Tái định cư sân bay Lào Cai: Người dân mong muốn sự cân bằng và thấu hiểu

VOV.VN - Sau chiến dịch cao điểm 90 ngày giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Sa Pa (còn gọi là sân bay Lào Cai), bên cạnh sự thành công, vẫn còn có một số phát sinh liên quan đến vấn đề tái định cư mà người dân mong muốn có sự cân bằng và thấu hiểu.

Do khâu tính toán?

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Tân Tiến, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trước kia sở hữu mảnh đất rộng hơn 2.300m2. Sau khi khu vực này được giải phóng để làm khu tái định cư cho dự án sân bay, ông Hải trong diện tái định cư tại chỗ, không phải chuyển đi, phần đất 2 bên cũng đã đền bù tài sản trên đất.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, diện tích đất nhà ông giờ bị thu hẹp chỉ còn 700m2, với 20m mặt tiền, trong khi 2 hộ bên cạnh lại được bố trí rộng hơn từ 300 – 600m2, mặt tiền cũng rộng hơn từ 5 – 13m.

Gần nhà ông Hải, hộ ông Đoàn Khắc Vượng cũng trong hoàn cảnh tương tự, mặt tiền bị thu hẹp để san sẻ cho 2 hộ dân “lạ” từ nơi khác đến, nhưng rộng hơn gấp rưỡi. Các hộ dân diện tái định cư tại chỗ này không nhiều, nhưng không được giải phóng để san tạo mặt bằng đồng bộ. Thành thử có một số tuyến lô nhô “xôi đỗ”, các hộ dân cũ nhà nào cũng cao hẳn so với đường.

Riêng hộ ông Hải, khi ngôi nhà đang ở bị thu hồi để làm vỉa hè, ông chỉ được đền bù phần ảnh hưởng trực tiếp trong phạm vi giải phóng, còn phần gián tiếp thì chẳng biết kêu ai.

"Bây giờ nhà của tôi bị mất, phải làm lại nhà, phải xây lùi ra đằng sau thì tất cả công trình phía sau bị ảnh hưởng, phải dỡ đi nhưng lại không hỗ trợ gì cho tôi, cũng đề nghị rồi mà không có ý kiến gì", ông Hải cho biết.

Cách đó không xa, tại tuyến đường bám bờ sông, nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân ở thôn Cọn 1, cả dãy mỗi hộ chỉ được bố trí phần đất thổ cư phía trước là bằng phẳng, còn phần đất nông nghiệp phía sau lại nằm trên taluy cao hơn nóc nhà, muốn lên thì phải bắc thang. Theo anh Nguyễn Ngọc Vinh, các hộ ở đây chủ yếu làm kinh tế thuần nông nên bố trí như vậy vô cùng bất tiện.

"Đề nghị giải phóng giúp các hộ dân ở đây, chứ không chăn nuôi khó khăn lắm, mùi hất hết vào nhà, ô nhiễm, mưa thì đất đá sạt xuống, dân ở cũng lo", anh Vinh nói.

Ngoài ra, có những khu đất bố trí tái định cư ở trên mặt bằng quá dốc, trên địa chất toàn đá, đường giao thông nhỏ hẹp cũng đang gặp khó khăn khi sắp xếp cho các hộ.

Liên hệ với ông Đặng Văn Mạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Bảo Yên, được biết, kiến nghị của người dân xung quanh các bất cập về hạ tầng khu tái định cư đã được tiếp thu. Tuy nhiên, các vấn đề chủ yếu liên quan đến các khâu tính toán, từ quy hoạch, thiết kế đến cân đối khối lượng thi công, nên để giải quyết dứt điểm, ngay và luôn không phải dễ trong thẩm quyền của Ban.

"Phần quy hoạch cũng phải xin ý kiến tỉnh, thông qua các cơ quan như Sở Giao thông – Xây dựng từ đó điều chỉnh lại, thứ nhất là mở rộng đường ra cho giao thông thuận lợi. Thứ hai là bố trí các lô đất làm sao diện tích tương đồng với nhau, sau này giải thích với các hộ dân cũng dễ", ông Mạnh chia sẻ.

Vấn đề bố trí suất tái định cư

Nằm trong chiến dịch cao điểm 90 ngày giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Sa Pa, khu tái định cư sân bay rộng hơn 140ha (thuộc xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã được hình thành để bố trí cho khoảng 300 hộ dân trong vùng giải phóng giai đoạn 1 về ở.

Sau kết thúc chiến dịch thành công vào cuối năm 2022, đến nay hạ tầng đã cơ bản hoàn tất để các hộ về tái định cư. Nhưng vẫn có không ít hộ dân lên tiếng thắc mắc.

Đơn cử như bà Trần Thị Tâm, hộ khẩu ở thôn Cam 4, dù sở hữu mảnh đất thổ cư 150m2 mua lại của một người khác, đã có xác nhận của chính quyền trước thời điểm quy hoạch sân bay, nhưng khi đưa ra không được xét tái định cư; hay hộ bà Bùi Thị Chanh cùng ở thôn Cam 4 đề nghị 1 suất tái định cư cho con gái đã có gia đình nhưng vẫn có tên trong sổ hộ khẩu, cả 2 cháu ngoại của bà vẫn đang cùng sinh sống ở địa phương. Tuy nhiên, khi đề nghị xét tái định cư, dù đã được sự ủng hộ của thôn, của xã nhưng hội đồng huyện lại bác bỏ.

Qua phỏng vấn người dân ở các thôn, có nhiều hộ hoàn cảnh “na ná” nhau, nhưng khi đưa ra xét tái định cư (chủ yếu với những suất ăn theo) thì hộ được, hộ không. Theo ông Trần Mạnh Hà, Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến, cần thiết phải có những cuộc trao đổi rộng rãi, minh bạch hơn thay vì giải quyết hộ nào biết hộ ấy.

"Cần nhất bây giờ là làm sao để có sự cân bằng giữa những người dân với nhau, đừng để người hơn người thiệt", ông Hà bày tỏ.

Theo ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên, một điểm mấu chốt để xét tái định cư là sống hay không sống trên địa bàn, điều này phụ thuộc vào các thành viên hội đồng ở cơ sở. Còn quá trình xét duyệt vẫn đang tiến hành, đối với các hộ có ý kiến qua đơn, hội đồng của huyện sẽ tiếp tục xem xét vì quỹ tái định cư vẫn thoải mái để bố trí.

"Ranh giới giữa sống và không sống ở đây rất bấp bênh. Có thể nhiều người có những cách nhận định khác nhau. Bây giờ công bằng nhất là khu dân cư đấy phải xác minh rằng đối tượng này có ở hay không ở đấy, nhưng phải loại trừ các trường hợp anh em, họ hàng thân thích ra thì mới khách quan được", ông Kiên chia sẻ.

Qua rà soát của chính quyền địa phương, hiện đang có khoảng 30 đơn kiến nghị của người dân gửi về, chủ yếu liên quan việc xét tái định cư.

Theo ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, mỗi trường hợp đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là họ đều là người địa phương chứ không phải từ nơi khác tới, nếu không được xét thì sẽ bị khó khăn thực sự về nơi ở.

"Thực tế người dân họ vẫn đang cư trú, đang đi làm ăn sinh sống ở nơi khác chứ không phải họ có khẩu ở trên này để trục lợi chính sách của Đảng và Nhà nước. Rất mong Hội đồng của huyện xét rộng hơn một chút nữa để người dân đỡ bị thiệt thòi", ông Hùng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mòn mỏi chờ sổ đỏ sau khi vào khu tái định cư ở Quảng Nam
Mòn mỏi chờ sổ đỏ sau khi vào khu tái định cư ở Quảng Nam

VOV.VN - Liên tiếp những năm gần đây, khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi các đợt thiên tai, sạt lở núi, lũ quét. Nhiều khu tái định cư đã được xây dựng.

Mòn mỏi chờ sổ đỏ sau khi vào khu tái định cư ở Quảng Nam

Mòn mỏi chờ sổ đỏ sau khi vào khu tái định cư ở Quảng Nam

VOV.VN - Liên tiếp những năm gần đây, khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi các đợt thiên tai, sạt lở núi, lũ quét. Nhiều khu tái định cư đã được xây dựng.

Tái định cư 7 năm vẫn chưa chính thức sở hữu đất ở - chuyện lạ ở Thừa Thiên Huế
Tái định cư 7 năm vẫn chưa chính thức sở hữu đất ở - chuyện lạ ở Thừa Thiên Huế

VOV.VN - Sau 7 năm bị thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đến nay, các hộ dân ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà ở trong khu tái định cư mới tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Thế nhưng, chưa hộ dân nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điện và nước sạch không đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Nhiều hộ dân rất

Tái định cư 7 năm vẫn chưa chính thức sở hữu đất ở - chuyện lạ ở Thừa Thiên Huế

Tái định cư 7 năm vẫn chưa chính thức sở hữu đất ở - chuyện lạ ở Thừa Thiên Huế

VOV.VN - Sau 7 năm bị thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đến nay, các hộ dân ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà ở trong khu tái định cư mới tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Thế nhưng, chưa hộ dân nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điện và nước sạch không đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Nhiều hộ dân rất

Bán đấu giá chung cư tái định cư bị "bỏ hoang" ở TP.HCM
Bán đấu giá chung cư tái định cư bị "bỏ hoang" ở TP.HCM

VOV.VN - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang tính toán phương án, kế hoạch bán đấu giá 3.790 căn hộ chung cư thuộc khu tái định cư Bình Khánh, Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.

Bán đấu giá chung cư tái định cư bị "bỏ hoang" ở TP.HCM

Bán đấu giá chung cư tái định cư bị "bỏ hoang" ở TP.HCM

VOV.VN - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang tính toán phương án, kế hoạch bán đấu giá 3.790 căn hộ chung cư thuộc khu tái định cư Bình Khánh, Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.