Tăng cường ứng phó với mưa lũ
Hàn khẩu lại các tuyến đê bị vỡ, giải toả ùn tắc giao thông và phòng chống dịch bệnh là những việc đang được các các địa phương nhanh chóng triển khai.
Sáng 7/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả úng ngập tại phường Quang Trung, thành phố Hà Đông và Viện Quân y 103 đóng trên địa bàn thành phố Hà Đông.
Đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 3 gia đình chính sách, hộ nghèo ở khu phố 13, phường Quang Trung, thành phố Hà Đông vẫn đang bị ngập chìm trong nước, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trước những thiệt hại, mất mát của thành phố Hà Nội nói chung, thành phố Hà Đông nói riêng và nhiều người dân trên địa bàn trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố Hà Đông, phường Quang Trung trong quá trình giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ lương thực, thuốc men... phải bảo đảm nhanh chóng, công bằng, đến được tận tay người dân thiệt hại do lũ lụt.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, thành phố Hà Đông có gần 6.000 hộ dân bị ngập nước, cho đến nay vẫn còn hơn 2.000 hộ dân bị ngập khoảng 20- 60cm. Toàn thành phố bị thiệt hại gần 800 ha rau màu, hoa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Đến ngày 7/11, Hà Đông vẫn còn 12 trường học bị ngập nước, 47 trường có nước ngập xung quanh hoặc ngập ở trên đường học sinh đến trường. Riêng phường Quang Trung vẫn còn 715 hộ dân bị nước ngập vào nhà, trong đó có hơn 200 hộ nước ngập sâu từ 1m trở lên.
Đến thăm Viện Quân y 103 trong lúc nước vẫn ngập sâu trong khuôn viên của Viện, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương tinh thần vượt khó, nỗ lực khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ, công nhân Viện trong việc bảo đảm khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân ngay trong những ngày mưa ngập. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn: Trong những lúc khó khăn, gian nan như lúc này, Viện Quân y 103 càng làm tốt hơn công tác dân vận, thể hiện tình quân dân thắm thiết, vừa chủ động khắc phục hậu quả úng lụt trong Viện, vừa tích cực giúp nhân dân trên địa bàn trong việc vận chuyển dân qua vùng lụt, cứu trợ lương thực, nước uống và tổng vệ sinh môi trường... Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm khoa Hồi sức cấp cứu, tặng quà, động viên 3 bệnh nhân nặng là thương binh đang được điều trị tại đây.
Đại tá Đỗ Tất Cường, Phó Giám đốc Viện Quân y 103 cho biết: Ngay từ ngày đầu của đợt mưa lịch sử (31/10), Viện đã bị ngập sâu trong nước, trong đó tầng 1 của 7 khoa nước tràn ngập tới 50cm, còn khuôn viên lên tới 1m. Viện đã phải cho đắp đập, be bờ, bơm nước khẩn cấp để bảo vệ hệ thống máy chẩn đoán hình ảnh nằm ở tầng 1; di chuyển kịp thời bệnh nhân lên tầng 2. Thời điểm đó, Viện có hơn 1.000 bệnh nhân, đặc biệt có 50 trường hợp đang lọc thận. Điện lưới bị mất hơn 4 ngày, song Viện vẫn cho chạy máy nổ đều đặn bảo đảm chất lượng đối với các hoạt động khám và điều trị bệnh. Viện cũng chủ động các biện pháp để bảo đảm nước sạch, thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải y tế được dọn dẹp và xử lý kịp thời, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trong những ngày mưa lụt, Viện Quân y 103 vẫn đón 147 bệnh nhân vào cấp cứu kịp thời và có 18 cháu bé chào đời an toàn.
Chủ động phòng chống lũ
Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc lại đang đứng trước nguy cơ lụt lội, chưa đầy một tuần sau trận mưa lịch sử thậm chí biến nhiều khu vực của thủ đô thành biển nước.
Chiều nay 7/11, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 9, có tên quốc tế là Maysak, với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8, giật trên cấp 8.
Cơn bão này cũng kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa vừa và mưa to tại các tỉnh Trung bộ, cùng gió đông bắc mạnh tới cấp 9 ở vịnh Bắc bộ, vùng biển Trung Trung bộ và khu vực Bắc Biển Đông.
Tại cuộc họp cùng ngày, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới, vì cơn bão sẽ gây ra mưa ở nhiều nơi trong khi hầu hết các tỉnh, thành phố miền Bắc đang bị ngập úng.
Ông Phát cho biết vùng nguy hiểm trên Biển Đông của áp thấp nhiệt đới được xác định từ vĩ tuyến 10 đến 17 độ Vĩ Bắc. Vì vậy, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Cà Mau cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh bão lụt.
Hồi 13h chiều, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc và 117,2 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới bão sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/giờ và gây gió xoáy mạnh từ cấp 7 đến cấp 11 tại khu vực giữa biển Đông.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng đã cử các đoàn công tác phối hợp với thành phố Hà Nội đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý các sự cố đê nội đồng trên sông Nhuệ, các vị trí sạt lở sông Bùi, sông Tích, sông Hồng, sông Đuống và kè Liên Trì để tiếp tục xử lý, chuẩn bị ứng phó với mưa lũ và bão.
Theo phương án di dân của Hà Nội, khi mực nước dâng quá cao, lực lượng chức năng sẽ cho nước tràn qua đê bối, đê bao để bảo vệ đê chống lũ. Khi đó, các hộ dân trong khu vực nằm trong diện có thể phải di dời gồm đê tả Bùi ở xã Trung Hòa và Thanh Bình (Chương Mỹ), đê sông Tích (huyện Thạch Thất và Quốc Oai), đê sông Mỹ Hà (Mỹ Đức), đê sông Nhuệ tại Đồng Bông (Từ Liêm), thành phố Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên.
** Để chủ động đối phó với mưa lũ có thể diẽn biến phức tạp tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng hàn khẩu các mạch sủi, mạch đùn tuyến đê sông Cà Lồ: Phần đê sụt lún được gia cố thêm chân đê phía nội đồng, phần sạt lở trên 200 m và 30 m nước tràn đê đã được gia cố, đắp thêm đê "con chạch" cao 50 cm. Riêng đoạn đê Ba Hanh thuộc xã Nam Viêm là nguy hiểm nhất đã được tập kết đủ vật tư để thực hiện đúng “4 tại chỗ''. Trên 30 hộ dân khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đã được sơ tán tới nơi an toàn. Đoạn đê Sáu Vó (xã Tân Phong) cũng được tăng cường thêm 30% cơ số vật tư. Lực lượng phòng hộ tăng thêm 500 thanh niên xung kích chia làm 05 đội thay nhau túc trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Ở thành phố Vĩnh Yên, khu vực hạ lưu dòng chảy làm cho 03 điểm gây ngập sâu tắc đường quốc lộ 2 nay đã được khơi thông với khẩu độ rộng nhất có thể được. Rút kinh nghiệm đợt trước có hàng chục xe ôtô bị ngập nước chết máy gây ách tắc hàng ngàn xe ở các điểm này, ngành giao thông của tỉnh đã chuẩn bị 04 xe cứu hộ kéo miễn phí để sẵn sàng giải toả ách tắc. Ngành y tế đã tăng cường cho y tế tuyến cơ sở gần 40 cơ số thuốc. Bộ tư lệnh Quân khu II và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã điều thêm gần 700 bộ đội tham gia túc trực hộ đê và cứu hộ cứu nạn. Nhân dân các xã bị ngập nước, nhất là các xã bị nước làm cô lập với bên ngoài, được đưa đến nơi an toàn, cung cấp đủ lương ăn, nước sạch. Địa phương còn vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hàng ngàn thùng mì tôm, lương khô, nước uống để sẵn sàng đưa tới các địa điểm cần thiết giúp dân.
** Theo Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Yên Bái, do mưa lớn kéo dài đêm 6/11đến sáng 7/11/2008 đã gây sạt lở ta luy dương tại 3 điểm gồm: Km 8 + 800 trên tỉnh lộ Mậu A đi Tân Nguyên; cầu Đát Hùng và Km 51+050 trên tỉnh lộ Yên Thế - Vĩnh Kiên với khối lượng đất đá sạt lở ước chừng trên 4.000 m3, gây tắc nghẽn giao thông hoàn toàn. Đây là đoạn đường rất xung yếu, vào mùa mưa lũ thường hay bị sạt lở ta luy từ nhiều năm nay gây ách tắc giao thông. Khắc phục tình trạng này, Công ty Quản Lý sửa chữa đường bộ II, sở Giao thông Vận tải Yên Bái đã chủ động huy động nhanh máy ủi túc trực thường xuyên trên tuyến đường để nhanh chóng giải toả ách tắc giao thông. Dự kiến chiều 7/11 sẽ thông xe tuyến tỉnh lộ đoạn Mậu A đi Tân Nguyên.
** Do ảnh hưởng mưa lũ lớn, trên tuyến đê sông Hồng qua địa bàn 2 huyện Văn Giang và Khoái Châu (Hưng Yên) đã xuất hiện 3 sự cố nghiêm trọng gây nứt sạt đê. Tại K91+450 thuộc địa phận xã Dạ Trạch (Khoái Châu) xuất hiện vết nứt dài 23 m nằm trên mặt đê cách mép đê phía sông từ 0,6-8 m. Khe nứt rộng từ 5-10 cm, sâu 0,9 - 1m, lún lệch từ 3-15 cm. Địa điểm này trước đây vào năm 1999 đã xảy ra sự cố nứt dọc đê với chiều dài hàng trăm mét. Tại K77+ 300 thuộc khu vực gần cống Xuân Quan (Văn Giang) xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê phía đồng, đỉnh cung sạt nằm sát mép đỉnh đê dài 16,5 m, lún lệch khoảng 90 cm, khe lún rộng từ 5-10 cm, phía chân cung sạt có hiện tượng đất phình lên.
Ngoài ra, tuyến đê thuộc xã Thắng Lợi (Văn Giang) ở vị trí K85 cũng xảy ra sự cố bị sạt trượt mái đê phía đồng, chiều dài cung sạt là 10 m, lún lệch 0,4 - 0,5 m. Ngay sau khi phát hiện các sự cố trên, tỉnh Hưng Yên huy động nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương xử lý. Ban đầu khắc phục bằng biện pháp tạo rãnh thoát nước, dùng đất thịt đắp bờ trên mặt đê, ngăn nước không cho chảy tập trung vào khe nứt; dùng vải nilông dày phủ lên khe nứt, trùm xuống mái đê; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến các điểm nứt sạt. Về lâu dài, sẽ tiến hành khảo sát hiện trạng tạo cơ đê phía sông để bảo đảm an toàn, phát huy tác dụng chống lũ.
Phòng tránh dịch bệnh gia súc, gia cầm
Do mưa lụt kéo dài, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ xảy ra, Chi cục thú y Hà Nội và các huyện, thành phố trực thuộc tăng cường công tác giám sát và thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y khẩn cấp. Các cán bộ thú y đã trực tiếp đến kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, các trang trại và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện ngay các biện pháp xử lý môi trường, vệ sinh tiêu độc chuồng trại sau khi nước rút; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi khẩn trương thu gom và thực hiện việc đào hố để tiêu hủy số gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết do mưa ngập...
Đợt mưa ngập kéo dài vừa qua đã gây thiệt lớn cho người chăn nuôi ở các huyện ngoại thành Hà Nội với tổng số gần 80.000 con gia súc, gia cầm bị chết và gần 10.000 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Số gia súc, gia cầm bị chết chủ yếu do mưa ngập, nước dâng cao quá nhanh, các chủ hộ không kịp kê kích chuồng trại hoặc di chuyển gia súc, gia cầm. Tại các vùng chăn nuôi lớn như Tiên Phương, Trung Hòa (Chương Mỹ), Di Trạch (Hoài Đức), Hòa Phú, Trung Tú (Ứng Hòa), Hòa Thạch (Quốc Oai)…. có hộ chăn nuôi bị thiệt hại hàng tỷ đồng với số lượng gia cầm bị chết lên tới trên 20.000 con ở mỗi trang trại. Do số lượng gia cầm bị chết quá lớn, khu vực chăn nuôi ngập sâu và hiện vẫn đang bị cô lập trong biển nước nên có nơi đã xảy ra hiện tượng xác gia súc, gia cầm trôi nổi theo dòng nước trong nhiều ngày mà không được tiêu hủy kịp thời, gây nên trình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho số gia súc, gia cầm còn lại là rất cao.
** Phú Thọ triển khai kế hoạch tiêm vaccine cúm gia cầm đợt II năm 2008 cho gần 7 triệu con gia cầm, trong đó mũi 1 gần 5,7 triệu con, mũi 2 hơn 860.000 con, dự kiến tiêm phòng bổ sung thường xuyên 400.000 con. Theo hướng dẫn của Chi cục thú y, đối với gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt từ 2 tuần tuổi trở lên tiêm 01 mũi vaccine H5N1 trong một đợt. Riêng gà thịt trước khi giết mổ 15 ngày không được tiêm vắc-xin mà thực hiện nuôi nhốt, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Đối với vịt giống, vịt đẻ trứng thương phẩm, vịt từ 2 tuần tuổi trở lên tiêm đủ 02 mũi vaccine H5N1 trong một đợt, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 28 ngày. Đối với ngan, chỉ tiêm phòng vaccine ở những vùng trọng điểm chăn nuôi ngan để tránh lãng phí vaccine. Theo kế hoạch, mũi 1 tiêm trong tháng 11/2008, mũi 2 từ cuối tháng 12/2008 đến đầu tháng 1/2009.
** Đến ngày 7/11, đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm vụ thu năm nay ở Hải Dương đã kết thúc, nhưng tỷ lệ thực hiện đạt thấp. Sau 2 tháng triển khai, toàn tỉnh đã tiêm khoảng 6,7 triệu liều vaccine phòng các bệnh tụ huyết trùng và lở mồm, long móng ở trâu, bò; dịch tả và tụ dấu ở lợn; H5N1 ở gia cầm và bệnh dại ở chó, trong đó tiêm vaccine cúm gia cầm mũi 2 đạt 2,09 triệu liều, chủ yếu cho gà mới lớn và thủy cầm; mũi 1 chỉ đạt khoảng 60% tổng đàn. Ngoài huyện Thanh Hà tập trung tiêm phòng dịch trên địa bàn 8 xã đã xuất hiện dịch và vùng giáp ranh do được hỗ trợ tiền mua vaccine của tỉnh, thì chỉ mới có thêm một số xã, thị trấn ở các huyện Ninh Giang, Gia Lộc và Nam Sách mua vaccine phòng bệnh tai xanh nhưng số lượng rất ít. Toàn tỉnh tiêm vaccine tả cho gần 367.736 con lợn, tuy tăng 3,38% so với vụ thu 2007, nhưng mới đạt 62,59%; tiêm vaccine tụ dấu lợn được 304.361 con đạt 51,79%. Đối với đàn trâu bò, trong khi tiêm vaccine lở mồm, long móng đạt hơn 70%, thì tiêm vaccine tụ huyết trùng chỉ đạt dưới 35% tổng đàn. Tiêm vaccineRabicin phòng bệnh dại cho đàn chó đạt 85% tổng đàn. Hiện nay, Chi cục đang triển khai tiêm vaccine H5N1 mũi 2 (đợt 2) cho gia cầm, với hơn 2 triệu liều. Được biết, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có hơn 700 nghìn con, tổng đàn trâu, bò hơn 50 nghìn con và tổng đàn gia cầm trên 7 triệu con./.