì tính thuyết phục không cao, rất khó cho việc vận động, xã hội hóa". 

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh

Trao đổi với phóng viên VOV online về vấn đề vốn để thực hiện đề án của các đội viên Dự án 600 trí thức trẻ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án 600 Phó chủ tịch xã thừa nhận: “Đúng là thực tế các đội viên của Dự án sau khi về địa phương đã có những đề xuất xây dựng và thực hiện các đề án. Nhưng xã, huyện hoặc đơn vị thuộc phạm vi Dự án thì cũng gặp rất nhiều khó khăn do không có ngân sách. Kinh phí để triển khai các đề án của đội viên không phải của Dự án 600 mà được “lồng” vào các chương trình khác như khuyến nông, khuyến lâm, các chương trình của Chính phủ…, trong khi Dự án 600 không có kinh phí độc lập để làm việc này”.

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định: “Chúng tôi sẽ can thiệp các huyện, các tỉnh để thực hiện đề án của các đội viên. Qua đó góp phần phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của địa phương”. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng băn khoăn: “Vấn đề vốn vẫn phải theo tổng thể chung của các đơn vị, không phải là riêng cho các đề án đó”.

Có thể thấy, để thực hiện được đề án của mình tại “xã nhà” là không dễ dàng đối với các Phó chủ tịch xã trẻ tuổi. Ước mơ, hoài bão, tâm huyết của các đội viên gần như được “đặt cược” vào đề án của mình và những đề án này trước đó đã được hội đồng tuyển chọn của các địa phương đồng ý, phê duyệt. Nhiều đội viên đã phải “xoay” theo hướng khác để chạy đua cùng thời gian, bởi họ đã đi được gần nửa chặng đường trên cương vị là Phó chủ tịch xã.

 

Các đội viên đều ấp ủ những ước mơ, hoài bão và mong muốn góp sức lực để phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn công tác. Trong ảnh, các đội viên tại buổi sơ kết giai đoạn 1 Dự án 600 trí thức trẻ tại Hà Nội ngày 26/6/2013

Bước chân về nơi gian khó, những trí thức trẻ đều mong muốn góp phần nhỏ bé xây dựng nơi mà họ đã coi như quê hương thứ hai của mình, cũng như khao khát được làm gì đó cho bà con nơi đây khi Dự án kết thúc. Thiết nghĩ, bên cạnh những nỗ lực của mỗi đội viên, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án cũng như các cấp, ngành cần rà soát lại những đề án của đội viên để phát triển những đề án có tính khả thi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như tránh lãng phí chất xám và rút kinh nghiệm cho những chương trình tiếp theo./.

Bước chân lên núi làm Phó chủ tịch xã, các đội viên xác định chấp nhận gian khó, song họ cũng mong muốn được tạo điều kiện để bản thân được cống hiến và được ghi nhận, đánh giá một cách khách quan khi Dự án hoàn thành. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án và chính quyền địa phương đã vào cuộc và đồng hành cùng các bạn trẻ như thế nào? Mời độc giả đón đọc Bài 3:“Đồng hành cùng trí thức trẻ”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Theo chân Phó Chủ tịch xã trẻ về nơi gian khó
Theo chân Phó Chủ tịch xã trẻ về nơi gian khó

VOV- Lê Văn Thiện là một trong những điển hình cho sự thành công bước đầu của Dự án 600 trí thức trẻ.

Theo chân Phó Chủ tịch xã trẻ về nơi gian khó

Theo chân Phó Chủ tịch xã trẻ về nơi gian khó

VOV- Lê Văn Thiện là một trong những điển hình cho sự thành công bước đầu của Dự án 600 trí thức trẻ.