Tai nạn tại các công trình đang thi công, trách nhiệm thuộc về ai?
VOV.VN - Mấy ngày nay, vụ cháu bé 10 tuổi rơi xuống hố tại công trình thi công tại tỉnh Đồng Tháp vẫn đang trong quá trình tìm kiếm, khiến dư luận rất quan tâm và lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn tại các công trình đang thi công.
Đơn vị, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra các vụ tai nạn tại các công trường xây dựng? Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố mất an toàn tại công trường thi công xây dựng?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Để đảm bảo an toàn lao động cho đơn vị thi công, nhân viên thi công, công nhân thi công đó là lẽ tất nhiên. Ngoài ra, cũng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dân ở xung quanh hoặc trong vùng dự án.
Các đơn vị thi công, chủ đầu tư quan tâm xử lý, xử phạt nghiêm đối với những đơn vị thi công không đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và những người xung quanh. Quy định đã rất rạch ròi, dẫn đến chết người là đơn vị thi công, chủ đầu tư phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, nếu dẫn đến chết người do sự chủ quan của đơn vị thi công thì truy cứu trách nhiệm đó là điều chắc chắn, không thể nào bỏ qua được, mặc dù gia đình người ta có bãi nại, có thông cảm đi nữa nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn phải thực thi theo quy định của pháp luật.
PV: Tết Nguyên đán đang cận kề, để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc như ở Đồng Tháp vừa qua, ông có khuyến nghị gì?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Thời gian qua có nhiều công trình không đảm bảo an toàn dẫn đến trẻ em, người lớn gặp sự cố, có khi người ta không hiểu, không nắm được những chướng ngại vật, hố ga, bê tông cốt thép gây nguy hiểm.
Trong thi công đều có quy định về đặt biển báo, hàng rào, người bảo vệ, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có không ít đơn vị họ phớt lờ những nội dung đó trong xây dựng công trình đường, cầu, trong quá trình sửa chữa đường các đơn vị thi công chủ quan không có biển báo, không có người bảo vệ nên dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trường hợp vừa rồi ở Đồng Tháp, cháu bé rớt xuống hố.
Cho nên, việc đặt an toàn cho đơn vị thi công, cho người thi công và những người xung quanh là trên hết. Tết Nguyên Đán sắp tới, người dân đổ xô về quê ăn Tết, trong đó có trẻ em, người lớn đi chơi, người uống rượu xỉn say xỉn, các đơn vị thi công, chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải quan tâm, đừng để những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trong thời gian qua.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!