Tăng lương, doanh nghiệp phải điều chỉnh chất lượng hoạt động
VOV.VN - Để thực hiện đúng lộ trình tăng lương, doanh nghiệp phải có ngay những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% đang có những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp. Song để thực hiện đúng lộ trình tăng lương, doanh nghiệp đang kịp thời có những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Như Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Minh Việt cho rằng, khi tăng lương lên 12,4%, tất cả chi phí liên quan đến lao động và bảo hiểm sẽ tăng lên khoảng trên 20%, tác động không nhỏ đến doanh nghiệp: “Đối với doanh nghiệp nếu tăng lương cho lao động lúc này thì các chi phí về bảo hiểm sẽ tăng lên gây khó khăn và tác động cho doanh nghiệp. Đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay khi mà các chi phí đầu vào, cũng như việc tiêu thụ hàng hóa trong tình hình hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa đạt kết quả tốt như mong muốn”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Thắng cũng cho biết, để thực hiện đúng lộ trình tăng lương cho người lao động vào đầu năm 2016, bên cạnh việc duy trì các hoạt động tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua, kêu gọi công nhân tham gia các chương trình, cuộc thi sáng kiến hữu ích, tìm ra những cách làm mới, vừa tăng năng suất lao động, hạn chế phế phẩm.
Theo ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên, khi quyết định tăng lương có hiệu lực, mỗi tháng, doanh nghiệp sẽ phải chi tăng thêm hàng tỷ đồng để trả lương. Để thực hiện đúng quy định của nhà nước, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước mắt, doanh nghiệp phải thực hiện chính sách tiết kiệm, đẩy mạnh đầu tư vào việc đổi mới công nghệ nhằm tạo ra các giá trị gia tăng nhằm tăng nguồn thu.
“Doanh nghiệp hiện nay đưa ra chính sách tiết kiệm thông qua nhiều hình thức. Chúng tôi yêu cầu tất cả giám đốc các bộ phận rà soát lại hợp đồng của các nhà cung cấp linh kiện, máy móc cho doanh nghiệp cũng như các hợp đồng tiêu dùng, rà soát lại đội ngũ lao động cho hợp lý hơn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường trong nước và ngoài nước để dịch vụ của mình tạo ra giá trị thông qua việc cung ứng sản phẩm nhằm tăng tối đa giá bán sản phẩm để tạo thu nhập cho công ty” – ông Hồng nói.
Cuộc sống của công nhân hiện nay đang rất khó khăn. |
Theo các chuyên gia, tăng lương lần này là điều kiện để cải thiện đời sống của người lao động, đồng thời tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập. Do đó, cùng với việc điều chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tiết kiệm, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, để việc tăng lương cho người lao động không gây áp lực cho doanh nghiệp, Nhà nước nên xem xét việc giãn lộ trình tăng bảo hiểm xã hội: “Lộ trình tăng các chi phí bảo hiểm theo thu nhập thực tế của người lao động thì phải giãn ra để giảm các chi phí về lao động cho các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực hết sức trong việc thay đổi công nghệ, cải thiện quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng nhằm tăng nguồn thu cho doanh nghiệp”.
Với mức tăng 12,4%, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải tìm ra giải pháp để giải quyết khó khăn, trong đó, giải pháp hàng đầu là tăng năng suất lao động làm ra sản phẩm, chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh, đầu tư đào tạo nguồn lực, cải tiến các thiết bị, công nghệ hiện đại, bố trí sản xuất kinh doanh một cách hợp lý./.