Tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Nghi ngờ liên quan nguồn nước lọc
VOV.VN - Trong số các nguyên nhân có thể xảy ra tai biến chạy thận, lãnh đạo Bệnh viện nghĩ nhiều đến nguyên nhân liên quan đến hệ thống lọc nước RO.
Sáng 8/6, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hòa Bình tiến hành họp, dự kiến đưa ra kết luận sơ bộ về vụ tai biến đối với 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngày 29/5 vừa qua tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã họp để rút kinh nghiệm, kiểm thảo các trường hợp tử vong và nghĩ nhiều đến nguyên nhân xảy ra tai biến liên quan đến nguồn nước lọc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân vụ tai biến tập thể ở BV ĐK Hòa Bình. (ảnh: Báo Giao thông).
Bắt đầu từ sáng nay, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Hòa Bình thành lập tiến hành họp để đưa ra kết luận sơ bộ nguyên nhân vụ tai biến chạy thận. Hội đồng chuyên môn gồm 12 thành viên; trong đó có 4 chuyên gia về thận nhân tạo, hồi sức tích cực, cấp cứu và chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình- Bùi Thu Hằng làm Chủ tịch hội đồng.
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Hòa Bình đã tiến hành rút kinh nghiệm, kiểm thảo các trường hợp tử vong. Trong số các nguyên nhân có thể xảy ra tai biến chạy thận, lãnh đạo Bệnh viện nghĩ nhiều đến nguyên nhân liên quan đến hệ thống lọc nước RO.
Bác sỹ Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cho biết, trước khi xảy ra tai biến 1 ngày, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) có thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: “Công ty Thiên Sơn theo định kỳ vẫn lên đây bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO. Công ty cử người lên đây bảo dưỡng, sửa chữa. Đối với chạy thận nhân tạo, hệ thống lọc nước là quan trọng nhất”.
Nước sử dụng trong quá trình lọc máu (chạy thận nhân tạo) phải đảm bảo độ tinh khiết cao. Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, thận yếu không còn khả năng lọc các tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nguồn nước truyền vào cơ thể khi chạy thận nhân tạo nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, kết luận cuối cùng về vụ tai biến chạy thận nhân tạo phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Ngày 7/6, tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, cơ quan Công an đã dựng lại hiện trường vụ tai biến xảy ra đối với 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, trong đó 8 người đã tử vong.
Công an đã mời các chuyên gia đến để đánh giá chất lượng các thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc men phục vụ việc chạy thận và quy trình vận hành. Trên cơ sở đó sẽ sớm xác định chính xác nguyên nhân vụ việc.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp hút máu từ cơ thể cho chạy ra một thiết bị chuyên dụng để lọc hết chất độc, rồi lại truyền máu trở lại cơ thể người bệnh. Quá trình lọc máu này có sử dụng nước tinh khiết, được lọc bằng hệ thống RO. Hệ thống lọc nước thường được các bệnh viện hoặc đơn vị cung cấp thiết bị bảo dưỡng mỗi tháng/1 lần./.