Tâm sự của giáo viên “cắm bản”, vượt khó vì sự nghiệp trồng người
VOV.VN - Ấn tượng đầu tiên gặp cô giáo Hà là đôi mắt tràn đầy nghị lực và nụ cười tươi lạc quan
Cách trung tâm thị trấn Tân Uyên khoảng gần 20km, trường phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học Phiêng Hào - huyện Tân Uyên – tỉnh Lai Châu nằm khép mình trong bản Nà Cại. Để tới được trường, chúng tôi được các giáo viên đón bằng xe máy vì ô tô không đi vào được. May mắn là trời tạnh nên chúng tôi chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy qua hai cây cầu nối con đường nhỏ lắt léo vẫn bám bùn đất do mưa hôm trước để lại, là đến cổng trường. Các thầy cô giáo và học sinh đã có mặt, chào đón chúng tôi trong không khí thật nồng ấm.
Trường phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học Phiêng Hào là một trong những trường còn gặp nhiều khó khăn ở Mường Khoa. Ngoài điểm trung tâm mà chúng tôi tới thăm, trường còn có hơn 20 điểm trường khác nằm rải rác khắp các bản. Điểm trường xa nhất cách điểm trung tâm gần 30km. Trong chuyến đi này, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ và giao lưu với các học sinh và đặc biệt là đội ngũ giáo viên, những người đã và đang tham gia giảng dạy tại các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, cảm nhận được sự nhiệt huyết, những nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường để mang “cái chữ” tới vùng cao Mường Khoa.
Khó khăn, gian khổ, vẫn quyết tâm “mang chữ” lên vùng cao
Ấn tượng đầu tiên gặp cô giáo Hà là đôi mắt tràn đầy nghị lực và nụ cười tươi lạc quan. Hà dạy ở điểm trường bản Hô Sa, cách điểm trung tâm gần 3 tiếng đi bộ. Cô giáo cho biết: việc đi lại đến các điểm trường trong bản, giáo viên không tính được bằng km mà tính bằng tiếng. Điểm trường có thể đi được xe máy không nhiều, phần lớn là đi bộ. Nếu trời tạnh thì đi được nhanh, còn trời mưa thì việc đi lại gặp khó khăn nhiều lắm, nhất là với các cô giáo. Mỗi lần nước sông dâng cao, việc đi lên bản mất rất nhiều thời gian và nguy hiểm.
Sinh ra và lớn lên tại Hoài Đức ( Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), cô giáo sinh năm 1987, sau khi tốt nghiệp ra trường đã có mong muốn dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Kỷ niệm đầu tiên khi mới bước chân vào trường mà tới giờ Hà vẫn nhớ đó là khi tự mình đi bộ tới điểm trường ở bản Hô Tra nhận nhiệm vụ. Đường vào bản không thể đi được bằng xe máy, Hà một mình tự men theo đường mòn, hỏi người dân đường tới nhà trưởng bản. Sau 3 tiếng đi bộ, Hà tới nhà trưởng bản, được gặp gỡ bà con và các học sinh của mình. Nhìn các em thương quá. Sẵn có túi kẹo, Hà chia cho các em, gọi từng em gái vào buộc tóc cho gọn gàng và bắt đầu sự nghiệp “trồng người” từ đó.
Ngày dưới xuôi, Hà được ăn thịt, ăn cá, còn ở trên bản, Hà sẵn sàng ăn cơm chan nước lọc cùng người dân trong bản. Dù đói, dù rét, dù vất vả, Hà vẫn nhiệt tình giúp các em biết đọc, biết viết, biết làm toán. Sống cùng dân, ở cùng dân, Hà và các thầy cô giáo đã giành được cảm tình, sự đón nhận của những người dân bản và trở thành những thành viên không thể thiếu của bản làng.
Vượt khó khăn, tự học tiếng, tìm cách dạy chữ cho học trò
Thầy giáo Đặng Hải Trung, sinh năm 1983, đã công tác tại trường 5 năm, đủ điều kiện có thể xin chuyển ra điểm trường gần trung tâm hơn nhưng thầy vẫn quyết tâm ở lại trường Phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học Phiềng Hào. Người dân bản, các học sinh đã là những người thân trong gia đình, gần gũi và vô cùng gắn bó với thầy. Người dân bản quý thầy vì sự chân thành. Học trò cũng quý thầy cho dù thầy rất nghiêm khắc. Thầy đã mang đến cho học trò những giờ học bổ ích, sinh động và lý thú. Mỗi lần nhìn những đôi mắt chăm chú, nuốt từng lời giảng; mỗi lần nhìn thấy học trò dù trời lạnh, rét run vẫn chăm chỉ tới trường, thầy Trung lại có thêm nghị lực, cố gắng soạn bài giảng cho thật tốt, mặc dù việc dạy học rất khó khăn do bất đồng ngôn ngữ.
Toàn bộ học sinh của thầy là người Mông, vì vậy, ngoài việc dạy học, thầy phải tự học tiếng Mông từ người dân và học từ chính học sinh để việc dạy học được tốt hơn. Bất đồng ngôn ngữ đã khó, cuộc sống lạc hậu, xa rời xã hội hiện đại cũng khiến việc tiếp nhận kiến thức của học trò gặp nhiều khó khăn.
Thầy Trung đã kể lại một kỉ niệm hồi mới vào nghề rất thú vị. Khi dạy học trò từ “tàu hỏa”, thầy đã giải thích, dùng cả tranh để miêu tả cho học sinh nhưng học sinh vẫn không hiểu đó là cái gì. Học sinh về nhà hỏi bố mẹ, bố mẹ cũng không biết đó là cái gì. Loay hoay mãi, cuối tuần trở về điểm trường trung tâm, thầy đã vào mạng internet, lưu một đoạn video miêu tả về tàu hỏa hoạt động như thế nào và hăm hở mang về bản minh họa cho học sinh. Lúc đó, cả bản mới biết “tàu hỏa” là phương tiện giao thông như cái xe đạp, xe máy nhưng chở được nhiều người hơn, nhiều hàng hơn và chạy bằng than.
Thầy cũng soạn giáo án rất kĩ, khoanh vùng, chú trọng những phần kiến thức cơ bản, hữu ích nhất cho học sinh. Thầy tâm sự: “Mình dạy địa lý Việt Nam, lịch sử Việt Nam, dạy về Bác Hồ rất kĩ. Vì đó những kiến thức cần thiết. Mình nghĩ, dân bản còn nghèo, còn lạc hậu thì những kiến thức đó là rất quan trọng”. Những sáng kiến dạy học này cứ tiếp sáng kiến dạy học kia, thấm thoát thời gian trôi qua, các thầy, các cô đã thành công trong việc “cõng chữ lên non”.
Nhưng khó khăn vẫn chưa hết, đến mỗi kì thi, các thầy cô giáo lại lo lắng nhiều hơn, nhất là khi trời mưa lớn. Thầy Trung kể chuyện, có năm trời mưa to, thầy Quang - hiệu phó mang đề thi lên cho học sinh phải vượt qua sông, nước đang dâng cao. Với quyết tâm phải mang đề thi đến kịp giờ, thầy đã bọc kĩ đề thi và bơi qua sông. Lên đến nơi, đề thi khô ráo còn thầy quần áo ướt sũng nhưng vui vì đã không làm ảnh hưởng đến việc học tập của các trò.
“Đi dân nhớ, ở dân thương”
Sự tâm huyết, những nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học Phiêng Hào đã giành trọn tình cảm của người dân và học trò trong các bản, làng. Anh chị người dân tộc Lào ở bản Nà Cại tâm sự: “Thầy giáo nó tốt lắm. Trường học cũng tốt. Nhà nước cho tiền giúp con tôi đến trường. Chúng tôi góp gạo thôi. Nó học giỏi được thưởng hay được cho tiền, giáo viên đều đến thông báo và hướng dẫn giúp các cháu mua đồ dùng học tập, quý lắm”.
Còn thầy Cầm Văn Chưởng, dạy ở điểm trường xa nhất là bản Hô. Để đến được bản, thầy giáo phải vượt qua một khu rừng. Thứ sáu thầy xuống núi về với gia đình, chiều chủ nhật, thầy lại lên bản dạy chữ. Dù có những hôm thời tiết xấu, hay có việc gia đình, thầy đều cố thu xếp để lên bản. 5 giờ chiều không thấy thầy lên, mọi người trong bản tranh nhau xung phong mang đèn xuống đón. Thầy Chưởng kể: Có hôm mưa lớn, 7 giờ tối mới lên đến cửa rừng mà vẫn thấy dân bản đang cầm đèn đứng chờ đón thầy, xúc động lắm, càng yêu nghề hơn, gắn bó với dân bản hơn.
Trong cuộc giao lưu với trường Phổ thông Dân tộc bán trú Phiêng Hào, chúng tôi thật may mắn khi được gặp một số giáo viên “cắm bản” về dự. Trò chuyện, tâm sự, lắng nghe những câu chuyện của họ, những giáo viên thế hệ 8X, 9X đang “thầm lặng” đóng góp tuổi thanh xuân, sự nhiệt huyết của mình giúp đỡ người dân vùng cao; Nhìn những cái nắm tay thật chặt, thật chân tình, mộc mạc của những giáo viên “cắm bản” khi chụp ảnh kỉ niệm, chúng tôi đã thấy sự đoàn kết, gắn bó và quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học Phiêng Hào vượt mọi khó khăn, mang chữ lên “vùng cao”.
Khi được hỏi, có mong muốn gì?, các giáo viên đều trả lời: “Mong Nhà nước đầu tư hơn nữa giúp cho học sinh đến trường thuận lợi hơn, có đủ sách, vở, đồ dùng học tập và quần áo ấm đến trường, đủ no để ngồi học”.
Trân trọng vô cùng những nỗ lực không ngừng của những giáo viên “cắm bản”, đóng góp cho “sự nghiệp trồng người” của đất nước./.