Tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM mong ngày được chở khách
VOV.VN - Sau nới lỏng giãn cách, nhu cầu giao hàng thiết yếu giảm mạnh nên tài xế xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống mong muốn được chở khách trở lại. Tuy nhiên, hiện hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách qua các ứng dụng vẫn chưa được TP cho phép bởi chưa đủ cơ sở, điều kiện đánh giá an toàn.
Tài xế vật vờ chờ… nổ đơn
Rời phòng trọ từ 6 giờ sáng nhưng tới trưa, anh Quang Thiện (ngụ quận Bình Tân)- shipper hãng Grab mới giao được 1 đơn hàng. Trước đây, anh và cha cùng chạy xe ôm công nghệ, thu nhập cũng ổn để lo chi phí sinh hoạt cho gia đình 6 người. Dịch bệnh bùng phát, hai cha con chuyển qua làm shipper nhưng chỉ được một thời gian rồi nghỉ do khu trọ có nhiều F0. Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, anh Thiện chạy xe trở lại nhưng mỗi ngày chỉ được 5-7 đơn hàng, có hôm trừ chi phí xăng xe thì thu nhập chưa tới 300.000 đồng. Anh Thiện cũng muốn có thêm nguồn thu từ chở khách nhưng đến nay, hoạt động này vẫn chưa được cho phép.
“Hiện tại chạy ế lắm, chỉ giao hàng với giao thức ăn nên cũng phải chi tiêu dè dặt. Rất mong Thành phố xem xét cho phép tài xế chở khách bình thường trở lại như trước dịch để cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn”, anh Thiện bày tỏ.
Được chở khách trở lại cũng là mong muốn của ông Minh Hảo (ngụ Quận 3) - tài xế giao hàng hãng Gojek. Khi dịch vụ xe ôm công nghệ tạm ngưng, ông Hảo chuyển sang giao hàng nên thu nhập tương đối cao, dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày. Đến nay, nhu cầu giao hàng giảm mạnh nhưng số lượng shipper vẫn như cũ nên lượng đơn từ ứng dụng (app) phân bổ không đồng đều. Ngược lại, nhu cầu di chuyển của người đã dân đã tăng sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách mà tài xế lại chưa được chở khách.
Ông Hảo nhận định, bản thân may mắn hơn nhiều tài xế xe khác do không phải thuê nhà nhưng lãi ngân hàng, tiền trả góp mua máy tính cho con học online thì vẫn phụ thuộc vào công việc này.
“Nếu được chở khách trở lại thì lượng tài xế hiện nay sẽ chia bớt một số qua chở khách, một số giao đồ ăn, một số tài xế giao hàng hoá thì các tài xế sẽ có nhiều đơn hơn. Với lượng đơn giao hàng hiện nay, một ngày kiếm được 200.000- 300.000 đồng chỉ để dành trang trải, không dám tiêu xài, cố chạy qua ngày”, ông Hảo nói.
Muốn chở khách an toàn, đúng quy định
Khi TP.HCM giãn cách, ông Phan Khắc Hoà (ngụ quận Tân Bình) là một trong những shipper của hãng Grab tích cực hoạt động với 20-25 đơn mỗi ngày, một tuần có thể kiếm được gần 3 triệu đồng. Ông Hoà chia sẻ, thời điểm đó, các tài xế cũng vất vả, đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhưng thu nhập ổn định. Đến nay, nhu cầu đi chợ hộ không còn, đơn giao hàng cũng giảm đến 80% nên ông Hòa khá lo lắng về chi phí nhà trọ, ăn uống trong thời gian tới. Dù khó khăn nhưng tài xế này vẫn tuân thủ quy định của Thành phố, chờ tới khi được phép hoạt động trở lại.
“Nhiều khi đi đường, khách nhờ chở nhưng tôi không nhận vì quy định của Nhà nước chưa cho xe công nghệ chở khách, chở là mình chịu phạt. Hiện giờ dịch bệnh vẫn phức tạp, nếu cố tình chở mà khách đó không may mắc Covid-19 thì sẽ lây cho mình, mình lại lây cho gia đình thì càng khổ”, ông Hòa cho hay.
Không chỉ tài xế xe công nghệ, nhiều người dân cũng mong các ứng dụng gọi xe sớm được chở khách. Anh Lê Thiện Văn (ngụ quận Tân Phú), thường đặt xe công nghệ để qua quận Bình Thạnh làm việc. Tuy nhiên, các ứng dụng xe công nghệ như: Grab, Gojek, Be chưa được nhận khách nên anh Văn phải tự túc việc đi lại. Khách hàng này cũng quen với việc đặt xe công nghệ bởi mức giá rõ ràng, thường xuyên có mã khuyến mãi để tiết kiệm chi phí sau thời gian dài ở nhà giãn cách.
“Không có Grab rất bất tiện, mỗi khi mình muốn di chuyển khỏi nơi ở thì không tìm được phương tiện hay ứng dụng nào để đi. Hy vọng, các tài xế xe ôm công nghệ sẽ sớm được hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu của người đi”, anh Văn chia sẻ.
Đến nay, xe buýt, xe khách, xe hợp đồng và xe du lịch tại TP.HCM đã được hoạt động trở lại với số lượng phương tiện hạn chế. Riêng xe ôm công nghệ chưa được phép hoạt động. Hầu hết các tài xế đã tiêm 2 mũi vaccine nên họ rất mong muốn Thành phố sẽ xem xét, tạo điều kiện để dịch vụ chở khách được trở lại giúp họ có việc làm và ổn định cuộc sống./.