Tai nạn lao động: Quá ít chủ sử dụng lao động bị truy cứu trách nhiệm
VOV.VN - Theo ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, cũng có một số ít vụ được đưa ra truy tố nhưng hiệu quả pháp lý không cao, không đủ tính răn đe.
Theo tờ trình của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội về Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động trình Quốc hội mới đây, mỗi năm ít nhất 700 người chết vì tai nạn lao động. Gần đây nhất, vụ tai nạn lao động tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông hôm 6/11 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn nghiêm trọng trong lao động.
Phân tích sâu hơn vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh đúng là các vụ tai nạn lao động gây chết người đều do không thực hiện đúng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi có 2 nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp: Thứ nhất do lỗ hổng của pháp luật. Luật không quy định rõ những hành vi bị cấm khi có nguy cơ tai nạn lao động hoặc có nguy cơ ảnh hưởng của chất độc hại. Có thể nói rằng, có luật nhưng tính chất tuân thủ pháp luật không cao, xử lý không cao, chế tài không mạnh. Rất nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra nhưng có rất ít số vụ truy tố giám đốc, chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động làm chết người ra tòa. Những vụ được đưa ra truy tố hiệu quả pháp lý không cao, không đủ tính răn đe.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Bùi Sỹ Lợi là bản thân người lao động không biết rằng họ có quyền phản đối không làm việc trong môi trường không an toàn, không được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ.
Ông Lợi cũng cho rằng các vụ tai nạn lao động làm chết người; người lao động không được hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn bị chết trong quá trình lao động là tội của chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng thực tế hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó.
Một thực tế đáng buồn nữa đó là việc người lao động khi bị tai nạn cùng với khoản trợ cấp chế độ dường như họ cũng bị chủ sử dụng lao động “sa thải” luôn. Trong khi luật pháp là cứu cánh của họ lại chưa xử lý vấn đề này nên người lao động không biết kêu ai. Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động trình Quốc hội kỳ này cần phải xử lý vấn đề đó.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, khi người lao động bị tai nạn thì việc đầu tiên chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm điều trị cho người lao động. Sau đó, người lao động phải được đi giám định, nếu mất sức từ 21% trở lên thì được hưởng chế độ bệnh tai nạn lao động nghề nghiệp hàng tháng.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về việc hỗ trợ người lao động bị mất sức lao động chuyển đổi ngành nghề công việc. Khoản tiền đào tạo chuyển đổi ngành nghề này phải do Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả chứ không phải chủ sử dụng lao động. Bởi thực tế số tiền đóng cho Quỹ này là số tiền 1% trích ra từ quỹ tiền lương cũng do chính chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động.
Ông Lợi cũng đề nghị Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động lần này phải tăng thêm nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho chủ sử dụng lao động để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời phải cho người sử dụng lao động thêm nguồn kinh phí từ quỹ này để tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa. Luật phải được ban hành trên tinh thần phòng ngừa là chính, không để xảy ra những vụ tai nạn lao động chết người thương tâm nữa.
Về đề xuất tăng biên chế thanh tra ngành lao động, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng tăng là tốt, nhưng trong điều kiện hiện nay muốn tăng rất khó vì chúng ta đang phải giảm biên chế. Theo ông Lợi, nên giao chức năng này cho cơ quan lao động và cơ quan lao động địa phương. Một biện pháp quan trọng nữa là chú trọng nâng cao năng lực của thanh tra lao động; thực hiện thanh tra viên theo vùng vì thực tế hiện nay, năng lực thanh tra có tăng nhưng chưa đáng kể, số lượng không đáng kể, chất lượng chưa đáp ứng. Chúng ta phải tăng số lượng thanh tra viên có năng lực; đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho số lượng thanh tra hiện tại mà không nên đặt vấn đề tăng biên chế./.