Sức vươn lên của Côn Đảo
VOV.VN - Là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại.
Ngày 1/5/1975, Côn Đảo được giải phóng. Từ một "đảo tù" nổi tiếng, Côn Đảo trở thành hòn đảo Tự Do. Hoà chung niềm vui cùng với nhân dân cả nước kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Côn Đảo rất đỗi tự hào trước những thành tựu trong xây dựng, phát triển huyện đảo trong 40 năm qua.
Là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Suốt 113 năm thống trị (từ 1862 đến 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến Côn Đảo, nơi được ví là thiên đường cảnh đẹp thành “địa ngục trần gian”. Giai đoạn này, dù trên đảo không có cơ sở cách mạng, xa sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chỉ có nhà tù và tháp canh, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, các chiến sĩ yêu nước đã biến nơi đây trở thành trường học cách mạng và viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Ông Huỳnh Thiện Hoà - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, cựu tù chính trị Côn Đảo cho biết: “Đến năm 1997, khi Quy hoạch Côn Đảo được Chính phủ phê duyệt, từ đó có đầu tư 30 tỷ đồng/năm để xây dựng và phát triển Côn Đảo, gồm xây dựng hạ tầng, đóng tàu, giao thông đi lại, sân bay, bến cảng… ”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - người dân Khu dân cư số 2 - cho biết: “Sau 40 năm giải phóng, Côn Đảo đã khởi sắc rất nhiều. Từ chỗ trước đây đường sá tạm bợ nay đã khang trang. Tất cả các công trình trường học, trạm nước, đường điện đã đến người dân”.
Trong những thành tựu chung của Côn Đảo, điều dễ nhận thấy nhất là những đổi thay về kinh tế. Côn Đảo là huyện không có cấp chính quyền phường, xã mà được chia thành 10 khu dân cư với khoảng 8.000 dân. Với cơ cấu “du lịch, dịch vụ và công nghiệp”, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Côn Đảo đạt khoảng 13% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD/năm…
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội của Côn Đảo cũng có những thành tựu đáng kể, như: giữ vững danh hiệu huyện văn hóa từ năm 2000 đến nay; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; các chương trình y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; công tác giảm nghèo, chăm lo đối tượng chính sách đạt kết quả tích cực…
Với ưu thế là kinh tế du lịch - dịch vụ và hướng đến đưa Côn Đảo sớm trở thành khu du lịch dịch vụ chất lượng cao, huyện đang được Trung ương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư… Nhờ đó, những năm qua, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng bình quân 21% mỗi năm. Bình quân mỗi năm Côn Đảo đón khoảng 90.000 lượt khách.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - khách du lịch đến từ tỉnh Bình Dương chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Côn Đảo thăm các di tích lịch sử. Côn Đảo ngày nay được như thế này là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Cảnh quan rất đẹp. Đặc biệt chúng tôi được tham quan các di tích lịch sử nói lên truyền thống đấu trang của ông cha ta rất oanh liệt, rất vĩ đại”.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Côn Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành đô thị di sản - du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích cách mạng đặc biệt trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thành Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Đến nay, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều. Phần đông người dân Côn Đảo có nhà ở kiên cố, nhiều hộ xây được nhà biệt thự. Phương tiện đi lại rất thuận tiện, đời sống người dân được nâng cao. 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch và các phương tiện nghe nhìn. Ít nhất mỗi hộ gia đình ở Côn Đảo đều có một chiếc xe Honda. Người dân rất yên tâm sinh sống gắn bó lâu dài với Côn Đảo”./.