Tăng lương cơ sở lấy tiền ở đâu?
VOV.VN -Tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, tuy nhiên ngân sách thâm hụt, tăng chi thì không biết lấy tiền ở đâu.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, vấn đề tăng lương cho cán bộ, công nhân viên chức được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Hầu hết đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất để sớm xây dựng ban hành Luật tiền lương tối thiểu, đảm bảo tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Vì thực tế cho thấy, tiền lương thấp hiện nay là nguyên nhân tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và tâm tư, đời sống của người lao động.
Ai cũng muốn tăng…
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) tán thành với nhiều ý kiến cho rằng cố gắng làm sao giảm chi đến mức tối đa trong khu vực sự nghiệp, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Nhiều trường đại học, bệnh viện tự chủ được và giảm bộ phận cán bộ công chức để làm sao năm 2016 không tăng chi thường xuyên và bằng mọi cách tiết giảm các chi không cần thiết như chi hội họp, lễ hội… để tăng lương cho cán bộ công chức.
Bài toán tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp năm 2016 (Ảnh minh họa) |
“Tôi đề nghị cố gắng làm sao nếu đầu năm không được thì phải nửa năm, phải tăng lương tối thiểu cũng phải 5%. Đề nghị với Chính phủ phải có một lộ trình để làm sao thực hiện được Điều 91 của Bộ luật lao động, chứ không phải doanh nghiệp phải thực hiện, còn với cán bộ công chức không thực hiện. Nếu như thế cán bộ công chức sống như thế nào, như vậy sẽ đi đến tình trạng gây khó khăn cho nhân dân, gây khó khăn cho doanh nghiệp để rồi doanh nghiệp, nhân dân bôi trơn bộ máy này thì không thể nào chấp nhận được” – ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) khẳng định: “Cân đối ngân sách năm 2016 là hết sức khó khăn. Vấn đề đặt ra là chính sách tiền lương, có nâng lương cho những đối tượng có mức lương trên 2,34 không? Tôi cho rằng đây là vấn đề cấp bách, cần thiết, nhưng việc cân đối hết sức khó khăn, chúng ta không thể tiếp tục đi vay để chi trả lương được. Vì vậy, tôi đồng ý với đề xuất giao cho Chính phủ xem xét tình hình thu chi ngân sách và sẽ báo cáo căn cứ vào khả năng thu như thế nào báo cáo tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 11, tháng 3 năm tới”.
Lấy tiền ở đâu để tăng lương?
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn trước báo cáo của Bộ Tài chính và cho rằng cứ tình trạng “giật gấu vá vai” thế này, liệu tính thế nào sau năm 2016. Cắt ai, thêm ai, giờ muốn tăng lương thì lấy đâu ra?
“Nhóm chi cho bộ máy hành chính cộng với chi các tổ chức chính trị trong hệ thống chúng ta phải bảo đảm ngân sách và chi trợ cấp. Số này, tôi cho rằng không thể nào chấp nhận cao hơn của năm 2015 từ nay trở đi. Có nghĩa anh muốn tăng lương, tăng thu nhập, tăng gì phải giảm người xuống, còn không giảm người là không cho tăng” – ông Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng người hưởng lương từ ngân sách chỉ có 4 triệu trong số 92 triệu dân. Người không có lương họ kêu với ai? Trong khi nợ công tăng, ngân sách hụt thu, tăng chi; tăng lương thì lấy đâu ra, tiết kiệm chỗ này, chỗ kia không đủ.
Nên “xử lý” 30% công chức ngồi chơi xơi nước
Theo các đại biểu, vấn đề tinh giảm bộ máy được bàn thảo nhiều lần nhưng không thấy chuyển biến mà ngày càng phình ra.
“Trong một báo cáo tài chính gửi Quốc hội kỳ này, tôi thấy có một chỗ nêu 70% bội chi vừa qua do tăng lương nhiều đợt liền và bộ máy chưa được cải thiện. Thực tế tôi thấy cái chúng ta đáng quan tâm là thu nhập của 30% công chức từ Trung ương đến xã, cũng như những người có công và người về hưu lương thấp. Còn 70% viên chức còn lại, nếu chúng ta không cải cách rất khó tăng lương” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) dẫn chứng: Từ năm 2007 đến năm 2013, qua ba đợt tinh giảm nhưng biên chế vẫn tăng gần 25%, đây là số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ. Hiện cả nước có hàng chục tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp… được hưởng lương, kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước. Số còn lại cũng có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách của nhà nước.
Dưới 2,8 triệu cán bộ ăn lương từ ngân sách nhà nước, hàng năm ngân sách phải dành ra 35% để chi trả lương và cần phải cần 40.000 tỷ đồng để tăng lương cho số cán bộ công chức này. Hiện nay Chính phủ đang tính toán, nhưng không biết cân đối như thế nào. Vì có thể nói bộ máy của ta quá lớn, cồng kềnh so với các quốc gia.
Đại biểu đề nghị cần có cơ chế sát hạch định kỳ đối với cán bộ, công chức nhằm đánh giá đúng kỹ năng đạo đức công vụ và việc này sẽ trả lời được việc 30% cán bộ, công chức ngồi chơi xơi nước mà Quốc hội và dư luận đã nêu, nhưng chưa có lời giải.
Trong khi người lương chục triệu lại được tăng
Về chính sách tăng lương 8% cho đối tượng người có công, người nghỉ hưu từ năm 2014 về trước và cán bộ có mức lương dưới 2,34 trở xuống, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) khẳng định ngay từ khi ban hành đã có những bất hợp lý. Hiện có khoảng 200.000 người hưởng lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng, tính cả số người hưởng lương hưu 3 triệu đồng/tháng trở lên thì con số lớn hơn rất nhiều.
Bất hợp lý là ở chỗ ngân sách thì khó khăn nên nhà nước quan tâm đến đối tượng hưu, nhưng có người hưởng vài chục triệu/tháng thì vẫn được tăng 8%, trong khi người đang làm việc phải lo học hành, nuôi con nhỏ... từ 2,7 triệu đồng/tháng trở lên không được hưởng chính sách này.
Người có lương hưu từ 3 triệu đồng trở lên rất nhiều, nhưng vẫn được tăng 8%, kể cả những người vài chục triệu/tháng. Chưa kể những người về hưu từ 1/1/2015 trở đi, lương cơ bản tính là 1,150,000 đồng, nhưng họ không được tăng 8% này, trong khi họ cũng tương tự như những người từ năm 2012, 2013, 2014 được nâng lương.
“Tôi đề nghị chính sách tới đây, Nhà nước nên xác định nếu không tăng lương cho tất cả theo lộ trình chung thì chỉ tăng lương cho những đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng về hưu từ tháng 4/1993 trở về trước” – đại biểu đề xuất./.